Thứ ba 06/05/2025 - 19:08
Khoa học - Công nghệ
Đừng để trẻ trở nên giàu có nhờ tiền bạc bố mẹ
Thứ Ba 08/03/2016 - 07:15
Tỷ phú David Rubenstein, đồng sáng lập Tập đoàn Carlyle Group có lần đã lý giải việc lớn lên trong giàu sang có thể gây bất lợi cho người ta như thế nào, theo tường thuật của tờ Business Insider.
Nhà tài phiệt, nhà từ thiện người Mỹ với khối tài sản gần 3 tỷ USD giải thích luận điểm của ông như sau: “Một trong những vấn đề phức tạp của cuộc sống nếu bạn giàu có - vậy con bạn thì sao? Vợ chồng tôi có ba con.
Chúng lớn lên trong thứ bạn có thể gọi là một cuộc đời nhung lụa. Tôi lớn lên trong hoàn cảnh có thể xem là cực kỳ khó khăn. Nhưng thực sự tôi đã cực kỳ thuận lợi. Bởi vì nếu bạn có tình yêu vô điều kiện của cha mẹ và họ để bạn thử sức với bất cứ điều gì, lĩnh vực gì bạn muốn, bạn không cần tiền để có thể thành công.
Giàu - bất lợi?
Khi bạn lớn lên trong gia đình giàu có, sẽ rất rất khó để có thể cảm nhận được rằng cái gì bạn đạt được thực sự là phải từ nỗ lực của bản thân. Và cũng rất rất khó để người ta nghĩ rằng cái gì bạn đạt được bắt nguồn từ nỗ lực của bản thân bạn. Vì vậy con tôi có một chút thiệt thòi.
Vâng, chúng có tiền và chúng được giáo dục tốt. Nhưng chúng phải tự mình đạt được các mục tiêu cuộc sống. Và là con cái nhà giàu, sẽ khó hơn nhiều. Và vì vậy, tôi cố gắng để chúng đạt được thành công bằng nỗ lực của chúng. Nhưng cũng rất khó để cha mẹ nói với con rằng: “Làm những gì con có thể và bố sẽ không giúp con đâu”. Bởi vì bạn muốn giúp con, nhưng bạn lại muốn con độc lập và mạnh mẽ để có thể tự đạt tới thành công”.
Tỷ phú Rubenstein, 66 tuổi, lớn lên trong một khu công nhân lao động ở Baltimore, Hoa Kỳ. Cha ông là một công nhân ngành bưu điện và mẹ ông ở nhà nội trợ. Cả hai đều chưa tốt nghiệp trung học.
Tỷ phú-thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg và con gái Georgina (Ảnh: Daily Mail)
Rubenstein học hành chăm chỉ và giành được học bổng đại học. Sau khi ra trường, ông học thêm ở trường luật. Trước khi cho ra đời Tập đoàn Carlyle ở độ tuổi 37, Rubenstein làm việc ở một văn phòng luật và sau đó làm cho chính phủ Mỹ với vai trò tư vấn chính sách. Hiện nay ông điều hành một trong những quỹ đầu tư vốn cổ phần cá nhân (private-equity fund) lớn nhất và thành công nhất thế giới.
Rubenstein nói cha mẹ ông muốn con “làm bất cứ thứ gì nếu con thấy hạnh phúc”. Ông cũng nói di sản mà hầu hết mọi người để lại chính là con cái. “Làm cha mẹ, bạn muốn đảm bảo con cái mình là “di sản tuyệt vời”, ý là bạn muốn chúng hạnh phúc và có ích cho đời”, tỷ phú Mỹ tâm sự. Theo ông, muốn làm vậy cần cho con tình yêu vô điều kiện từ cha mẹ. Đó là chìa khóa thực sự để tạo ra thành công.
"Tỷ phú Warrent Buffett từng nói với tôi một lần, rằng ông ấy có thuận lợi là được cha mẹ yêu thương vô điều kiện, và đó là điều quan trọng nhất giúp ông thành công”, Rubenstein nói.
Cha mẹ, con cái và tiền bạc
Nói về chuyện tỷ phú dạy con, dễ dàng nhận thấy yếu tố tiền bạc làm nên sự khác biệt giữa cha mẹ và con cái nhà bình thường và nhà giàu.
Tuy không phải là tất cả, một số tỷ phú nghĩ nhiều về chuyện tiền bạc ảnh hưởng đến con cái ra sao. Không chỉ Rubenstein, Bill Gates hay Warrent Buffet, nhiều người siêu giàu trên thế giới cũng không dự định để lại cho con cái nhiều tiền nhiều bạc. Trong số này có không ít cái tên nổi tiếng.
Nhà sáng lập công ty thương mại điện tử eBay, Pierre Omidyar trở thành tỷ phú năm 31 tuổi đã quyết định phần lớn tài sản cho những người kém may mắn thay vì để lại cho ba đứa con. Còn thị trưởng thành phố New York (Mỹ) Michael Bloomberg chỉ nhận lương tượng trưng 1USD/năm bởi với khối tài sản 19,5 tỷ USD, ông chẳng cần lo nghĩ về tiền bạc. Ông cũng tích cực làm từ thiện và cam kết gần như mọi tài sản sẽ được đưa vào quỹ từ thiện của ông, thay vì để lại cho hai cô con gái.
Gene Simmons, thành viên ban nhạc KISS lừng danh của Mỹ cũng tự mình làm giàu và ông muốn hai đứa con cũng theo con đường đó.
Ông từng nói với đài CNBC: “…về chuyện thừa kế, chúng nó (tức hai con Nick và Sophie) sẽ được quan tâm, nhưng chúng không bao giờ trở nên giàu có nhờ tiền của bố. Bởi vì tôi luôn bắt chúng dậy sớm, ra ngoài và làm việc để rồi sau này tự lập”. Vì thế, khối tài sản 300 triệu USD của Simmons chắc chắn sẽ được chuyển đến đâu đó, thay vì chảy vào tài khoản của hai người con, sau khi ông qua đời.
Cũng giống như nghệ sỹ bass Gene Simmons, ngôi sao tỷ phú Thành Long (Jackie Chan) hồi năm 2011 tuyên bố ông đã quyết định hiến tặng một nửa gia tài cho từ thiện khi qua đời. Thành Long nói thêm rằng ông không có kế hoạch để lại cho con trai Jaycee chút nào trong số tài sản nhiều triệu USD mà ông tích lũy được trong suốt cuộc đời làm phim. “Nếu nó có năng lực, nó có thể tự làm ra tiền. Nếu không, nó chỉ lãng phí tiền của tôi mà thôi”, Thành Long nói trên kênh Channel News Asia.
Thành Long và con trai Jaycee (Ảnh: thewrap.com)
Danh sách các tỷ phú không hoặc để lại một phần nhỏ tài sản cho con còn dài. Có thể kể thêm vài cái tên: nữ tỷ phú ngành thép Australia Gina Rinehart, ông trùm truyền thông người Mỹ Ted Turner, nhạc sỹ lừng danh người Anh Andrew Lloyd Webber, đạo diễn Hollywood George Lucas…
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/dung-de-tre-tro-nen-giau-co-nho-tien-bac-bo-me-d158258.html