| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 15/05/2025 - 17:26

Chính trị

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi): Càng công khai, quản lý sẽ tốt hơn

Thứ Năm 26/11/2015 - 20:06

Thực tế sau 16 năm đưa vào thực thi, Luật Báo chí đã bộc lộ những hạn chế so với yêu cầu thực tế, nhất là khi truyền thông đa phương tiện đang phát triển như vũ bão. 

* Mới túm ông có tóc!

Kinh nghiệm cho thấy, khi có một vụ việc nào đó thì trong lúc báo chí chính thống tuân thủ theo định hướng dừng, chưa đưa, truyền thông xã hội lại cày xới thỏa sức. Đến khi báo chí chính thống đưa tin thì bạn đọc đâu còn đủ kiên nhẫn để chờ đọc, lâu dần báo chí mất bạn đọc, không chỉ làm báo chí sa sút, suy yếu mà còn làm tác dụng báo chí giảm sút.

Đó là một trong những vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm trong phiên thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) diễn ra sáng 26/11.

Thực tế sau 16 năm đưa vào thực thi, Luật Báo chí đã bộc lộ những hạn chế so với yêu cầu thực tế, nhất là khi truyền thông đa phương tiện đang phát triển như vũ bão. Dự thảo luật lần này xây dựng thêm 30 điều mới và 29 điều sửa đổi, bổ sung.

Càng công khai, quản lý sẽ tốt hơn

Đi vào những vấn đề cụ thể của dự thảo Luật, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) lần lượt làm rõ một số điều khoản thể hiện chưa rõ ràng, dễ gây khó dễ cho báo chí hoạt động.

Theo ĐB Nghĩa, trong Điều 10, Khoản 1 về nội dung cấm viết rất mông lung, mơ hồ. Theo quy định công dân được làm những điều pháp luật không cấm, còn tất cả những gì cấm đã đưa vào Bộ luật Hình sự, ở đây lặp lại rất nhiều, tạo ra sự mông lung.

Ví dụ, cấm xuyên tạc lịch sử, nếu quy định ngoài Luật Hình sự thì bây giờ xử như thế nào. Các nhà khoa học, khảo cổ có những nghiên cứu phát hiện ra khác với lịch sử chính thống, tổ chức hội thảo xong báo chí đưa lên, như vậy có phải là xuyên tạc lịch sử không, như thế không xử được.

Hoặc nói miêu tả tỷ mỉ những hành động dâm ô, thế nào là tỷ mỉ, mức độ nào là tỷ mỉ để khỏi vi phạm, cuối cùng chúng ta phải có nghị định, thông tư, mà như đã nói hạn chế quyền tự do dân chủ thì không được hạn chế bằng văn bản dưới luật mà phải bằng luật.

“Nếu viết như dự thảo, tôi cho rằng, các nhà báo không biết ở đâu mà lần, dẫn đến chuyện lo sợ mà vô hình chung chúng ta hạn chế hoạt động của báo chí”, ĐB Nghĩa kiến nghị viết lại Khoản 1 Điều 10 theo hướng cái gì quy định cấm trong Bộ luật Hình sự rồi thì không đưa vào trong Luật Báo chí nữa.

“Nếu chúng ta quản lý không hợp lý, không khôn ngoan, không dân chủ thì tưởng chừng như chặt chẽ nhưng phản tác dụng, gậy ông đập lưng ông. Ví dụ, báo trong nước không đăng thì người ta đọc báo nước ngoài, lề phải không đăng người ta đọc lề trái, báo không đăng thì người ta lên facebook, chẳng lẽ cứ mỗi lần như thế chúng ta lại cấm”, ĐB Trương Trọng Nghĩa lưu ý.

Về Điều 15 trong dự luật, các ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), Thuận Hữu (Bà Rịa – Vũng Tàu) đều cho rằng quy định như vậy sẽ dẫn đến hạn chế quyền tự do báo chí của công dân. Do vậy, ai được thành lập báo chí, cần nghiên cứu cẩn thận và cân nhắc rất kỹ. Bởi lẽ càng công khai thì quản lý sẽ tốt hơn, tức là không để họ sử dụng những kênh không chính thống khác.

Nhìn một cách tổng thể về dự thảo luật, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) thẳng thắn nói: Đang có cảm giác vấn đề sửa đổi luật lần này nặng việc bịt lỗ rò nhiều hơn. Lỗ rò phát hiện trong 16 năm triển khai Luật Báo chí.

