| Hotline: 0983.970.780

Thứ tư 14/05/2025 - 12:47

Trồng trọt

Giải pháp canh tác sầu riêng kiểm soát tồn dư hóa chất

Thứ Tư 14/05/2025 - 12:41

Việc quản lý đất đai, tưới nước và sử dụng phân bón không hợp lý, khoa học đều có thể dẫn đến sự tích tụ kim loại nặng trong sản phẩm sầu riêng.

Vườn sầu riêng canh tác theo hướng kiểm soát dư lượng hóa chất, kim loại nặng, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: PC.

Vườn sầu riêng canh tác theo hướng kiểm soát dư lượng hóa chất, kim loại nặng, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: PC.

Bài liên quan

Việc quản lý tồn dư kim loại nặng và hóa chất BVTV trên sản phẩm sầu riêng góp phần quan trọng trong chuỗi giá trị ngành hàng bền vững. Việc này có thể được kiểm soát tốt thông qua thực hiện nghiêm túc các giải pháp canh tác chủ yếu sau đây:

Về quản lý đất trồng: Các kim loại nặng thường sẵn có trong đất phụ thuộc vào yếu tố đá mẹ tạo thành đất và thay đổi trong quá trình phong hóa cũng như canh tác, đặc biệt là vấn đề bón phân, tưới nước và sử dụng hóa chất BVTV. Khi hàm lượng kim loại nặng, đặc biệt là Cd, Pb tồn lưu trong đất cao, sẽ dẫn đến cây trồng hấp thu nhiều các chất này, vì vậy dễ gây tồn lưu trong cây, sản phẩm vượt ngưỡng cho phép, gây hại đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Về mặt sinh lý cây trồng, sầu riêng là cây có khả năng hấp thu nhiều Cd hơn so với các cây trồng khác nên nguy cơ tích lũy hàm lượng này trong sản phẩm là rất cao.

Cần lấy mẫu đất xét nghiệm các nguyên tố kim loại nặng để có giải pháp quản lý hiệu quả. Ảnh: PC.

Cần lấy mẫu đất xét nghiệm các nguyên tố kim loại nặng để có giải pháp quản lý hiệu quả. Ảnh: PC.

Vì vậy kiểm soát hàm lượng Cd trong đất trồng sầu riêng là vấn đề cần quan tâm để đảm bảo đất không phải là nguy cơ làm tăng khả năng tích lũy Cd trong sản phẩm sầu riêng. Ngoài ra, đối với đất rất chua (pHKCl từ 3 - 4) thì khả năng hòa tan các kim loại nặng rất tốt nên cây sầu riêng dễ dàng hấp thu càng nhiều Cd dẫn đến tình trạng tích lũy hàm lượng chất này trong sản phẩm càng cao.

Nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp cần lấy mẫu đất để xét nghiệm các nguyên tố kim loại nặng, đặc biệt là Cd và Pb cùng với độ chua của đất để có giải pháp quản lý hiệu quả ngay từ đầu. Nhà nước nên lập bản đồ phân bố hàm lượng kim loại nặng như Cd, Pb, Zn (kẽm), Cu (đồng), As (asen), pH… cho các vùng trồng sầu riêng ở Việt Nam để làm cơ sở dữ liệu trong việc quản lý dư lượng các kim loại nặng, đặc biệt là Cd, đây bước đi căn cơ hiện nay để hỗ trợ cho ngành hàng sản xuất sầu riêng hiệu quả.

Đối với các loại đất trồng sầu riêng có hàm lượng Cd tổng số ở tầng canh tác (0 - 30cm) vượt quá 1,5mg/kg đất hoặc lượng Pb tổng số trong lớp đất mặt vượt quá 70mg/kg đất thì không nên trồng sầu riêng và phải tiến hành luân canh cải tạo đất một thời gian.

Đối với đất chua, cần phải tiến hành bón vôi hoặc các loại phân bón cải tạo độ chua của đất để hạn chế sự hòa tan của các kim loại nặng, từ đó giúp cây sầu riêng hấp thu các kim loại nặng có kiểm soát, hạn chế nguy cơ tồn lưu các chất này trong sản phẩm.

