| Hotline: 0983.970.780

Thứ tư 14/05/2025 - 14:15

Thể thao

Đi tìm trận Derby Việt Nam

Thứ Sáu 09/05/2008 - 07:00

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi năm bóng đá thế giới lại được chứng kiến những trận derby nóng bỏng mang màu sắc vùng miền hoặc quốc gia. Những cuộc thư hùng ấy là nét chấm phá cho những “bữa đại tiệc” của bóng đá Anh, Italia, Tây Ban Nha… Còn Việt Nam, lâu lắm chúng ta không có cuộc đối đầu nào được xem là derby đúng nghĩa.

Ý nghĩa của derby

ĐTLA (áo sọc xanh) - HAGL (áo đỏ)
Từ derby dùng trong bóng đá luôn để chỉ trận đấu của những đối thủ lớn ở cùng một vùng miền hoặc quốc gia. Như ở Tây Ban Nha, người ta có các trận derby vùng miền nổi tiếng như Atletico Madrid – Real Madrid (của thủ đô Madrid) hay Espanyol – Barcelona (xứ Catalan) hoặc của cả nền bóng đá xứ bò tót: Real Madrid – Barcelona. Tương tự, ở Italia là trận AC Milan – Inter Milan (thành phố Milano) hay AC Milan – Juventus (Serie A). Ở Anh, đó là Chelsea – Arsenal (thủ đô London), Man Utd – Man City (thành phố Manchester) hay Chelsea – Man Utd, Liverpool – Man Utd (Premier League)…

Để nâng lên tầm derby, các đối thủ của trận đấu đó phải là những “cừu thù” của nhau. Mọi cầu thủ tham gia derby bỗng nhiên được truyền thêm 150% năng lượng để thi đấu. Đối tượng của derby có thể là những đội bóng cùng thành phố, tức nhau vì danh tiếng của đối thủ, tỷ như hai đội cùng thành phố Milan, Manchester, London, Madrid… Đó có thể là trận đấu của những đội cùng vùng miền và cũng tức nhau về danh tiếng như Juventus với hai đội thành phố Milan, Barcelona với Espanyol… Ở tầm nền bóng đá quốc gia, các trận derby là những cuộc so kè tiềm lực kinh tế, hoặc sự va chạm về quyền lực của nhau. Chelsea với Man Utd ở Anh là một ví dụ. Kể từ lúc Premier League ra đời, Man Utd luôn làm mưa, làm gió và trở thành quyền lực rất lớn. Nhưng mọi sự thay đổi sau khi tỷ phú người Nga Roman Abramovich mua Chelsea. Với những khoản đầu tư khổng lồ, Chelsea lột xác từ một đội bóng trung bình khá thành đối trọng của Man Utd. Chính điều đó khiến các cuộc đối đầu giữa họ gần đây được đẩy lên thành trận derby nước Anh.

Derby ở Việt Nam

Khi bóng đá nước nhà còn khoác áo bao cấp, người hâm mộ từng được chứng kiến những trận derby “khét lẹt” giữa các đội bóng cùng ngành: CAHN – CATPHCM, các đội bóng cùng lực lượng vũ trang: Thể Công – CAHN, Thể Công, CATPHCM, các đội bóng cùng thành phố: CAHN – TCĐS, Thể Công – TCĐS, CATPHCM – CSG, CSTPHCM – Hải Quan, Hải Quan – CSG, hay cả nước như Thể Công – Hải Quan, CAHN – CSG… Những trận đấu ấy đã trở thành ký ức của một thuở hào hùng mà bóng đá Việt Nam từng trải qua.

Kể từ ngày tiến lên chuyên nghiệp hoá, các đội bóng trên vì nhiều lý do khác nhau phải giải thể, chuyển phiên hiệu hoặc chuyển giao cho đơn vị khác quản lý. Bản sắc của từng đội bóng bị thay đổi khá nhiều. Ý nghĩa derby cũng dần mai một đi và khán giả cũng dần quay lưng lại khi không còn thấy niềm tự hào của mình.

Phải đến khi GĐT.LA (nay là ĐT.LA) và HAGL thăng lên hạng chuyên nghiệp, người ta mới thấy hình bóng đối cực từ hai đội bóng đại diện cho những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh. Các trận đấu giữa “Gạch” và “Gỗ” được chú ý như một trận derby Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 3 mùa bóng, vì theo đuổi những chiến lược khác nhau mà cả ĐT.LA và HAGL dần dần rơi rụng, không còn là quyền lực của V-Leeague. Ý nghĩa của trận derby Việt Nam trong các cuộc đối đầu giữa họ vẫn còn nhưng bị phai nhạt rất nhiều.

Đến V-League 2008, tính derby giữa “Gạch” và “Gỗ” trở nên mờ tỏ hơn bao giờ hết. Và những người yêu bóng đá nước nhà chợt giật mình tự hỏi: đâu là trận derby Việt Nam khi mà càng ngày các đội bóng càng không còn bản sắc rõ nét như trước đây…?

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/di-tim-tran-derby-viet-nam-d12913.html