Thứ năm 29/05/2025 - 17:07
Môi trường
Du lịch xanh không rác thải nhựa: Hành động nhỏ, thay đổi lớn
Thứ Hai 26/05/2025 - 19:13
Hạ Long đang trở thành hình mẫu trong việc triển khai các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa, từng bước xây dựng mô hình 'du lịch không nhựa dùng một lần'
- Đêm hội Carnaval Hạ Long 2025: Đưa di sản Việt Nam lan tỏa ra thế giới
- Chống rác thải nhựa: Thiếu vắng các công ty lữ hành và du lịch
- Chống rác thải nhựa vì biển đảo quê hương: Kỳ II: Bài học lớn từ đảo nhỏ Cù Lao Chàm
- Biển miền Trung: Nói không với rác thải nhựa - Đòn bẩy để thu hút du khách
Hạ Long không chỉ được biết đến bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên mà còn bởi những nỗ lực bền bỉ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển du lịch bền vững. Với những hành động cụ thể từ chính quyền, doanh nghiệp đến người dân, thành phố di sản đang trở thành hình mẫu trong việc triển khai các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa, từng bước xây dựng mô hình “du lịch không nhựa dùng một lần”.
Hành động quyết liệt từ Hạ Long
Từ ngày 1/9/2019, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã ban hành và triển khai quy định “Không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ, du lịch trên Vịnh Hạ Long”. Theo đó, tất cả các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh tại khu vực vịnh phải cam kết không sử dụng hoặc mua bán các sản phẩm như cốc, ống hút, hộp đựng, túi nilon… và thay thế bằng các vật liệu thân thiện với môi trường như giấy, tre, gỗ hoặc nhựa sinh học phân hủy nhanh.
Theo đại diện Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, giai đoạn đầu triển khai quy định gặp rất nhiều khó khăn, bởi thói quen sử dụng đồ nhựa tiện lợi đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, Ban Quản lý đã xác định rõ: không thể giữ được danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới nếu còn để nhựa ngập tràn vịnh.

Các biển tuyên truyền về việc không dùng các sản phẩm làm từ nhựa sử dụng một lần được đặt ở tất cả các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Thủy Nguyễn.
Thống kê cho thấy, mỗi ngày có hơn 500 chuyến tàu du lịch hoạt động trên vịnh, phục vụ hàng nghìn lượt khách. Nếu mỗi du khách sử dụng ít nhất một chai nhựa, tổng lượng rác thải nhựa phát sinh sẽ là con số khổng lồ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển và hình ảnh của di sản. Chính vì vậy, việc hành động sớm là điều bắt buộc để không phải trả giá bằng chính uy tín và giá trị môi trường của vịnh.
Chuyển biến rõ rệt từ chính sách đến thực tiễn
Sau hơn 5 năm thực hiện, chương trình “Hạ Long không rác thải nhựa” đã mang lại những chuyển biến tích cực. Nhiều đơn vị kinh doanh đã chủ động thay đổi để thích ứng. Các tàu du lịch đã lắp đặt hệ thống lọc nước phục vụ khách thay vì phát nước đóng chai hoặc khuyến khích du khách mang theo bình cá nhân. Các khách sạn, nhà hàng tại khu vực Bãi Cháy, Tuần Châu chuyển sang mô hình “khách sạn xanh”, hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa, thay thế bằng vật liệu tái sử dụng hoặc thân thiện với môi trường.

