| Hotline: 0983.970.780

Thứ bảy 10/05/2025 - 15:25

Xã hội

Gặp lại người tham gia bắt Dương Văn Minh

Thứ Năm 30/04/2009 - 10:00

Nghe trực tiếp đại tá Phùng Bá Đam, một người tham gia bắt Dương Văn Minh, kể lại câu chuyện sau 34 năm, trong lòng người vẫn thấy xốn xang.

Câu chuyện Quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập, rồi Dương Văn Minh tuyên hàng vô điều kiện..., về tình tiết hẳn đối đối với mỗi người dân Việt đều nằm lòng. Nhưng nghe trực tiếp đại tá Phùng Bá Đam, một người tham gia bắt Dương Văn Minh, kể lại sau 34 năm vẫn thấy xốn xang. Ông Nguyễn Danh Vàn, cán bộ ngành nông nghiệp, là bạn của đại tá Đam, ghi lại câu chuyện năm xưa và gửi cho NNVN, xin giới thiệu cùng bạn đọc.  

Chuẩn bị ghi âm tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Dương Văn Minh

Cuộc gặp gỡ sau hơn 40 năm xa cách

Là bạn học cùng thời, nhưng từ khi hết cấp 2 (năm 1965), tôi và Phùng Bá Đam chưa một lần được gặp lại nhau. Gần đây, thật bất ngờ sau hơn 40 năm xa cách chúng tôi đã gặp lại nhau trong buổi “Họp mặt cựu học sinh trường cấp 2 Hiệp Hòa” (Phú Xuyên, Hà Nội). Sau buổi họp, đại tá Phùng Bá Đam mời tôi về thăm gia đình anh.

Vừa bước vào nhà, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là hai tấm ảnh đen trắng khổ lớn treo trên tường, có hình Dương Văn Minh. Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy tấm nào cũng có anh trong đó.

Thế rồi sau bữa ăn tối, cùng nằm với nhau dưới 2 lớp chăn len dầy, trong cái lạnh buốt như cắt da của Hà Nội vào một đêm giáp Tết, anh hỏi:

- Ông ngạc nhiên khi thấy những tấm hình này phải không?

Rồi với giọng chắc nịch của “con nhà lính” anh bắt đầu kể:

- Cuộc đời binh nghiệp của thế hệ anh em mình thật lắm gian truân. Bạn bè đồng đội biết bao người đã phải vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trận. Còn tôi, sau hàng chục trận chiến đấu ác liệt, mặc dù thương tích đầy mình nhưng vẫn còn sống đến ngày toàn thắng. Đã thế, tôi còn may mắn được một vinh dự rất lớn mà ít người có được, đó là đã trở thành một trong những chiến sỹ Quân giải phóng tham gia bắt Dương Văn Minh tại dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Lúc đó tôi là một sỹ quan trẻ (trung úy, 26 tuổi), thuộc Trung đoàn bộ binh 66 (Sư đoàn 304, Quân đoàn 2).

Tiến vào Sài Gòn

Ngày 27/4/1975, sau khi giải phóng căn cứ Nước Trong, Quân đoàn 2 quyết định thành lập Binh đoàn thọc sâu theo hướng Đông Nam đánh vào Sài Gòn, chiếm Đài phát thanh, căn cứ Hải quân và dinh Độc Lập.

Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 (nay là Trung tướng, nguyên Tư lệnh Quân khu I), anh Trần Ngọc Sơn (Chủ nhiệm chính trị), anh Đinh Thái Quang (trợ lý câu lạc bộ), tôi và một số đồng chí trợ lý cơ quan tham mưu Trung đoàn… đã vinh dự được tham gia hướng tiến công này.

Ngày 30/4/1975, sau khi đánh bật những ổ kháng cự trên cầu Rạch Chiếc và cầu Sài Gòn, Binh đoàn tiếp tục tiến vào nội đô Sài Gòn. Khoảng gần 9 giờ sáng, đội hình của chúng tôi đã tiến đến cầu Thị Nghè. Tại đây, có bốn chiếc xe tăng địch đã bị quân ta bắn cháy. Đi đầu đội hình tiến vào dinh Độc Lập là xe tăng, sau đó là xe của Trung đoàn 66. Chúng tôi ngồi trên chiếc xe Jeep (chiến lợi phẩm mang từ Đà Nẵng) do Đào Ngọc Vân lái. Từ cầu Thị Nghè vào dinh Độc Lập quân ta không biết đường. Chúng tôi phải dừng lại để hỏi thăm. Bỗng trong đám đông đứng bên đường, một người gầy, da bánh mật, mặc áo sơ mi trắng cộc tay nói:

- Tôi biết đường.

