Thứ tư 16/04/2025 - 12:45
Lăng kính
Giám sát chặt để thúc đẩy nhanh đầu tư công
Thứ Ba 21/07/2020 - 08:47
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành quyết định thành lập 7 đoàn công tác cấp cao của Chính phủ để đôn đốc khôi phục sản xuất sau Covid-19.
Từ ngày 18/7 đến ngày 31/8, 7 đoàn công tác này sẽ tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, xử lý vướng mắc nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành và địa phương.
Trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ đều loay hoay ứng phó hệ lụy căng thẳng của đại dịch toàn cầu, thì đầu tư công được xác định là đòn bẩy quan trọng nhất cho nền kinh tế Việt Nam.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, đã có 30,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng do Covid-19.
Cụ thể, có 17,6 triệu người người lao động bị giảm thu nhập, và có 2,4 triệu người lao động bị mất việc. Nếu không có những động thái tích cực kích hoạt nền kinh tế Việt Nam, thì chắc chắn tỉ lệ thất nghiệp sẽ còn diễn biến xấu trong thời gian tới. Và tăng cường đầu tư công, chính là một sự chọn lựa hợp lý và đúng đắn.
Thế nhưng, đầu tư công muốn phát huy hiệu quả thì phải chú trọng đến tính minh bạch trong quá trình sử dụng ngân sách vào các công trình phúc lợi xã hội.
Vụ án gian lận khi mua sắm máy xét nghiệm Covid-19, mà Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn gọi “ăn quá dày”, giống như một lời cảnh tỉnh nghiêm khắc. Bình thường, Chính phủ đã nhận diện được tệ nạn “tham nhũng vặt”, thì bây giờ phải kiên quyết khống chế thêm tệ nạn “ăn quá dày”.
Ngoài việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia trực tiếp vào các lĩnh vực không liên quan đến an ninh và bí mật quốc gia, thì sự minh bạch trong quản lý đầu tư công có giá trị quyết định thành bại của nền kinh tế.
Tiêu cực và thất thoát trong đầu tư công, không chỉ làm hao hụt tài sản Nhà nước, mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của người dân, và làm giảm nhuệ khí đi lên của xã hội
Sự minh bạch không phải dựa vào các báo cáo khéo léo, mà phải được giám sát nghiêm túc và kiểm tra thường xuyên. Khi và chỉ khi, sự minh bạch được thực thi, thì mới triệu tiêu những biểu hiện “sân sau” hoặc “lợi ích nhóm”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn nêu ra vấn đề cốt lõi: Tại sao có cùng cơ chế, chính sách nhưng có địa phương giải ngân tốt, có địa phương ì ạch giải ngân chậm? Phải chăng là sự quan liêu thiếu trách nhiệm, lãnh đạo địa phương không trực tiếp giải quyết tháo gỡ khó khăn?
Khi mỗi bộ, ngành và mỗi địa phương đều tập trung vào các dự án đầu tư công, thì sự minh bạch trở thành chìa khóa vàng để quản lý kinh tế quốc gia.
Đầu tư công luôn đi kèm với khoản tiền lớn, vì vậy không chỉ đòi hỏi ở những nhà quản lý phải có năng lực chuyên môn mà còn cần phải đạo đức cán bộ.
Trong sự khó khăn chung của đất nước, mà những kẻ gian manh lại thừa cơ vơ vét thì mọi sự càng thêm gian nan.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/giam-sat-chat-de-thuc-day-nhanh-dau-tu-cong-d268909.html