Thứ hai 05/05/2025 - 11:15
Thế giới
Giá dầu giảm mạnh khi OPEC+ tăng sản lượng
Thứ Hai 05/05/2025 - 11:06
Giá dầu thế giới giảm hơn 3% sau quyết định tăng sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, khiến thị trường lo ngại nguồn cung dư thừa.
- Giá xăng dầu hôm nay 5/5/2025: Vẫn đang giảm mạnh
- Iran sẽ trả đũa nếu Mỹ hoặc Israel tấn công trước
- Iran cảnh báo Israel có thể gây ra 'một cuộc chiến quy mô lớn'
- Nga sở hữu trữ lượng nhiên liệu lớn nhất thế giới

Ảnh chụp từ trên không cho thấy các tàu kéo đang giúp một tàu chở dầu thô cập cảng tại một bến dầu, ngoài khơi đảo Waidiao ở Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Florence Tan.
Giá dầu thô thế giới đã giảm hơn 2 USD mỗi thùng trong phiên giao dịch ngày 5/5, khi liên minh các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC+ (nhóm liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước ngoài OPEC như Nga) quyết định tiếp tục tăng sản lượng trong tháng 6. Động thái này làm dấy lên lo ngại nguồn cung sẽ vượt cầu, kéo theo rủi ro giá dầu giảm sâu trong thời gian tới.
Cụ thể, giá dầu Brent giảm 2,04 USD, tương đương 3,33%, xuống còn 59,25 USD/thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ cũng giảm 2,10 USD, tương đương 3,6%, xuống mức 56,19 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất của cả hai loại dầu kể từ ngày 9/4, đánh dấu đợt giảm mạnh đầu tiên sau nhiều tuần giá đi ngang.
Động lực chính khiến giá dầu sụt giảm là việc OPEC+ thống nhất sẽ tiếp tục tăng sản lượng dầu trong tháng 6 thêm 411.000 thùng/ngày. Trước đó, nhóm này cũng đã nâng sản lượng trong tháng 4 và tháng 5. Tổng cộng trong quý II/2025, mức tăng dự kiến lên tới 960.000 thùng/ngày.
So với mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày mà OPEC+ từng áp dụng từ năm 2022, con số trên tương đương gần 44% lượng cắt giảm đang được khôi phục trở lại thị trường.
Lo ngại dư cung, giá dầu có thể giảm tiếp
Theo các chuyên gia, việc OPEC+ liên tục tăng sản lượng đang làm thay đổi cán cân cung - cầu của thị trường dầu thô toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm và nhu cầu tại châu Âu chưa tăng mạnh trở lại, nguồn cung tăng thêm từ OPEC+ có thể khiến thị trường rơi vào tình trạng dư thừa trong quý III.
“Quyết định tăng thêm sản lượng 411.000 thùng/ngày trong tháng 6 là dấu hiệu cho thấy OPEC+ đang tin rằng thị trường có thể tiêu thụ thêm lượng dầu này, hoặc họ đang muốn giành lại thị phần đã mất,” ông Tim Evans, chuyên gia năng lượng tại Evans on Energy, nhận định.
Một số nguồn tin nội bộ từ OPEC+ cho biết, nếu các nước thành viên không thực hiện nghiêm túc hạn ngạch sản xuất, nhóm này có thể sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các cam kết cắt giảm vào cuối tháng 10. Riêng Ả Rập Xê Út được cho là đang gây áp lực để đẩy nhanh quá trình khôi phục sản lượng, nhằm trừng phạt một số thành viên như Iraq và Kazakhstan - những nước bị cho là thường xuyên vi phạm mức trần sản lượng.
Diễn biến này khiến một số tổ chức tài chính điều chỉnh dự báo giá dầu. Ngân hàng Barclays mới đây đã hạ mức dự báo giá dầu Brent xuống còn 66 USD/thùng cho năm 2025 (giảm 4 USD) và 60 USD/thùng cho năm 2026 (giảm 2 USD).
Căng thẳng Trung Đông gia tăng
Ngoài yếu tố nguồn cung, thị trường dầu mỏ còn chịu tác động từ các yếu tố địa chính trị, đặc biệt là tại Trung Đông - khu vực sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, theo giới phân tích, căng thẳng hiện tại chưa tạo lực đẩy cho giá dầu.
Tuần qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ đáp trả Iran sau khi nhóm Houthi - lực lượng vũ trang tại Yemen do Iran hậu thuẫn - phóng một tên lửa rơi gần sân bay quốc tế Ben Gurion, gần Tel Aviv. Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Aziz Nasirzadeh khẳng định Tehran sẽ đáp trả nếu bị Mỹ hoặc Israel tấn công.
Mặc dù tình hình có dấu hiệu leo thang, nhưng chưa có gián đoạn nghiêm trọng nào đối với nguồn cung dầu ở khu vực Trung Đông. Vì vậy, các yếu tố căng thẳng hiện chỉ đóng vai trò hỗ trợ nhẹ đối với giá dầu, không đủ để đảo chiều xu hướng giảm đang chi phối thị trường.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/gia-dau-giam-manh-khi-opec-tang-san-luong-d751432.html