- “Mời ông lên xe”, anh Thệ nói. Cùng lúc tôi mở cửa xe kéo ông lên ngồi cạnh. Xe lướt rất nhanh, chẳng mấy chốc đã thấy một tòa nhà cao tầng hiện ra trước mặt, người đàn ông chỉ tay về hướng đó rồi nói to:

- Đó, dinh Độc Lập đấy các chú.

Theo tay ông chỉ, dinh Độc Lập chỉ còn cách chúng tôi khoảng vài trăm mét. Trên nóc là lá cờ ngụy. Khoảng hơn 9 giờ sáng, chúng tôi đến trước cổng dinh. Khi xe tăng của ta húc đổ cổng chính. Xe chúng tôi lách lên lao thẳng đến tiền sảnh của dinh. Trong sân dinh, binh lính địch đã hạ vũ khí đầu hàng, mặt mày ủ rũ, sợ hãi… Sau đó, xe tăng và bộ binh của quân ta cũng nhanh chóng ập vào. Các nhà báo trong và ngoài nước vây quanh chúng tôi chụp ảnh, xin cờ giải phóng và chữ ký lưu niệm.

Trở lại thăm dinh Độc Lập

Bắt Dương Văn Minh

 

Được sự hướng dẫn của các nhà báo, anh Phạm Xuân Thệ và chúng tôi hăng hái chạy vào dinh. Khi tới cầu thang thì gặp một người mặc quân phục cộc tay, ông ta tự giới thiệu: “Tôi là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá cho tổng thống Dương Văn Minh, báo cáo toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn đang chờ sẵn cấp chỉ huy ở phòng khánh tiết”. Theo Nguyễn Hữu Hạnh, chúng tôi tới phòng khánh tiết đã thấy người ngồi kín, không khí ảm đạm, trầm lặng.

Thấy chúng tôi, tất cả lục tục đứng dậy. Một người cao lớn, mặt vuông chữ điền, mặc quân phục mầu rêu, đeo kính trắng bước lên. Nguyễn Hữu Hạnh giới thiệu: “Báo cáo cấp chỉ huy, đây là ông Dương Văn Minh, tổng thống”. Rồi ông ta chỉ tay vào một người hơi thấp, trán cao, đeo kính trắng, mặc complê đen, giới thiệu: “Đây là thủ tướng Vũ Văn Mẫu”, Mẫu khẽ cúi đầu chào đáp lễ.

Dương Văn Minh bước tới, nói thận trọng: “Chúng tôi biết Quân giải phóng tiến vào nội đô. Chúng tôi đang chờ Quân giải phóng vào để bàn giao”. Nghe tới đó, anh Thệ phản ứng rất tự nhiên, giọng kiên quyết: “Các ông đã bị bắt làm tù binh. Các ông phải đầu hàng vô điều kiện, chứ không có gì để bàn giao”.

Cả phòng im phăng phắc, không khí chùng hẳn xuống. Trước thái độ kiên quyết và dứt khoát của anh Thệ, Dương Văn Minh bị bất ngờ, tỏ vẻ lúng túng, chuyển từ thế chủ động sang bị động lúng túng, cúi đầu chờ đợi.

Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện

Trước tình hình chiến sự xảy ra mau lẹ, để đỡ tổn thất xương máu của đồng bào, đồng chí, chúng tôi bàn nhau phải bắt Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng ngay. Anh Thệ dõng dạc nói: “Các ông phải ra ngay Đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng”.

Nghe bên ngoài vẫn còn tiếng súng nổ, binh lính địch đang cảnh hỗn quân, hỗn quan nên Dương Văn Minh lộ rõ vẻ lo lắng, ngồi xuống ghế thở dài: “Xin cấp chỉ huy cho tuyên bố đầu hàng tại đây, ra ngoài phố lúc này không an toàn”. Không chần chừ, anh Thệ nói: “Sài Gòn đã giải phóng, chúng tôi bảo đảm an toàn cho các ông”. Nghe vậy Vũ Văn Mẫu trao đổi nhỏ với Dương Văn Minh rồi đứng dậy: “Xin tuân lệnh cấp chỉ huy”.

