Thứ ba 29/04/2025 - 11:49
Chăn nuôi
‘Đời du mục' theo vịt chạy đồng
Thứ Ba 29/04/2025 - 11:40
Hễ nghe nơi nào vừa thu hoạch xong lúa trên đồng, còn trơ gốc rạ và đất đủ mềm là họ liên hệ xin 'mua đồng' để thả vịt.
- Dòng thức ăn cho vịt siêu thịt nuôi bán công nghiệp
- Trứng vịt chạy đồng biến động giá ở ĐBSCL
- ĐBSCL: Giá một quả trứng vịt không bằng ly trà đá
- Quản lý vịt chạy đồng

Ông Thượng Giang Đức bám với nghề nuôi vịt chạy đồng hàng chục năm nay. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Mặt trời vừa ló dạng nơi chân trời xã An Hòa, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, những chiếc bóng lố nhố của đàn vịt đã chen chúc nối nhau len lỏi trên cánh đồng vừa gặt xong mùa lúa. Trong lớp sương mỏng manh còn vương trên ruộng, ông Thượng Giang Đức và vợ lại bắt đầu một ngày rong ruổi mới, đời du mục cùng đàn vịt chạy đồng.
Gia đình ông Đức quê ở An Giang, đã nhiều đời theo nghề nuôi vịt chạy đồng. Tính cả những đàn con sinh ra từ đợt dịch này, tổng cộng gia đình ông quản lý hơn 12.000 con vịt. Sau mỗi vụ mùa, vợ chồng ông Đức cùng người con trai lại tất bật dịch chuyển. Hễ nghe nơi nào vừa thu hoạch xong lúa trên đồng, còn trơ gốc rạ và đất đủ mềm là họ liên hệ xin “mua đồng” thuê đất để thả vịt chạy đồng tìm thức ăn.
Ông Đức vừa rảo bước theo đàn vịt hàng ngàn con đang kiếm ăn trên đồng kể: Mua được đồng quen rồi, vậy là chuẩn bị rơm rạ, cột gậy dựng lều tạm bợ ngay ngoài đồng nhưng chẳng ở một chỗ nào lâu được. Thường tối đa chừng vài tháng là dịch chuyển sang đồng khác để vịt lội ruộng mới có thức ăn mới như lúa, cua, ốc…
Nơi ở của người nuôi vịt chẳng có gì ngoài cái chòi lá thấp lè tè dựng tạm. Mùi đất mới, mùi rơm rạ cháy khét của những đám đồng còn sót lửa, mới đầu còn xa lạ, nhưng chỉ vài đêm ngủ vùi trong tiếng gió và tiếng vịt gọi đàn, họ lại thấy quen thân như máu thịt.
“Một năm chắc về nhà được 3-4 tháng thôi, một tháng nuôi dịch ăn đồng nhà, hai tháng thả gần nhà đợi mùa gặt, còn lại quanh năm lội đồng thiên hạ”, ông Đức cười xòa.

Mưu sinh giữa đồng đất mênh mông, những phận đời nuôi vịt chạy đồng như ông Đức, ông Tuấn vẫn bền bỉ bám nghề du mục. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Sáng sớm tinh mơ, từ 3-4 giờ sáng, vợ chồng ông Đức đã lọ mọ gom trứng. Trứng vịt đẻ nằm la liệt khắp bãi, rải từ bờ ruộng ra giữa đồng. Những hôm trứng được giá, vịt đẻ nhiều niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt sạm nắng của những người bám nghề vịt chạy đồng.
Bà Trần Thị Lệ, vợ ông Đức bàn tay khéo léo lượm trứng vịt vừa gói ghém vào rổ tre mà chia sẻ, mỗi đêm thức thất vịt đẻ đều đều, trong lòng vui lắm. Mỗi bữa lượm được mấy ngàn trứng vịt, bán cho lái buôn đến tận nơi thu mua, dư chút đỉnh lo con cái học hành, sửa lại cái nhà ở quê.
Tuy nghề này có lúc cực nhọc nhất là những ngày mưa dầm. Đất bùn nhão nhoẹt, trơn trượt, người nuôi vịt lúc nào cũng lấm lem từ đầu đến chân. Đêm nằm trong chòi nghe gió tạt mưa lùa, lạnh thấu xương. Nhưng hỏi có bỏ nghề không, ông Đức lắc đầu nói: Bỏ nghề nuôi vịt chạy đồng rồi biết làm gì. Cái nghề này coi vậy mà cho mình sống được, còn được tự do theo chân trời, đâu có ai ràng buộc được mình ở một chỗ.

Trứng vịt đẻ nằm la liệt khắp bãi, rải từ bờ ruộng ra giữa đồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Tại thị trấn Chợ Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), ông Trương Minh Tuấn, có hơn 30 năm gắn bó với nghiệp du mục chạy đồng. Ông Tuấn cho biết, đời vịt, đời người cũng long đong như nhau. Có khi gặp chủ đất dễ thương, họ thương tình cho mượn thêm chỗ ngủ, tối không phải nằm phơi sương ngoài đồng. Nhưng cũng lắm khi bị đuổi đột ngột, đành dắt đàn vịt bì bõm lội tìm đồng khác, mệt rã rời.
Ông Tuấn kể, có lần gặp năm hạn, thiếu nước, vịt đói kêu râm ran cả cánh đồng. Ông phải dầm mình lùa vịt đi xa mấy chục cây số, kiếm chỗ còn ít nước để vịt ngụp lặn, kiếm ăn. Tuy nghề này cực mà gắn bó lâu rồi thành quen. Ngày nào không nghe tiếng vịt kêu, thấy nhớ, thấy buồn trong bụng.
Cái tình người giữa đồng cũng vì thế mà nảy nở. Bữa cơm chỉ có con cá đồng kho với rau hái ven mương, nhưng chủ ruộng và người nuôi vịt vẫn vui vẻ quây quần, cùng chén rượu đắng cay chia sẻ chuyện đời.
Không chỉ là kế sinh nhai với những người như ông Đức, ông Tuấn, nghề nuôi vịt chạy đồng còn là một phần máu thịt. Những ngày rong ruổi giữa đồng không chỉ là cuộc mưu sinh mà còn là hành trình gắn bó với đất đai, mùa vụ và với thiên nhiên thăng trầm.

Thương lái vào tận nơi thu mua trứng vịt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
“Dẫu biết cuộc đời du mục này bấp bênh, thiếu thốn, cái liều tranh tạm bợ dễ dàng đổ ụp trong cơn gió lớn, cái thân người sớm lấm bùn tối ướt sương nhưng dứt ra thì chẳng đành. Hết đồng này tới đồng kia, năm nào may mắn trứng được giá thì cũng đủ ăn đủ mặc. Chỉ mong đừng có dịch bệnh, đừng có lũ lụt thất thường, để người nuôi vịt như tụi tui còn bám trụ được nghề”, ông Tuấn nói.
Giữa cái nắng hừng hực giữa tháng 4 ở miền Tây sông nước, đàn vịt đẻ hàng ngàn con lại ngụp lặn, ríu rít trên mặt ruộng, như một bản hòa tấu của đồng quê. Và những phận người du mục ấy, cứ thế bền bỉ, chân trần theo tiếng vịt gọi, viết tiếp câu chuyện đời mình giữa mênh mông trời nước.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/doi-du-muc-theo-vit-chay-dong-d750564.html