| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 01/05/2025 - 15:44

Khuyến nông

Đi giữa ngàn xanh

Thứ Năm 01/05/2025 - 15:42

Khoát hơn nửa vòng tay, Rô Krik nói: ‘Giờ đây, xã Đất Bằng đã khoác lên mình một màu xanh bất tận, màu xanh của ấm no, đủ đầy và ngập tràn hạnh phúc".

Nhớ về 27 năm trước

Rô Krik sinh năm 1982, làm Chủ tịch UBND xã Đất Bằng từ năm 2020, là một trong những chủ tịch xã khá trẻ của huyện vùng sâu Krông Pa, tỉnh Gia Lai.

Xã Đất Bằng với địa hình núi sông hiểm trở được chọn làm căn cứ cách mạng, trở thành pháo đài vững chắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây cũng chính là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện H2, mang tên Chi bộ Tham chính vào ngày 10/8/1947 - tiền thân của Đảng bộ huyện Krông Pa ngày nay.

Sắn là một trong những cây trồng chủ lực tại xã Đất Bằng. Ảnh: Đăng Lâm.

Sắn là một trong những cây trồng chủ lực tại xã Đất Bằng. Ảnh: Đăng Lâm.

Bài báo đầu tiên tôi viết về huyện Krông Pa là bài “Krông Pa, những ngày thiếu đói” đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam (nay là Báo Nông nghiệp và Môi trường) vào năm 1998 chính là viết về xã Đất Bằng cách nay đúng 27 năm, cũng vào cao điểm mùa khô của tháng tư như bây giờ. Mà ngày đó đói thật. Thủy lợi chưa có, đường giao thông là đường đất gập ghềnh vừa đủ cho một chiếc xe máy khó khăn đi qua. Người J’rai trần mình dưới cái nắng gay gắt mót từng hạt lúa hiếm hoi sót lại trên rẫy hay móc lớp đất cứng mong tìm được củ sắn bị lớp đất trơ khấc giữ lại khi thu hoạch...

Còn bây giờ, khoát hơn nửa vòng tay, Rô Krik nói: “Giờ đây, xã Đất Bằng đã khoác lên mình một màu xanh bất tận, màu xanh của sự ấm no, đủ đầy và ngập tràn hạnh phúc".

Xã Đất Bằng hiện có 5.100 hộ với 1.036 nhân khẩu, trong đó người J’rai chiếm đến 94%. Với diện tích tự nhiên 12.500ha, ngoài diện tích đất rừng, sông suối, còn lại người dân nơi đây tận dụng tối đa quỹ đất để trồng các loại cây nông nghiệp phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng như lúa nước, mía, sắn, thuốc lá sợi vàng và chăn thả đàn bò 6.500 con vốn là thế mạnh của xã, cũng là thế mạnh của huyện Krông Pa.

Rô Krit cho biết, với 250ha lúa nước hai vụ, đảm bảo gạo ăn quanh năm cho người dân trong xã, bà con không còn lo đến cái đói giáp hạt như trước đây. Ngoài ra, thu nhập từ một số cây trồng thế mạnh khác như 1.200ha sắn, 1.100ha mía và 40ha thuốc lá sợi vàng là để bà con tích lũy, mua sắm vật dụng và lo cho con cái ăn học.

Nói đến cây thuốc lá sợi vàng, Chủ tịch xã Đất Bằng phấn chấn hẳn lên. Anh cho biết, tuy là cây trồng mới của xã nhưng thuốc lá sợi vàng cho thu nhập cao và ổn định. Với năng suất bình quân khoảng 2,8 - 3 tấn thuốc lá sấy khô/ha, giá bán từ 50 - 55 ngàn đồng/kg, mỗi ha thu về khoảng 150 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất khoảng 90 triệu đồng, nông dân lãi ròng 60 triệu đồng/ha.

Trên đường đưa chúng tôi đến thăm một vài hộ dân trong xã, Rô Krik cho biết, trước đây, khi chưa có hệ thống thủy lợi, người dân canh tác khó khăn nên rất nhiều thanh niên vào tận Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân. Đến mùa thu hoạch nông sản, bà con phải đi thuê người từ nơi khác đến. Còn bây giờ, thanh niên đã trở về làng, canh tác trên chính cánh đồng của quê hương mình. Cứ đến mùa thu hoạch mía, sắn thì cả làng, cả xã cứ như ngày hội, râm ran tiếng cười nói, ngập tràn niềm vui của mùa màng bội thu...

Với 250ha lúa nước hai vụ, lương thực được đảm bảo đủ quanh năm cho người dân xã Đất Bằng. Ảnh: Đăng Lâm.

Với 250ha lúa nước hai vụ, lương thực được đảm bảo đủ quanh năm cho người dân xã Đất Bằng. Ảnh: Đăng Lâm.

Gia đình ông Kpă Tin ở buôn Ia Prông có 6ha mía, với năng suất vụ vừa rồi từ 80 - 100 tấn/ha, giá bán 1,2 triệu đồng/tấn, gia đình ông có lãi hơn 300 triệu đồng - thu nhập khá lớn đối với người dân vùng đất khó một thời. Ngoài mía là nguồn thu nhập chính, gia đình ông còn trồng lúa nước hai vụ đủ ăn quanh năm và đàn bò 10 con...

