Thứ bảy 03/05/2025 - 08:37
Xã hội
Đoàn kết ở làng Triêl
Thứ Bảy 03/07/2021 - 11:07
Sau 45 năm, nhiều người dân làng Triêl, xã biên giới Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, Gia Lai còn in hằn ký ức kinh hoàng về những ngày chạy nạn diệt chủng Pôn Pốt.
- Nổi tiếng khắp Tây Nguyên bởi... khác người
- Gia đình người Dao 4 đời gắn bó với cây cà phê Tây Nguyên
- Tây Nguyên còn đó 'cây đại thụ'

Đường vào làng Triêl. Ảnh: LH.
Kí ức hãi hùng 45 năm trước
Cuối năm 1975, đầu năm 1976, quân Pôn Pốt bắt đầu tàn sát người dân khắp nơi. Ở xã Po Nhay, huyện Oyadav, tỉnh Rattanakiri, Campuchia, nhiều ngôi làng giáp biên giới đã tìm đường trốn sang Việt Nam tị nạn. Làng Triêl, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, Gia Lai là một ngôi làng của người Campuchia tị nạn, đã ra đời trong bối cảnh như thế.
“Một buổi sáng mùa khô năm 1976, chồng tôi đánh thức cả nhà 4 người dậy sớm, cùng mấy chục nhà khác âm thầm rời quê hương, luồn rừng sang Việt Nam trốn nạn diệt chủng Pôn Pốt. Chồng tôi gốc người J’rai ở huyện Chư Prông nên tôi và con đoán có thể anh sẽ dẫn chúng tôi về đó. Con voi Y Khoăn lầm lũi thồ ít đồ đạc còn lại của gia đình cùng chạy trốn. Mọi thứ khác, từ lợn gà, lương thực, đã bị quân Pôn Pốt đốt sạch”, bà Rơ Mah H’Phin, ở làng Triêl run run hồi tưởng.
Bà Rơ Mah H’Phin là người J’rai, sống ở làng Lam, xã Po Nhay, huyện Oyadav, tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia. Chồng bà, ông Siu Hoan, cũng là người J’rai, quê gốc ở Chư Prông, Gia Lai. Ông bà gặp nhau thời ông tham gia cách mạng, hoạt động ở vùng biên giới Tây Nam Việt Nam, sau khi nên duyên, 2 vợ chồng định cư ở quê ngoại.
“Nếu không chạy đến Việt Nam và được che chở, đùm bọc chắc chắn chúng tôi sẽ bị Pôn Pốt giết sạch. Hồi đó, thấy chúng đi đến đâu là gieo rắc cái chết kinh hoàng đến đó, ai cũng lo sợ, trước sau gì chúng cũn sẽ tìm đến đây thôi, chắc chắn khó toàn mạng. Nghĩ thế nên chúng tôi bàn cách chạy sang Việt Nam tị nạn, như vậy may ra mới sống sót. Bên ấy có người J’rai cùng họ hàng với mình, cái bụng họ tốt lắm, họ sẽ bảo vệ chúng tôi." Bà Rơ Mah H'Phin nhớ lại.
Sau khi thống nhất, ngay đêm ấy, mấy chục gia đình khăn gói xuyên rừng, thẳng hướng Việt Nam mà tiến. Vượt rừng, lội suối mấy chục cây số đến khu vực cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh bây giờ. Đặt chân lên đất Việt Nam, đoàn người tị nạn mới dám tin mình còn sống. Vợ chồng, con cái nắm chặt tay nhau và khóc. Sau đó gia đình bà Rơ Mah H'Phin đi tiếp đến làng Sơn, làng Nú (nay là xã Ia Pnôn, Ia Nan) và định cư đến ngày nay.

Anh Rơ Mah Blơi và mẹ, bà Rơ Mah H’Phin. Ảnh: Lê Hương.
Ông Rơ Mah Blơi, Trưởng làng Triêl hiện nay, con trai ông bà Siu Hoan và H’Phin, kể: “Thời điểm cha mẹ đưa chúng tôi trốn quân Pôn Pốt sang Việt Nam, anh em tôi còn nhỏ lắm, nên không nhớ nhiều. Nhưng qua lời cha kể lại, tôi cũng hình dung rõ về những ngày tháng đó”.
Theo lời ông Rơ Mah Blơi kể, khi đoàn tị nạn Campuchia đến làng Ia Pnôn, ông Siu Hoan thay mặt đoàn xin cộng đồng J’rai ở xã Ia Pnôn cứu giúp. Ngay lập tức, những người J’rai ở xã Ia Pnôn đồng thanh hô to: “Phải đoàn kết lại thôi”. Sau khi bàn bạc với nhau, để bảo vệ cho mọi người bạn Campuchia chỉ còn một cách là đưa mọi người vào sâu trong địa phận huyện Đức Cơ, dựng nhà, lập làng để sinh sống, đó là làng Triêl ngày nay.
Ông Rơ Châm Ét, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn, người nắm rất rõ về “sự tích làng Triêl” của những người Campuchia tị nạn, kể: “Để tránh bị quân Pôn Pốt truy đuổi, sau khi ổn định chỗ ở cho họ tít trong rừng sâu, chính quyền xã quán triệt bà con “không nghe, không thấy, không biết” nếu có ai hỏi về những người từ Campuchia này. Chúng tôi biết, nếu bị phát hiện, bọn Pôn Pốt sẽ truy sát nhóm người này đến cùng. Họ sẽ không còn đường sống. Bởi vậy, tiếp nhận là một chuyện, giấu được tung tích để họ được an toàn mới là chuyện khó. Khi đó, toàn bộ thanh niên trong làng được huy động để bảo vệ họ, tuyệt đối giữ bí mật về nguồn gốc của họ. Nhờ vậy mà mấy lần quân Pôn Pốt theo dấu tìm đến, nhưng không phát hiện ra”.

