Chủ nhật 20/04/2025 - 12:21
Chính trị
Đề xuất chỉ định, bổ nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch sau khi sáp nhập
Chủ Nhật 20/04/2025 - 12:20
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị việc sửa Hiến pháp và các luật, nghị quyết liên quan sáp nhập tỉnh, xã sẽ không bầu chủ tịch, phó chủ tịch mà chỉ định.
- Thanh Hóa giảm từ 547 xuống còn 166 xã, phường sau sắp xếp
- Hải Phòng có 2 đặc khu, giảm 117 xã, phường sau khi sắp xếp
- 747 người xin nghỉ chế độ khi hợp nhất Bắc Kạn - Thái Nguyên
- Lấy ý kiến nhân dân về sáp nhập xã, hợp nhất Lào Cai - Yên Bái

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.
Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng vừa ký ban hành kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị các hồ sơ liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.
Kết luận nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan đã chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng, chuẩn bị các hồ sơ liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành nội dung của các hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và đề nghị thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Giao Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thực hiện các thủ tục đề nghị các cơ quan cử đại diện tham gia làm thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và tiếp thu, hoàn thiện các hồ sơ trình Lãnh đạo Quốc hội ký ban hành, gửi tài liệu đến các vị đại biểu Quốc hội chậm nhất là ngày 25/4/2025 để nghiên cứu, thảo luận và quyết định ngay từ đầu Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các tài liệu thuộc trách nhiệm chuẩn bị của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Bao gồm: (1) Hồ sơ dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và (2) Dự thảo Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan trong quá trình nghiên cứu, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các luật, nghị quyết có liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thì kết hợp đề xuất phương án xử lý để thể chế hóa quy định:
"Khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc thành lập mới đơn vị hành chính cấp xã, thì không bầu cử các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; Trưởng, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội; Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân và Ủy viên Ủy ban nhân dân theo quy định, mà giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp xã căn cứ thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, tiến hành chỉ định, bổ nhiệm nhân sự đảm nhiệm các chức danh liên quan nêu trên.
Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu Hội đồng nhân dân giữ các chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp xã mới thành lập" tại Kết luận số 150-KL/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tiếp thu, hoàn thiện các tài liệu để báo cáo Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 ngay khi được thành lập để kịp thời xem xét, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất xác định kể từ ngày 15/4/2024, các hồ sơ, tài liệu nêu trên là tài liệu công khai để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho việc xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 và lấy ý kiến Nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp và các cơ quan có liên quan tham mưu, xây dựng văn bản để quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về định mức chi cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, lập dự toán kinh phí phục vụ Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Áp dụng cơ chế khoán chi theo nhiệm vụ trong công tác xây dựng pháp luật, phù hợp với tính chất đặc thù của công tác xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để bảo đảm điều kiện hoạt động của Ủy ban và cơ quan thường trực trong suốt quá trình chuẩn bị, xây dựng và tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua và đơn giản hóa các thủ tục thanh, quyết toán.

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Ảnh: VGP.
Số lượng phó bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy ở địa phương sau sáp nhập
Tổng Bí thư Tô Lâm đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành chỉ thị số 45 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Chỉ thị 45 nêu rõ, với địa phương hợp nhất, sáp nhập được giữ số lượng ban chấp hành, ban thường vụ, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy nhiệm kỳ 2025-2030 như số lượng được chỉ định tại thời điểm sau hợp nhất, sáp nhập nhiệm kỳ 2020-2025.
Trừ các nhân sự không đủ tuổi tái cử, chuyển công tác khác hoặc có nguyện vọng nghỉ công tác, nghỉ hưu trước tuổi.
Bộ Chính trị quy định số lượng này sẽ thực hiện giảm dần số lượng trong thời gian 5 năm sau khi hợp nhất, sáp nhập, đến nhiệm kỳ 2030-2035, số lượng cấp ủy sẽ thực hiện theo quy định mới của Bộ Chính trị.
Ở các địa phương không hợp nhất, sáp nhập, số lượng ban chấp hành, ban thường vụ thực hiện như nhiệm kỳ 2015-2020.
Chỉ thị 45 cũng quy định về số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, phó bí thư cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, trong đó có 4 đảng bộ trực thuộc trung ương.
Với Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương, Bộ Chính trị quy định có không quá 39 thành viên trong ban chấp hành và tối đa 17 người trong ban thường vụ. Trong đó, định hướng ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư là bí thư Đảng ủy.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/de-xuat-chi-dinh-bo-nhiem-chu-tich-pho-chu-tich-sau-khi-sap-nhap-d749254.html