“Nhờ sự đầu tư hệ thống thủy lợi của nhà nước, sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, bà con buôn Ia Prông chúng tôi giờ không lo đói nữa, nhà nào cũng dư giả, nhà nào cũng xây nhà to, có xe máy, có cả xe ô tô chở phân bón, nông sản”, ông Kpă Tin phấn khởi.

Đứng trên đỉnh đồi ở buôn Ia Prông phóng tầm mắt về phía xa là ngút ngàn màu xanh của lúa, của mía, của sắn. Cái đói tự ngàn đời giờ đây đã được đẩy lùi vĩnh viễn.

Ưu tiên công tác khuyến nông

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Krông Pa - ông Hồ Văn Thảo. Theo ông Thảo, Krông Pa là huyện thuần nông, với thế mạnh của các cây trồng chủ lực như mía, sắn, dưa hấu và chăn nuôi bò. Do vậy, việc đầu tư cho giao thông, thủy lợi được đặt lên hàng đầu nhằm phục vụ nước tưới cho cây trồng, giao thông thuận tiện cho vận chuyển nông sản.

“Krông Pa là huyện thuần nông, người dân gần như chỉ sống dựa vào đất để sản xuất nông nghiệp. Tuy năm được năm mất, nhưng người dân vẫn bám đất. Nhiệm vụ của huyện là phải định hướng cho người dân, tìm giống tốt để đưa vào sản xuất, tìm thị trường tốt để tiêu thụ nông sản cho bà con...”, Chủ tịch huyện Krông Pa nhấn mạnh.

Bộ mặt nông thôn ở xã Đất Bằng anh hùng. Ảnh: Đăng Lâm.

Bộ mặt nông thôn ở xã Đất Bằng anh hùng. Ảnh: Đăng Lâm.

Nói về công tác khuyến nông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Krông Pa - ông Võ Ngọc Châu cho biết, từ nhiều năm nay, bằng nhiều nguồn kinh phí, huyện đã sự đầu tư đáng kể cho công tác khuyến nông. Với cây sắn, huyện tìm những giống sắn cao sản, có khả năng chống chịu hạn và kháng được bệnh khảm lá.

Tại xã Đất Bằng, với 1.200ha sắn hiện có, tỷ lệ giống sắn mới chiếm tương đối cao. “Huyện thường xuyên phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên cùng các nhà khoa học uy tín trên cả nước để đem đến cho bà con nông dân những giống sắn thích hợp nhất cho vùng đất này”, ông Châu cho biết. Tương tự, nhiều giống lúa, mía cho năng suất cao cũng được đem về trồng trên vùng đất nắng nóng này.

Cũng theo ông Võ Ngọc Châu, thuốc lá sợi vàng là cây trồng truyền thống của huyện, nhưng với xã Đất Bằng bà con mới chỉ dè dặt trồng thử nghiệm. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, thuốc lá sợi vàng trồng ở Đất Bằng cho thấy khá hiệu quả khi năng suất và chất lượng không thua kém bất kỳ vùng đất nào. “Đồng đất Krông Pa hễ nơi nào có nước, nơi đó đều trồng được thuốc lá. Xã Đất Bằng cũng vậy”, Chủ tịch huyện Hồ Văn Thảo khẳng định.

Đồng hành cùng chính quyền, đến nay đã có 12 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng, chăm sóc, sơ chế, thu mua sản phẩm thuốc lá cho 1.360 hộ dân trên địa bàn huyện. Cây thuốc lá đã thực sự trở thành sản phẩm nông nghiệp quan trọng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Hàng năm, cây thuốc lá ở huyện Krông Pa có giá trị từ 220 - 250 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách từ 9 - 10 tỷ đồng.

Anh Rô Krik (trái), Chủ tịch xã Đất Bằng bên Bia lưu niệm lịch sử Đảng bộ huyện Krông Pa. Ảnh: Tuấn Anh. 

Anh Rô Krik (trái), Chủ tịch xã Đất Bằng bên Bia lưu niệm lịch sử Đảng bộ huyện Krông Pa. Ảnh: Tuấn Anh. 

Để thuận tiện cho việc sản xuất và tiêu thụ nông sản của bà con thì “Hễ ở đâu có đồng ruộng, đường giao thông sẽ đi đến đó”, ông Thảo khẳng định. Theo đó, ở xã Đất Bằng rộng lớn này, đường giao thông nông thôn được đầu tư khá bài bản. Những con đường bê tông nối các buôn làng với nhau, vươn ra đến tận những ruộng dưa, ruộng mía. Con đường liên xã được đầu tư rộng rãi để đưa giống, phân bón đến tận chân ruộng cho bà con và đưa nông sản sau thu hoạch tỏa đi các nơi.

Chính nhờ tập trung cho công tác khuyến nông mà giờ đây, Đất Bằng đã được phủ màu xanh bạt ngàn của lúa, sắn, mía... Và, đó còn là màu xanh của ngập tràn hi vọng.

“Làm nông nghiệp không thể thiếu khuyến nông, đó là định hướng cây trồng, là đầu tư giống, phân bón chất lượng cao, phù hợp với từng đồng đất. Ở xã Đất Bằng anh hùng này, công tác khuyến nông đã được làm triệt để”, ông Võ Ngọc Châu nhấn mạnh.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/di-giua-ngan-xanh-d750097.html