| Hotline: 0983.970.780

Chủ nhật 27/04/2025 - 22:51

Văn hóa

'De Gaulle và Việt Nam (1945 - 1969)': Một lịch sử vinh quang và cay đắng

Thứ Ba 07/05/2019 - 08:54

Cuốn sách được dịch ra tiếng Việt tại Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và được giới thiệu ra mắt bạn đọc tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) tối 6/5/2019.

14-40-05_de_gulle
Sách “De Gaulle và Việt Nam (1945 - 1969)”

Với nguồn tài liệu vô cùng phong phú được khai thác ở các trung tâm lưu trữ của Pháp, Mĩ, Canada cuốn sách “De Gaulle và Việt Nam (1945 - 1969)” là công trình của Pierre Journoud (hiện là Giáo sư của Đại học Paul-Valéry Montpellier III) được xuất bản năm 2011, trên cơ sở Luận án Tiến sĩ Sử học.

GS.TS Phạm Quang Minh, trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội, đánh giá: Bằng phương pháp sử học kết hợp với phân tích chính trị quốc tế, GS Pierre Journoud đã tái dựng lại một giai đoạn lịch sử vô cùng quan trọng và phức tạp của thế giới, đặc biệt là quan hệ giữa Pháp và Việt Nam thông qua phân tích quan điểm và đường lối của de Gaulle từ năm 1945 đến khi ông từ chức vào năm 1969. 

Từ năm 1947, de Gaulle ủng hộ Bảo Đại lập Quốc gia Việt Nam. Mãi đến năm 1953, de Gaulle mới nghĩ đến chuyện đàm phán với Chính phủ của Hồ Chí Minh. Song de Gaulle vẫn cho là nên đặt ưu tiên thương lượng với Trung Quốc và Mĩ. Chiến tranh Đông Dương (1946 – 1954) kết thúc, de Gaulle mới chính thức thay đổi hẳn đường lối. Khi đọc cuốn “Lịch sử một cơ hội hoà bình bị bỏ lỡ” của J. Sainteny, de Gaulle thể hiện mong muốn nước Pháp có một vai trò nào đó với Việt Nam. Trong chuyến thăm Campuchia năm 1966, de Gaulle đã lên tiếng chỉ trích gay gắt sự can thiệp của Mĩ vào Đông Dương. Bài phát biểu của de Gaulle tại Campuchia năm 1966 thực sự là bước ngoặt trong quan điểm của ông về vấn đề Đông Dương.

“Phải thừa nhận rằng công trình của Giáo sư Pierre Journoud thật xuất sắc. Một giai đoạn vô cùng phức tạp của lịch sử thế giới, quan hệ Việt – Pháp, Pháp – Mĩ, Mĩ – Việt, trong đó de Gaulle nổi lên như một hiện thân của lịch sử đầy hào quang nhưng cũng cay đắng, đã được thể hiện một cách nhẹ nhàng, tinh tế, sâu sắc. Người đọc cảm nhận được tình yêu, lòng tự hào của một sử gia viết về con người và đất nước mình một cách thuyết phục và khoa học. Chính vì thế mà công trình này cũng đã truyền cảm hứng cho bất kì ai đọc nó”, GS.TS Phạm Quang Minh bình luận.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/de-gaulle-va-viet-nam-1945---1969-mot-lich-su-vinh-quang-va-cay-dang-d241132.html