Chủ nhật 18/05/2025 - 12:28
Xã hội
Đón liệt sĩ Lê Minh Văn trở về quê hương sau 54 năm
Chủ Nhật 18/05/2025 - 12:16
Sau 54 năm xa cách, liệt sĩ Lê Minh Văn đã trở về trong vòng tay yêu thương và biết ơn vô hạn của gia đình và xóm làng...
Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ và các đoàn thể xã Xuân Hồng (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), cùng thân nhân gia đình liệt sĩ và nhân dân thôn Vân Lộ vừa long trọng tổ chức Lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ Lê Minh Văn - người con ưu tú của quê hương, đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Liệt sĩ Lê Minh Văn sinh năm 1949, quê quán tại thôn Vân Lộ, xã Thọ Nguyên (nay là xã Xuân Hồng), huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Anh nhập ngũ vào tháng 3 năm 1967, khi vừa tròn 18 tuổi. Tại đơn vị, anh mang cấp bậc Hạ sĩ, là chiến sĩ thuộc Đại đội 12, Tiểu đoàn 6, đơn vị 1450, chiến đấu tại mặt trận miền Nam - nơi khốc liệt và gian khổ.

Mộ liệt sĩ Lê Minh Văn được tìm thấy tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Quốc Toản.
Năm 1970, anh được đơn vị cho về phép thăm gia đình. Trong những ngày ngắn ngủi ấy, trái tim người lính trẻ đã rung động trước một cô gái cùng quê. Tình yêu của họ chớm nở giữa thời bom đạn, vội vàng mà sâu sắc đến lạ kỳ.
Bà Lê Thị Lý (em gái liệt sĩ Lê Minh Văn) kể lại: "Ngày chia tay để trở lại đơn vị, anh dặn dò người thân: Mẹ à, con thương người con gái ấy. Nếu con chưa kịp về, cha mẹ và các chú, các bác thay con sang nhà người ta dạm ngõ nhé. Khi nào đất nước hòa bình, con sẽ về làm lễ cưới.”
Nghe xong lời anh dặn dò, người thân trong gia đình anh chỉ biết nghẹn ngào gật đầu. Một đám dạm ngõ vội vã, đơn sơ nhưng đầy ấm cúng được tổ chức, không có chú rể được diễn ra sau đó vài ngày. Một lời hẹn ước và lời hứa tình yêu được gửi lại quê nhà, giữa những ngày chiến tranh còn chưa dứt.
Nhưng lời hẹn ước ấy mãi mãi không thành hiện thực. Mùa xuân năm 1971, khi vừa bước sang tuổi 22, chiến sĩ Lê Minh Văn đã anh dũng hy sinh tại mặt trận phía Nam, mang theo giấc mơ còn dang dở và lời hứa chưa kịp thực hiện. Trong suốt quá trình chiến đấu, anh luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và Quân đội giao phó.
Năm 1997, hài cốt của liệt sĩ Lê Minh Văn được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, tỉnh Quảng Trị, tại mộ số 17, hàng 2, lô 7B, khu tổng hợp. Liệt sĩ Lê Minh Văn là anh cả trong gia đình có 2 anh em.
Người em gái út và em rể là những người đầu tiên trong gia đình lặn lội vào Quảng Trị để tìm kiếm phần mộ anh sau khi nhận được thông tin từ đồng đội và cơ quan chức năng. Suốt hành trình dài xuyên miền Trung, họ mang theo vài kỷ vật thân quen cùng nỗi mong mỏi khôn nguôi đã hằn sâu suốt cả cuộc đời. Khi đứng trước phần mộ mang tên Lê Minh Văn, cả hai chỉ biết lặng người, nước mắt cứ trào ra. Sau hơn hai thập kỷ chờ đợi, cuối cùng gia đình cũng đã tìm thấy anh - người chiến sĩ kiên trung đang yên nghỉ giữa lòng đất Quảng Trị thân yêu!

Hài cốt liệt sĩ Lê Minh Văn được đưa về quê hương. Ảnh: Quốc Toản.
Sau thời gian dài yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Trị, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của gia đình, đặc biệt là sự hỗ trợ tận tình của Ban quản trang Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, đội xe 0 đồng Thanh Hóa, hài cốt liệt sĩ Lê Minh Văn đã được đưa trở về an nghỉ tại quê hương sau 54 năm xa cách.
Lễ đón nhận và an táng liệt sĩ Lê Minh Văn không chỉ là một nghi lễ, mà còn là sự khép lại cho nỗi mong chờ của gia đình, làng xóm suốt hơn nửa thế kỷ.

Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ và các đoàn thể xã Xuân Hồng tổ chức đón liệt sĩ Lê Minh Văn trở về quê nhà. Ảnh: Quốc Toản.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Bá Oánh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng, xúc động nhấn mạnh: “Sự hy sinh của liệt sĩ Lê Minh Văn là mất mát to lớn của gia đình, đồng thời góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, tô thắm thêm truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc. Tổ quốc đời đời ghi nhớ công ơn của anh. Quê hương Xuân Hồng mãi mãi khắc ghi tên anh - người chiến sĩ cách mạng trung kiên”.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/don-liet-si-le-minh-van-tro-ve-que-huong-sau-54-nam-d753738.html