Tôi cảm thấy hạn chế bởi rất nhiều rào cản từ mặt hành chính, thủ tục, về những quy định không cần thiết. Đúng như có vị ĐB đã nói những điều cấm đã có trong Luật Hình sự rồi và những luật liên quan khác như Luật Sở hữu trí tuệ... vậy thì đưa thêm vào trong luật này nữa làm gì?

“Đưa ra nhiều vấn đề như thế tưởng như là luật rất chặt nhưng thực ra rất nhiều kẽ hở, cảm giác chung chính chúng ta hạn chế quyền tự do nhiều hơn mặc dù lập luận rằng quyền tự do của mỗi người cũng phải phụ thuộc vào quyền tự do của cộng đồng”, ĐB Dương Trung Quốc băn khoăn.

Phải luật hóa quy chế phát ngôn

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật gần như tránh đề cập đến hoạt động của truyền thông xã hội. Có ý kiến cho rằng chúng ta mới tập trung túm ông có tóc, còn ông trọc đầu thì chưa.

18-12-54_db-truong-trong-nghi-de-nghi-ci-gi-d-cm-trong-lut-hinh-su-roi-thi-khong-du-vo-lut-bo-chi-nu
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị cái gì đã cấm trong Bộ luật Hình sự rồi thì không đưa vào trong Luật Báo chí nữa

ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) không tán đồng việc Bộ Thông tin – Truyền thông “ôm” quá nhiều việc, nhất là việc bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ. Theo đó, tại Điều 16, ĐB Đặng Ngọc Tùng cho rằng, quản lý báo chí phải quản lý người đứng đầu của cơ quan báo chí, không cần thiết phải quản nhiều.
“Thử hỏi trong đất nước có 900 tờ báo, có những tờ báo của một trường đại học, một bệnh viện thì Bộ có nắm hết được cấp phó ở các cơ quan báo chí đấy không? Vậy thì sinh ra việc xin ý kiến bằng văn bản đồng ý rồi mới được bổ nhiệm để làm gì”, ĐB Tùng nêu câu hỏi.

Trong khi ông có tóc thì túm đơn giản, điều xã hội quan tâm nhất là phần quản ông trọc đầu, phần bức bối mà xã hội hiện nay rất quan tâm là Luật Báo chí hiện hành và Nghị định 72 hiện chưa chế định và kiểm soát được.

“Kinh nghiệm cho thấy, khi có một vụ việc nào đó thì trong lúc báo chí chính thống tuân thủ theo định hướng dừng, chưa đưa, truyền thông xã hội lại cày xới thỏa sức.

Đến khi báo chí chính thống đưa tin thì bạn đọc đâu còn đủ kiên nhẫn để chờ đọc, lâu dần báo chí mất bạn đọc, không chỉ làm báo chí sa sút, suy yếu mà còn làm tác dụng báo chí giảm sút”, ĐB Thường nghi ngại.

Còn ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) đề nghị luật hóa quy chế phát ngôn, bổ sung thêm một khoản vào Điều 14 quy định: Các cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Đồng thời bổ sung Điều 57, về xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí. Theo ĐB Trang, dự thảo luật chỉ mới đề cập đến khía cạnh các cơ quan báo chí nếu sai phạm thì sẽ bị các hình thức xử lý theo luật định, nhưng vẫn chưa đề cập đến việc xử lý các tổ chức, cá nhân cản trở hoạt động báo chí hợp pháp. Do đó, ĐB đề nghị cần bổ sung thêm nội dung tổ chức, cá nhân cản trở các hoạt động báo chí hợp pháp tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) đề nghị bỏ quy định cơ quan báo chí đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú phải được chấp thuận bằng văn bản của UBND cấp tỉnh trong Điều 25. Đề nghị này được ĐB Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo VN rất tán đồng.

Ông Hữu còn cho rằng, tại Điều 29, trường hợp tổng biên tập, phó tổng biên tập các cơ quan báo chí, các trường đại học, viện nghiên cứu cơ bản chuyên ngành, nếu chưa có thẻ nhà báo phải có học vị từ thạc sĩ chuyên ngành trở lên.

“Tôi cũng rất ngạc nhiên tại sao lại thạc sĩ, liên quan gì đến thạc sĩ và nhà báo? Thạc sĩ có liên quan gì đến tổng biên tập, phó tổng biên tập? Tại sao không quy định là tiến sĩ luôn”, ĐB Thuận Hữu ngạc nhiên về quy định này vì cho rằng điều đó không có căn cứ gì cả.

Ngày 27/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường và tiến hành phiên bế mạc kỳ họp!

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/du-thao-luat-bao-chi-sua-doi-cang-cong-khai-quan-ly-se-tot-hon-d153290.html