Đối với đất chua (pH thấp) làm tăng tính hòa tan/di động của các kim loại nặng trong đất, bón vôi hàng năm cho đất với lượng từ 800 - 1.000kg/ha hoặc zeolite sẽ giảm hiệu quả sự giải phóng Cd và các kim loại nặng trong đất, từ đó giảm mức hấp thu của cây sầu riêng. Ngoài ra, bón thêm các vật liệu khoáng như bột đá bazan hoặc khoáng sét có tính kiềm vừa có khả năng tăng dung lượng hấp thu của đất, vừa cải thiện pH đất nên tăng khả năng cố định Cd trong đất khá tốt.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc '4 đúng' dựa trên quan điểm quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cho cây sầu riêng là giải pháp khoa học góp phần quản lý tồn lưu các hóa chất gây hại trong sản phẩm sầu riêng hiện nay. Ảnh: PC.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng" dựa trên quan điểm quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cho cây sầu riêng là giải pháp khoa học góp phần quản lý tồn lưu các hóa chất gây hại trong sản phẩm sầu riêng hiện nay. Ảnh: PC.

Cung cấp dồi dào một lượng hữu cơ sạch cho đất bằng cách bón trả lại tàn dư thực vật (canh tác tuần hoàn), ưu tiên bón các phân chuồng truyền thống, vùi rơm rạ để làm tăng sự cố định kim loại nặng và hóa chất độc hại trong đất, qua đó hạn chế được sự hấp thu các chất này của cây sầu riêng.

Về sử dụng phân bón: Bón phân đầy đủ, cân đối giữa các yếu tố đa, trung, vi lượng là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm đối với canh tác sầu riêng. Việc sử dụng một lượng phân bón vô cơ cao như hiện nay cũng là nguyên nhân tiềm tàng làm cho cây sầu riêng hấp thu lượng Cd cao, có thể dẫn đến tồn lưu trong sản phẩm. Cd thường hiện diện trong các quặng phốt pho, bởi vậy trong các loại phân lân như lân nung chảy, supe lân, DAP sẽ chứa nguyên tố này.

Sử dụng quá nhiều phân lân bón cho sầu riêng (thường từ 6 - 10kg/cây vào giai đoạn mang quả như hiện nay) sẽ làm tăng nhanh hàm lượng Cd trong đất, tăng khả năng hấp thu nguyên tố này của cây, dẫn đến nguy cơ bị tồn lưu trong sản phẩm.

Trong các loại phân bón NPK cũng có chứa một lượng Cd do sử dụng các nguồn nguyên liệu phân lân để sản xuất, vì vậy cần cân nhắc sử dụng một lượng hợp lý, đảm bảo cho sinh trưởng, năng suất, chất lượng của cây sầu riêng.

Phân hữu cơ công nghiệp như các loại phân gà, lợn… được chế biến từ nguyên liệu thu gom từ các trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Trong đó phân gà công nghiệp có chứa các kim loại nặng khác nhau, đặc biệt là hàm lượng Cd cao nhất so với các loại phân khác. Vì vậy nhà vườn cần lưu ý sử dụng một lượng phân hữu cơ chế biến công nghiệp như phân nở, phân viên nén… (loại phân gà) nhập khẩu một cách hợp lý, không nên lạm dụng để tránh tích lũy hàm lượng Cd cao trong đất. Tốt nhất nên ưu tiên sử dụng các loại phân hữu cơ truyền thống kết hợp với phân hữu cơ chế biến công nghiệp.

Các loại phân rác, phân bùn thải ở các ao hồ, đặc biệt là ở các khu công nghiệp được chế biến thường chứa lượng Pb và Cd tương đối cao. Vì vậy nên hạn chế hoặc không sử dụng các loại phân này để bón cho sầu riêng.

Bón phân đầy đủ, cân đối giữa các yếu tố đa, trung, vi lượng là vấn đề cần phải được đặc biệt quan tâm đối với canh tác sầu riêng. Ảnh: PC.