Tuổi thơ ở làng Triêl hôm nay. Ảnh: Lê Hương.
Chúng tôi là người Việt Nam!
Năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, bà con Campuchia tị nạn được đón về Ia Pnôn, lập làng tại khu đất cách trung tâm xã tầm 1km, mang tên làng Triêl.
Cuộc sống của cộng đồng người dân Campuchia ở làng Triêl đã thoát cảnh giết chóc từ quân Pôn Pốt, thế nhưng, lại gặp rất nhiều khó khăn về đời sống vật chất. Vì lúc rời làng đi họ chỉ có 2 bàn tay trắng. Lúc này, cũng chính cộng đồng người J’rai ở Ia Pnôn đã chung tay chia sẻ với họ.
Ông Rơ Châm Khiêm, nguyên Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn, nhớ lại: Năm đó, đất nước vừa thống nhất, đâu đâu cũng khó khăn, Ia Pnôn cũng vậy, cái gì cũng thiếu thốn. Nhưng người J’rai bản địa, chẳng ai bảo ai, đã chung tay chia sẻ, giúp đỡ những người dân Campuchia hết mình. Sau này, nhiều người Campuchia ở làng Triêl tự hào gọi làng mình là “Samaki” (tiếng Campuchia nghĩa là đoàn kết).
Đến nay, những người dân Campuchia ở làng Triêl đã có cuộc sống ấm no, cả vật chất lẫn tinh thần ngày càng được nâng cao từ các chương trình chính sách hỗ trợ của địa phương và Trung ương, đặc biệt là chương trình giản nghèo và xây dựng nông thôn mới. Tình đoàn kết vẫn tiếp tục được duy trì như cách đây mấy chục năm. Tinh thần tương trợ lẫn nhau đã ngấm sâu vào mạch máu trong cơ thể mỗi người.

Anh Rơ Mah Blơi vẫn luôn nghĩ, gia đình anh đã sinh ra lần thứ 2 ở Việt Nam, nên mãi mãi là người Việt Nam. Ảnh: LH.
Sau khi cuộc sống ổn định, năm 1987, một số gia đình người Campuchia có nguyện vọng trở về quê hương và đã được địa phương hỗ trợ hồi hương. Năm 1992, 10 hộ khác tiếp tục hồi hương trở về quê hương. Phần lớn các hộ người Campuchia còn lại ở làng Triêl đã gắn bó và coi mảnh đất này là quê hương thứ 2.
Ông Rơ Mah Blơi, trưởng thôn làng Triêl, con trai của ông bà Siu Hoan, là một trong những hộ đã “cắm rễ” sâu ở làng Triêl. “Năm 1985, tôi lập gia đình, vợ tôi là người J’rai ở địa phương. Vợ chồng tôi có 4 người con, 3 đứa đã lập gia đình, sinh sống quanh đây. Quốc tịch của chúng tôi là người Việt Nam!”, ông Blơi nói.
Làng Triêl hiện nay không chỉ có vài chục hộ gốc Campuchia như lúc đầu mà có thêm nhiều hộ mới. “Làng hiện có 80 hộ, 339 nhân khẩu, trong đó hộ người dân tộc thiểu số chiếm 72%. Cả làng có tổng cộng trên 100ha điều, vài chục ha cà phê. Mặc dù kinh tế còn khó khăn nhưng cuộc sống yên bình, ổn định, nhất lả từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới. Câu chuyện đào thoát năm xưa của ông cha đã dần lui vào dĩ vãng. Nhưng công ơn của những người ở vùng đất này đã cưu mang chúng tôi thì không bao giờ quên”, ông Blơi nói rồi chậm dãi thắp nén nhang lên bàn thờ đặt di ảnh người cha quá cố, bên cạnh là ảnh Bác Hồ.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/doan-ket-o-lang-triel-d295485.html