Thứ ba 22/04/2025 - 20:42
Pháp luật - Bạn đọc
Doanh nghiệp khai thác cát gặp khó khi người dân ngăn làm bãi tập kết
Thứ Ba 22/04/2025 - 20:37
Trúng đấu giá quyền khai mỏ nhưng khi làm mặt bằng bãi tập kết chuẩn bị khai thác, nhà đầu tư phải tạm dừng vì người dân tập trung phản đối.
Người dân lo khai thác cát gây sạt lở
Ngày 14/4, khi thấy doanh nghiệp đưa phương tiện, máy móc đến khu vực lòng sông Thác Ma (sông Mỹ Chánh), thuộc thôn Tây Sơn, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) để san ủi mặt bằng tại vị trí gần cầu Khe Mương, 24 hộ dân đã tập trung yêu cầu đơn vị thi công dừng hoạt động.
Người dân cho rằng, điểm khai thác, tập kết nằm gần khu dân cư, có hệ thống cầu đường huyết mạch và bị tác động mạnh trong mùa mưa lũ. Vì vậy, việc khai thác cát sạn có thể gây sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Bị 24 hộ dân tập trung phản đối, việc thi công bãi tập kết của Công ty TNHH QT Nguyễn Hoàng buộc phải dừng lại. Ảnh: Võ Dũng.
Ông Đoàn Thanh Bình, một hộ dân sống gần khu vực cầu Khe Mương thuật lại, khi thấy người dân tập trung đông, cản trở đơn vị thi công, ông đã xuống hiện trường để trấn an, khuyên nhủ người dân tránh những hành động vi phạm pháp luật. Bản thân ông được biết, đơn vị chủ đầu tư là Công ty TNHH QT Nguyễn Hoàng đã có đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến việc khai thác cát trên lòng sông Thác Ma. Nguyên nhân khiến người dân phản đối là sợ quá trình khai thác sẽ gây ra sạt lở bờ sông. Khu dân cư và đất canh tác của người dân thôn Tây Sơn nằm dọc dòng sông nên sẽ có tác động tiêu cực. Bên cạnh đó, vào mùa hè, người dân ở đây thiếu nước phải sử dụng nước sông. Việc khai thác cát có thể khiến nước sông ô nhiễm không thể sử dụng.
Cũng theo ông Bình, năm 2018, khi một đơn vị về đây xin khoan thăm dò địa chất, việc tham vấn ý kiến đã được cộng đồng đồng ý. Tuy nhiên, đó chỉ là khoan thăm dò, còn khai thác lại là việc khác.
“Chúng tôi cho rằng, nếu dịch chuyển mỏ khai thác cát lên xa hơn nữa so với khu dân cư và đất sản xuất thì sẽ hợp lý hơn. Định cư đây từ năm 1975 nhưng tôi mới chỉ thấy có 1 lần xã tổ chức tham vấn cộng đồng về vấn đề khoan thăm dò khoáng sản vào năm 2018. Lúc ấy, tôi đang là Trưởng ban công tác mặt trận và cũng đã đồng ý chủ trương. Đáng lẽ ra, trước khi cấp mỏ cho doanh nghiệp, chính quyền cần tổ chức tham vấn cộng đồng, lấy ý kiến người dân”, ông Bình cho hay.
Xã đã nhiều lần tổ chức tham vấn cộng đồng
Ông Lê Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn khẳng định, để cấp mỏ cát cho Công ty TNHH QT Nguyễn Hoàng, theo chỉ đạo của UBND huyện và các ban ngành, UBND xã Hải Sơn đã nhiều lần tổ chức tham vấn cộng đồng. Hồ sơ tham vấn cộng đồng hiện còn lưu lại tại UBND xã Hải Sơn.
“Theo quy định, việc tham vấn cộng đồng chỉ thực hiện đối với bí thư chi bộ, trưởng thôn và các đoàn thể. Tuy nhiên, xã cũng rất cân nhắc nên đã mở rộng tham vấn ý kiến ra cả trong nhân dân. Tất cả những người tham gia đều đồng thuận với chủ trương cấp mỏ cát và ký vào biên bản”, ông Huân khẳng định.

Máy móc, vật liệu nằm phơi nắng; nhân công không có việc làm nhưng Công ty TNHH QT Nguyễn Hoàng vẫn phải chi phí hàng chục triệu đồng mỗi ngày. Ảnh: Võ Dũng.
Trong văn bản tham vấn cộng đồng có sự thống nhất về chủ trương nhưng trước ngày 14/4 (trước thời điểm Công ty TNHH QT Nguyễn Hoàng san lấp mặt bằng bãi tập kết) thì tại các phiên đối thoại, một số hộ dân lại đứng ra phản đối nên mới xẩy ra chuyện tập trung ngăn cản đơn vị thi công san lấp mặt bằng.