Khi chúng tôi dẫn Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu rời khỏi phòng khánh tiết, các quan chức chính quyền Sài Gòn trong phòng nhốn nháo, bàn tán. Dương Văn Minh cúi đầu bước đi, xuống hết cầu thang, ông ta chỉ tay sang bên trái nói với anh Thệ: “Mời các ông lên xe”. Anh Thệ nói: “Chúng tôi đã có xe”. Dương Văn Minh đành theo chúng tôi lên xe Jeep của Đào Ngọc Vân. Anh Thệ và Dương Văn Minh ngồi ghế trên. Tôi ngồi phía sau với Vũ Văn Mẫu, anh Nguyễn Văn Nhu, Bàng Nguyên Thất và Nguyễn Huy Hoàng.

Xe chúng tôi chuyển bánh, đúng lúc xe chỉ huy của Lữ đoàn xe tăng 203 tiến vào dinh Độc Lập. Nhiều xe chở bộ đội ta từ các hướng cũng đã đổ dồn về khu vực trước cổng dinh. Xe xuất phát, nhưng chúng tôi không biết đường, Dương Văn Minh đã chỉ đường cho xe đến Đài phát thanh Sài Gòn.

Tới nơi, anh Trương Quang Siều (tiểu đoàn trưởng) và Hoàng Trọng Tình (chính trị viên) Tiểu đoàn 8, chạy ra đón. Anh Siều báo cáo anh Thệ: “Tiểu đoàn 8 đã hoàn thành nhiệm vụ chiếm Đài phát thanh Sài Gòn”. Các anh cùng chúng tôi dẫn Dương Văn Minh lên tầng 2 vào phòng thu âm.

Đến nơi, nhân viên của đài đã bỏ chạy hết, anh Tình yêu cầu ông già bảo vệ của đài đi tìm họ. Trong lúc chờ đợi, anh Phạm Xuân Thệ, tôi và anh Đinh Thái Quang, Nguyễn Văn Nhu tranh thủ trao đổi về nội dung bản tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh.

Đang trao đổi thì một đồng chí bộ đội dáng người cao to, đội mũ cứng bước vào hỏi: “Các anh ở đâu, đơn vị nào?”.

Anh Thệ trả lời: “Tôi Phạm Xuân Thệ, Phó đoàn Đông Sơn” (Đông Sơn là biệt danh của Trung đoàn 66 trong chiến tranh). Đồng chí này tự giới thiệu: “Tôi là Bùi Tùng, trung tá, chính ủy Lữ đoàn 203. Tôi tưởng các anh là người của Quân đoàn nên tôi không tham gia. Tôi vào dinh, biết Dương Văn Minh đã ra Đài phát thanh, nên tôi đến đây luôn”. “May quá, bây giờ chúng ta cùng làm”, anh Thệ nói. Anh Bùi Tùng cùng chúng tôi thảo tiếp nội dung lời tuyên bố đầu hàng để Dương Văn Minh đọc. Dương Văn Minh loay hoay mãi không đọc nổi vì chữ anh Thệ khó đọc, rồi đề nghị: “Cấp chỉ huy đọc lại cho tôi chép”.

Anh Thệ đọc cho Dương Văn Minh chép. Khi đọc đến từ “tổng thống”, Dương Văn Minh dừng lại đề nghị: “Chỉ nên nói là Đại tướng thôi, chức tổng thống tôi mới nhận từ ông Trần Văn Hương”. Anh em chúng tôi không đồng ý, anh Tùng nói: “Không được, dù làm một ngày, một giờ thì cũng phải chịu trách nhiệm, ông nhận chức tổng thống từ Trần Văn Hương những hai, ba ngày rồi”. Dương Văn Minh đành chấp thuận, tiếp tục viết.

Khi anh Đinh Thái Quang mở máy ghi âm để thu thì cuộn băng bị rối. Tôi đã tìm được một chiếc cặp trong đó có một số băng ghi âm, đưa lại để thu. Nhưng ngay lúc đó, một nhà báo người Đức đưa máy ghi âm ra cho chúng tôi mượn, rồi ông tự lắp băng, mở máy thu lời đầu hàng của Dương Văn Minh.

Chúng tôi bàn với nhau, ta phải có lời tuyên bố chấp nhận sự đầu hàng và đề nghị trung tá Bùi Tùng là người chỉ huy cao nhất ở đây, quê lại ở miền Nam đọc là phù hợp. Anh Tùng đồng ý rồi dõng dạc đọc: “Tôi Bùi Tùng, thay mặt Quân giải phóng miền Nam Việt Nam chấp nhận sự tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh”...

Đồng hồ trong tay tôi lúc này chỉ 11 GIỜ 30 PHÚT, NGÀY 30 THÁNG TƯ NĂM 1975.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/gap-lai-nguoi-tham-gia-bat-duong-van-minh-d32020.html