Thứ bảy 10/05/2025 - 12:02
Văn hóa
Đỗ Đức Dục - Con dao pha làng báo
Thứ Hai 28/12/2015 - 07:25
Ngày 28/12/2015, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ Kỷ niệm 100 năm sinh nhà báo - nhà văn Đỗ Đức Dục.
Nhìn toàn bộ cuộc đời Đỗ Đức Dục (1915-1993), ông là con dao pha trong làng báo chí Việt Nam thế kỷ XX với 2 tờ báo chủ chốt Thanh Nghị và Độc Lập.
Giám đốc trường viết báo đầu tiên
Bài báo đầu tiên của Đỗ Đức Dục được đăng chính thức trên tờ Hà Nội báo (ra ngày 13/1/1937) của Lê Tràng Kiều và Lưu Trọng Lư là một truyện ngắn nhan đề “Nga của tôi”.
Tác giả viết về một mối tình lãng mạn, phần nào là tâm trạng của Đỗ Đức Dục cũng như thanh niên thế hệ đó, một thanh niên trí thức mất nước giữa cuộc sống vui mà vẫn mang trong lòng một nỗi buồn tưởng như vô cớ.
Bắt đầu chính thức viết báo theo lối tài tử như thế. Còn thật sự viết báo chuyên nghiệp, thật sự làm báo thì mãi đến ngày Đỗ Đức Dục tham gia báo Thanh Nghị năm 1942.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông còn làm Thư ký Đoàn Văn nghệ Bắc Bộ Việt Nam (1945); Phó Chủ tịch Đoàn báo chí Việt Nam (1945); Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (1950)...
Đỗ Đức Dục còn làm Giám đốc trường viết báo Huỳnh Thúc Kháng 1949, trường viết báo đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Không chỉ đảm nhận công tác quản lý, ông còn lên lớp giảng bài. Một người học trò của ông là nhà báo Mai Thanh Hải sau này vẫn ghi nhớ những ấn tượng:
“Cho đến tận hôm nay, học viên chúng tôi vẫn kính trọng ông Đỗ Đức Dục như một nhà văn hóa, một nhà báo tiền bối và với chúng tôi, ông là một bậc thầy. Bài giảng của ông đã gây sóng gió ngay từ ngày đầu tiên của lớp học, dù có nhiều ý kiến đối lập, chúng tôi vẫn thấy quả là phải có dũng khí mới nêu những vấn đề gai góc như thế ra trước giảng đường các nhà báo chúng tôi (hầu hết học viên chúng tôi trước đó đều đã làm báo hoặc đã viết khá nhiều bài báo)…”.
Con dao pha trong làng báo chí
Giữa năm 1941, được tin báo Thanh Nghị ra đời, chàng Cử nhân Luật khoa Đỗ Đức Dục trở về Hà Nội, vừa dạy học ở trường tư thục Gia Long, vừa viết báo Thanh Nghị.
Bài đầu tiên của Đỗ Đức Dục đăng trên báo Thanh Nghị tháng 3/1942 là bài “Án Tết”, một bài có tính chất phổ biến pháp luật. Bản thân Đỗ Đức Dục cũng tự nhận: “Truyền bá tư tưởng, phổ biến kiến thức cũng là một xu hướng hoạt động của tôi”.
Nhưng chỉ ít lâu sau, được anh em trong Ban biên tập báo Thanh Nghị, đứng đầu là Vũ Đình Hòe, tín nhiệm và đề nghị, Đỗ Đức Dục thôi hẳn việc dạy học để vào làm Thư ký Tòa soạn cho báo Thanh Nghị.
Báo Thanh Nghị ra đời tháng 6/1941 với tiêu đề Nghị luận - Khảo cứu - Văn chương, và nêu lên tôn chỉ của mình với ba khẩu hiệu: Thông hiểu sự vật và tư tưởng - Thu nhặt tài liệu để giúp vào sự giải quyết những vấn đề quan hệ đến cuộc sinh hoạt của dân tộc Việt Nam - Phổ thông mà không làm giảm giá.
Ba khẩu hiệu đó thể hiện hoài bão của nhóm trí thức sáng lập ra tờ báo là Vũ Đình Hòe, Vũ Văn Hiền, Phan Anh. Đó là những người trí thức yêu nước, có thiện chí muốn đem sở học của mình ra để giúp dân, giúp nước trong phạm vi công khai hợp pháp có thể dưới chính quyền thực dân.
Dù có những xu hướng tư tưởng, chính trị, văn hóa, xã hội rất khác nhau, thậm chí có lúc diễn ra tranh luận ngay trên mặt tờ báo, tuy nhiên cái thiện ý chung vì tiền đồ của Tổ quốc, của dân tộc vẫn gắn bó họ với nhau trong khuôn khổ một tờ báo công khai hợp pháp thời bấy giờ.
Đỗ Đức Dục sinh năm 1915 tại Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT; Thứ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH-TT&DL); Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất và đặt tên một đường phố tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. |
Từ khi làm Thư ký Tòa soạn cho Thanh Nghị, Đỗ Đức Dục viết về nhiều lĩnh vực khác nhau: chính trị, kinh tế, nhất là xã hội và văn hóa, và ký bằng nhiều bút danh khác nhau: Như Hà, Trọng Đức, Tảo Hoài.
Trong hồi ký của mình, ông viết: “Tôi như con dao pha của tờ báo, có khi phải viết ngay bên máy in để bổ sung tờ báo vào giờ chót, trước khi báo lên khuôn. Tôi đặc biệt chú ý đến các vấn đề thời sự, chính trị và qua những bài xã luận, tôi nhằm cổ động lòng yêu nước của thanh niên, sự quan tâm của họ đến vận mệnh của đất nước, nhất là từ sau khi quân Nhật đặt gót lên Đông Dương, chuyển tình thế nước ta vào một cục diện mới đầy dự báo”.
Hành trình báo chí còn để ngỏ
Người viết bài này đã làm một phép thống kê [chưa đầy đủ], Đỗ Đức Dục viết 83 bài trên báo Thanh Nghị (1941-1945) và 339 bài trên báo Độc Lập (1945-1988), trong đó có 43 bài trong thời gian 1945-1946 (trước khi Toàn quốc kháng chiến diễn ra) và 247 bài trên tờ Độc Lập (bao gồm cả tạp chí và tuần báo) từ năm 1948 đến năm 1959 và 49 bài trên báo Độc Lập từ năm 1961 đến năm 1988 khi tờ báo này cùng với cơ quan chủ quản của nó đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử giao cho.
Viết nhiều thể loại, từ nghị luận đến phóng sự, tạp văn, phê bình văn học, đặc biệt những bài luận chiến sắc bén của Đỗ Đức Dục trên báo Độc Lập.
Sau này Ngô Quân Miện, người kế nhiệm Đỗ Đức Dục làm Tổng Biên tập báo Độc Lập hồi tưởng: “Đỗ Đức Dục là một nhà báo, nhà văn viết cả đời không mệt mỏi và đã có những đóng góp đáng kể cho nền báo chí và văn học Việt Nam”.
Đã có một “Đỗ Đức Dục - Hành trình Văn học” (chuyên luận do PGS.TS Lê Thị Phong Tuyết tổ chức bản thảo, NXB Khoa học Xã hội phát hành) ra đời cách nay tròn một con giáp (2003). Song, vẫn chưa đủ.
Vẫn còn đó, Đỗ Đức Dục – Hành trình Báo chí đang bỏ ngỏ để chờ đợi những nhà nghiên cứu khám phá tư tưởng mới mẻ của ông.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/do-duc-duc---con-dao-pha-lang-bao-d154452.html