“Theo rà soát của UBND xã Hải Sơn thì Công ty TNHH QT Nguyễn Hoàng đã có đầy đủ các hồ sơ pháp lý để tổ chức thi công bãi tập kết tiến tới hoạt động khai thác cát. Người dân chưa hiểu chủ trương của tỉnh trong vấn đề này nên chúng tôi yêu cầu Công ty TNHH QT Nguyễn Hoàng tạm dừng san lấp mặt bằng để tổ chức đối thoại lần nữa với người dân”, ông Huân chia sẻ thêm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Văn Ngọc Tiến Đức, Bí thư Đảng ủy xã Hải Sơn, nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Phòng Nông nghiệp và Môi trường) huyện Hải Lăng cho rằng, việc cấp phép khai thác cát trên sông Thác Ma là điều cần làm. Tuy nhiên, đơn vị khai thác cần thực hiện nghiêm túc các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Bản thân ông khi đang là Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cũng rất cân nhắc, cẩn trọng trong vấn đề này khi được giao nhiệm vụ tham mưu cho các cấp chính quyền và ngành chức năng.
“Nếu việc khai thác đúng thiết kế, đảm bảo theo cam kết thì sẽ có tác dụng khơi thông dòng chảy. Ở đây có nhiều thác và những tour du lịch trải nghiệm nhưng nhiều thời điểm, thuyền trên sông mắc cạn, du khách cũng không vừa lòng. Ở đây từng xẩy ra khai thác cát sạn trái phép nên việc cấp phép cho một đơn vị cụ thể sẽ giúp quản lý khoáng sản tốt hơn, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng và nộp thuế cho Nhà nước”, ông Đức chia sẻ.
Doanh nghiệp tiến thoái lưỡng nan
Sau nhiều năm thực hiện các trình tự các thủ tục, ngày 31/12/2024, Công ty TNHH QT Nguyễn Hoàng được UBND tỉnh Quảng Trị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 115/GP-UBND đối với mỏ cát, cuội lòng sông Mỹ Chánh OL6 với tổng diện tích trên 14,6ha. Đơn vị đã hoàn thành tất cả các thủ tục pháp lý, nộp tiền cấp tiền khai thác khoáng sản...
Tuy nhiên, khi san gạt mặt bằng làm bãi tập kết, đắp đường bao gom nước để trình cấp có thẩm quyền cấp Giấy Chứng nhận môi trường thì bị người dân ngăn cản. Toàn bộ máy móc được đưa đến hiện trường hiện nay nằm phơi nắng.
“Có 20 công nhân thi công cùng máy móc thiết bị. Họ nằm chờ ở đây và doanh nghiệp thì mỗi ngày mất hàng chục triệu đồng chi phí”, ông Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc Công ty TNHH QT Nguyễn Hoàng cho biết.

Đại diện Công ty TNHH QT Nguyễn Hoàng khẳng định, những lo lắng của người dân đã được tính toán chi tiết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và công ty sẽ tuân thủ. Ảnh: Võ Dũng.
Cũng theo ông Trọng, qua nắm tình hình, người dân phản đối vì sợ công ty khai thác không đúng quy định. Việc khai thác cát có thể làm biến dạng bãi tắm dưới chân cầu Khe Mương. Mỏ khai thác nằm ở thượng nguồn trạm xử lý nước trên sông Thác Ma. Và người dân sợ nhất là sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến đất sản xuất và làng mạc.
“Được phép khai thác cách chân cầu Khe Mương 50 m nhưng chúng tôi đã chủ động cắm mốc và chỉ khai thác cách chân cầu 300 m để đảm bảo an toàn cho cầu và bãi tắm của người dân. Bên cạnh đó, khoảng cách từ mỏ đến điểm xử lý nước sạch cách xa gần 3km; bãi tập kết có hệ thống gom nước nên sẽ không ảnh hưởng chất lượng nguồn nước. Còn vấn đề sạt lở, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng thể hiện rất rõ, chúng tôi sẽ sử dụng đá cuội để xử lý điểm xung yếu, đảm bảo không gây ra sạt lở”, ông Trọng giải thích.
Nói về việc người dân tập trung phản đối nhà đầu tư thi công trong ngày 14/4, ông Lê Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn thông tin thêm, một số hộ dân hiểu nhầm là Công ty TNHH QT Nguyễn Hoàng đang tác động vào đất nông nghiệp. Một số hộ phản đối vì cho rằng công ty này được chính quyền cấp phép khai thác trong khu vực không phù hợp.
“Đất canh tác ven sông là đất không ổn định, không giao cho dân. Người dân tận dụng để canh tác. Còn diện tích Công ty TNHH QT Nguyễn Hoàng san gạt nằm trong diện tích mỏ được UBND tỉnh Quảng Trị cấp”, ông Huân cho hay.
“Mỏ cát nằm trong quy hoạch, khi khai thác sẽ đáp ứng nhu cầu về vật liệu. Đây là mỏ đấu giá chứ không phải cấp. Sở Nông nghiệp và Môi trường và các ngành liên quan rà soát thì thấy họ tuân thủ đúng quy định. Đặc biệt, bây giờ họ chưa làm gì, dân phản ứng như vậy là không có cơ sở. Tỉnh đang giao cho địa phương tuyên truyền vận động người dân đồng thuận để thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vi phạm về môi trường, diện tích, khu vực thì sẽ xử lý theo quy định”, ông Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nêu ý kiến.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/doanh-nghiep-khai-thac-cat-gap-kho-khi-nguoi-dan-ngan-lam-bai-tap-ket-d749672.html