Thứ tư 21/05/2025 - 00:04
Trồng trọt
Ghép chồi cải tạo vườn cây
Thứ Tư 09/01/2008 - 14:17
Hiện nay phần lớn diện tích ăn quả đều được trồng bằng hạt nên còn nhiều nhược điểm như: Tỷ lệ cây có năng suất thấp, quả nhỏ hoặc bị nhiễm sâu bệnh nặng chiếm khá cao trong các vườn.
Để thay thế những cây có đặc tính này, người ta có thể trồng lại bằng cây con khác nhưng biện pháp này mất nhiều thời gian và cây con dễ bị nhiễm bệnh. Muốn thúc đẩy nhanh việc thay đổi một cách cơ bản các giống xấu, làm tăng hiệu quả kinh tế, hạ giá thành sản phẩm thì biện pháp ghép cải tạo ngoài đồng ruộng là một giải pháp kỹ thuật hữu ích.
Các vườn cây kém hiệu quả, vào mùa xuân đốn hết các cành trên cây. Tuỳ từng cây mà đốn cao hay thấp. Mục đích là để chúng phát triển các cành mới thuận lợi nhất để làm cành ghép. Khi các cành đã phát triển đến độ bánh tẻ thì lấy mắt ghép ở các giống mới có chất lượng và năng suất cao ghép vào các cành trên. Cách ghép và các thao tác kỹ thuật giống như cách ghép bình thường. Tuỳ từng gốc, có cây phải bắc ghế, bắc thang để ghép. Thậm chí trên một gốc táo chua, có thể ghép nhiều loại giống khác nhau trên các cành khác nhau. Cũng như cây khế để cả giống chua (để sử dụng nấu cua, cá) và ghép giống ngọt. Sử dụng gốc già để làm gốc ghép thì cành ghép phát triển khoẻ hơn nhiều so với ghép vào cây non, lại mau cho quả và sai. Tính trội hoàn toàn nghiêng về mắt ghép và điều quan trọng là không hề bị thoái hoá qua các năm, không phải phá cây cũ trồng cây mới. Với kỹ thuật này bà con nông dân có thể cải tạo một số giống cây khác như xoài, cam quýt, bưởi... Hoặc "biến" gốc bưởi thành cành vừa cam vừa quýt.
Đối với cà phê: Việc dùng chồi của các dòng vô tính chọn lọc để ghép cải tạo các vườn cà phê vối trồng bằng hạt đã được sử dụng phổ biến ở các nước trên thế giới. Viện nghiên cứu cà phê Eakmat ở Đăk Lăk đã tiến hành ghép chồi để thay thế cho các cây có bản chất giống xấu trên một số vườn tại Viện. Kết quả bước đầu cho thấy cây cà phê ghép có tốc độ phát triển nhanh hơn so với cây trồng bằng hạt, sớm cho quả, đặc biệt là năng suất cao, chất lượng hạt được cải thiện và kháng cao với bệnh gỉ sắt.
Sau hàng loạt các thí nghiệm có hệ thống trên cây con trong vườn ươm tại Viện nghiên cứu cà phê Eakmat, phương pháp ghép chẻ nối ngọn được cải tiến thành công với tỷ lệ sống trong vườn ươm đạt trên 95% do sử dụng gốc ghép khá nhỏ tuổi và chồi ghép chỉ mang một cặp lá. Nhờ kỹ thuật ghép trong vườn ươm đạt hiệu quả cao đã giúp nhân nhanh các dòng vô tính chọn lọc, rút ngắn thời gian chọn tạo. Các nghiên cứu trồng cây ghép bằng các tinh dòng cà phê vối chọn lọc như 4/55, 1/20 sau hai năm trồng đã cho năng từ 5 - 7 kg quả/cây, sau 3 năm trồng cho năng suất từ 15- 20 kg quả/cây. Đặc biệt có mô hình trồng cà phê vối ghép tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên sau 3 năm trồng đã cho năng suất 7 tấn nhân/ha và bình quân đạt 4,5 tấn/ha khi bước vào kinh doanh ổn định.
Các đánh giá bước đầu đã khẳng định cây cà phê ghép cải tạo ngoài đồng ruộng có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn nhiều so với cây trồng bằng hạt, sớm cho quả, đặc biệt là năng suất cao, chất lượng hạt được cải thiện và kháng được bệnh gỉ sắt. Kết quả về tỷ lệ sống, các chỉ tiêu về sinh trưởng và năng suất đạt được đối với cây ghép ngoài đồng ruộng thu được rất thuyết phục.
Kỹ thuật ghép cải tạo vườn cà phê vối kém hiệu quả bằng các dòng vô tính chọn lọc sau 3 vụ thu hoạch đã làm tăng năng suất so với cưa để chồi tái sinh là 2,4 tấn nhân/ha (46,1%). Đặc biệt các chỉ tiêu về chất lượng cà phê nhân sống đều được cải thiện rõ rệt: Tỷ lệ hạt R1 (trên sàng 6,5 mm) của chồi ghép là 77,3% so với chồi tái sinh (không ghép) là 59,2% và trọng lượng 100 nhân là 18,9 gam so với chồi tái sinh chỉ đạt 15,1 gam. Ở Ấn Độ, cây cà phê ghép trên gốc cà phê vối 60 tuổi sau 2 năm cho 5 kg quả chín cây. Cà phê Arabusta ghép trên gốc cà phê Robusta 20 - 25 tuổi cho năng suất 10 - 15 kg quả/cây sau 26 tháng ghép.
Ở tỉnh Gia Lai thực trạng sản xuất cà phê ở trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với nhiều vấn đề: Một số diện tích trồng cà phê cho năng suất thấp do nhiều yếu tố, chất lượng cây giống không đảm bảo, người nông dân ít quan tâm đến kỹ thuật nên cây cà phê cho thu nhập thấp, quả ít, nhỏ và kém chất lượng… Để giúp nông dân cải thiện chất lượng vườn cà phê, các phòng Kinh tế, trạm Khuyến nông các huyện đã triển khai đề án ghép chồi cho những vườn cây không đảm bảo chất lượng ở các hộ gia đình dân tộc thiểu số trên địa bàn. Chồi ghép được lấy từ vườn cây giống của Trung tâm Nghiên cứu Thuỷ lợi và Nông nghiệp Tây nguyên. Đây là vườn cây giống chất lượng cao.
Tuy bà con nông dân áp dụng biện pháp ghép chồi để cải tạo vườn cây ăn quả chưa nhiều. Song đây là biện pháp mà bà con nông dân nên áp dụng, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/ghep-choi-cai-tao-vuon-cay-d5574.html