Bón phân đầy đủ, cân đối giữa các yếu tố đa, trung, vi lượng là vấn đề cần phải được đặc biệt quan tâm đối với canh tác sầu riêng. Ảnh: PC.

Để giúp nhà vườn sử dụng phân bón cho cây sầu riêng nhằm hạn chế nguy cơ tồn lưu các kim loại nặng, đặc biệt là Cd, nhà nước nên có quy định công bố và giám sát hàm lượng kim loại nặng như Cd, Pb trong các loại phân bón cung ứng trên thị trường.

Về sử dụng thuốc BVTV: Sử dụng thuốc BVTV không kiểm soát như hiện nay trên cây sầu riêng có thể dẫn đến sự tồn dư Cd trong sản phẩm sầu riêng. Thực tế hiện nay cho thấy do thu nhập từ việc trồng sầu riêng rất cao nên nông dân không ngần ngại đầu tư vào khâu BVTV bằng cách thường xuyên phun các loại thuốc trừ sâu, bệnh hại định kỳ hàng tuần trên vườn với các loại thuốc có độ độc cao gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng. Việc làm này có nguy cơ cao dẫn đến tồn lưu hóa chất độc hại, các kim loại nặng trong đất và trong sản phẩm, gây mất an toàn thực phẩm và môi trường đất bị thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng" dựa trên quan điểm quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cho cây sầu riêng là giải pháp khoa học góp phần quản lý tồn lưu các hóa chất gây hại trong sản phẩm sầu riêng hiện nay.

Về nước tưới cho sầu riêng: Đa số các nguồn nước tưới cho sầu riêng đều đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Tuy nhiên ở các vùng trồng sầu riêng gần các khu công nghiệp, nguồn nước thải…, nhà vườn nên lấy mẫu nước đi kiểm định các nguyên tố kim loại nặng (Cd, Pb) để có thông tin phục vụ cho việc canh tác sầu riêng đạt tiêu chí về an toàn thực phẩm. Tuyệt đối không sử dụng nước ô nhiễm để tưới cho cây sầu riêng.

Việc tuân thủ quy trình kỹ thuật khi canh tác sẽ giúp giảm thiểu tồn dư kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm sầu riêng. Ảnh: PC.

Việc tuân thủ quy trình kỹ thuật khi canh tác sẽ giúp giảm thiểu tồn dư kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm sầu riêng. Ảnh: PC.

Chất vàng O: Vàng O có tên hóa học là Diarylmethane, là chất dùng để tạo màu trong công nghiệp, bị cấm sử dụng trong chăn nuôi, không được dùng để sản xuất, chế biến nông sản, làm phụ gia thực phẩm.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần làm tốt công tác truyền thông để nông dân hiểu và không dùng hóa chất này để nhuộm tạo màu vàng cho vỏ và cơm sầu riêng. Vấn đề chất lượng sản phẩm sầu riêng có thể được giải quyết bằng việc tuân thủ đúng chế độ canh tác (quản lý đất đai, sử dụng phân bón và hóa chất BVTV).

Việc quản lý đất đai, tưới nước và sử dụng phân bón không hợp lý, khoa học đều có thể dẫn đến sự tích tụ kim loại nặng trong sản phẩm sầu riêng. Nếu nhà vườn không kiểm soát tốt việc bón phân hay sử dụng thuốc BVTV, Cd và các kim loại nặng khác có thể tồn tại trong sản phẩm cuối cùng.

Ngoài ra, nhà vườn cũng cần lưu ý rằng an toàn chất lượng sản phẩm bao gồm toàn bộ chuỗi sản xuất từ canh tác, sơ chế, chế biến, lưu thông và tiêu dùng, tại bất cứ khâu nào cũng có thể gây ra khả năng gây ô nhiễm sản phẩm nếu từng quy trình trong chuỗi không được thực thi một cách nghiêm túc.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/giai-phap-canh-tac-sau-rieng-kiem-soat-ton-du-hoa-chat-d751444.html