Thùng đựng sản phẩm nhựa dùng một lần được đặt ở nơi soát vé tham quan Vịnh Hạ Long. Ảnh: Hoài Minh.
Anh Nguyễn Trung Hiếu, quản lý một cơ sở lưu trú tại phường Bãi Cháy, chia sẻ: “Ban đầu khách chưa quen, nhất là khách nước ngoài, nhưng sau khi được giải thích về mục tiêu bảo vệ môi trường và Di sản Vịnh Hạ Long, đa số đều ủng hộ và hợp tác”.
Theo ghi nhận của Sở Du lịch Quảng Ninh, lượng rác thải nhựa tại các cảng tàu và khu vực Vịnh Hạ Long đã giảm rõ rệt trong 4 năm gần đây. Đặc biệt, ý thức của doanh nghiệp và du khách cũng có sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng môi trường du lịch và hình ảnh điểm đến.
Tạm dừng tàu vì… chai nhựa
Điểm nhấn đáng chú ý trong thời gian gần đây là vào ngày 20/5/2025, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã ra quyết định tạm dừng hoạt động một tàu du lịch vì để du khách mang theo và sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần khi tham quan vịnh. Hành vi trên đã vi phạm quy định theo hợp đồng về neo đậu, hoạt động tại các cảng, bến, vùng nước trên Vịnh Hạ Long (gồm cả Vịnh Bái Tử Long) được ký kết giữa Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và hộ kinh doanh.
Đây là một biện pháp xử lý nghiêm minh được áp dụng trên cơ sở thực hiện quy định hiện hành, cho thấy quan điểm cứng rắn của cơ quan quản lý đối với vi phạm về bảo vệ môi trường trong khu vực Di sản thiên nhiên thế giới.
Theo đại diện Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, việc tạm dừng hoạt động tàu không nhằm mục tiêu xử phạt đơn thuần, mà là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng các quy định không thể chỉ nằm trên giấy. Việc nghiêm túc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường là trách nhiệm không chỉ của doanh nghiệp mà còn của du khách, góp phần giữ gìn hình ảnh Hạ Long xanh - sạch - đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.
Từ Hạ Long nhìn rộng ra cả nước
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa ra môi trường biển lớn nhất thế giới, với khoảng 3,1 triệu tấn/năm, trong đó có tới 0,28 - 0,73 triệu tấn đổ ra đại dương. Riêng ngành du lịch, với hàng trăm triệu lượt khách mỗi năm, là một trong những nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn nhất.
Theo ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, ước tính trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5–10 túi nilon/ngày, 2–4 vỏ chai nhựa hoặc hộp sữa/ngày, chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng một lần. Lượng chất thải nhựa và túi nilon của cả nước chiếm khoảng 10–12% chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt tại các thành phố có hoạt động du lịch phát triển. Do đó, việc triển khai các giải pháp cụ thể trong ngành du lịch có ý nghĩa rất lớn trong cuộc chiến chống rác thải nhựa.

Hạ Long triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa không chỉ giúp giữ gìn cảnh quan môi trường cho một trong những kỳ quan thiên nhiên thế giới, mà còn là đóng góp thiết thực của Việt Nam vào cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa toàn cầu. Ảnh: Nguyễn Đăng.
Quy định về rác thải nhựa nói chung và trong lĩnh vực du lịch nói riêng đã được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Theo đó, từ sau năm 2025, 100% các khu du lịch, cơ sở lưu trú, khách sạn sẽ không sử dụng túi nhựa khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần. Nhiều tỉnh, thành ven biển đã ban hành kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và triển khai các mô hình phù hợp với điều kiện địa phương.
Việc Hạ Long triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa không chỉ giúp giữ gìn cảnh quan môi trường cho một trong những kỳ quan thiên nhiên thế giới, mà còn là đóng góp thiết thực của Việt Nam vào cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa toàn cầu.
Từ kinh nghiệm của Hạ Long, nhiều địa phương du lịch khác như Phú Quốc, Đà Nẵng, Hội An... đang xây dựng các mô hình du lịch không rác thải nhựa tương tự. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này cần có sự đồng hành chặt chẽ từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và chính người dân – du khách.
Từ ngành du lịch nhìn rộng ra các hoạt động đời sống có liên quan đến việc sử dụng đồ nhựa một lần, có thể thấy chống rác thải nhựa là một cuộc chiến vô cùng gian nan. Từ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm nhựa, cho đến thu gom, phân loại, tái chế – tất cả đều cần những giải pháp đồng bộ và một lộ trình thực hiện cụ thể.
Theo lộ trình hiện hành, chỉ còn hơn nửa năm nữa, từ sau năm 2025, Chính phủ sẽ cấm lưu hành và sử dụng đồ nhựa khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn và khu du lịch. Sau năm 2030, sẽ ngừng sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm nhựa dùng một lần. Đây là lộ trình đầy tham vọng, và thực tế sẽ rất khó thực hiện nếu các địa phương không có hành động cương quyết và sát sao.
Do đó, biện pháp quyết liệt của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long không còn là chuyện riêng của một địa phương hay của ngành du lịch, mà là một tín hiệu tích cực cho cuộc chiến chống rác thải nhựa của Việt Nam – quốc gia hiện đứng thứ 4 thế giới về lượng rác nhựa thải ra môi trường biển.
Chống rác thải nhựa không phải là một chiến dịch ngắn hạn, mà là một hành trình dài đòi hỏi sự kiên trì, giám sát và điều chỉnh liên tục. Với những bước đi tiên phong từ Hạ Long, có thể hy vọng rằng du lịch Việt Nam sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, bền vững và thân thiện với môi trường.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/du-lich-xanh-khong-rac-thai-nhua-hanh-dong-nho-thay-doi-lon-d755089.html