Thứ năm 08/05/2025 - 06:43
Lâm nghiệp
Để dược liệu dưới tán rừng ‘cất cánh’
Thứ Năm 08/05/2025 - 06:20
Sản xuất dược liệu dưới tán rừng không chỉ là hướng đi tiềm năng mà còn là lời giải bền vững cho sinh kế người dân miền núi nếu được đầu tư bài bản.
- Trồng cây dược liệu dưới tán rừng, lợi đủ đường
- Thêm giá trị cho cây dược liệu dưới tán rừng
- Trồng sâm dưới tán rừng, mở không gian đa giá trị
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Với hơn 14,8 triệu ha rừng, trong đó có hơn 10 triệu ha rừng tự nhiên, Việt Nam đang sở hữu lợi thế lớn để phát triển ngành dược liệu, đặc biệt là dưới tán rừng. Dược liệu vốn là sản phẩm gắn liền với hệ sinh thái rừng, nhiều loài có khả năng sinh trưởng tự nhiên trong điều kiện rừng ẩm, tầng đất giàu mùn và được che bóng bởi tầng cây cao.
Chính vì vậy, việc khai thác tiềm năng này sẽ không chỉ nâng cao giá trị của rừng mà còn tạo ra nguồn thu nhập bền vững cho người dân miền núi.

Ông Hoàng Văn Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) chia sẻ với PV. Ảnh: Duy Học.
Ông Hoàng Văn Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) cho biết, trong thời gian qua, Viện đã nghiên cứu và xây dựng quy trình, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho một số loại dược liệu quý như sâm Lai Châu, tam thất hoang, cát sâm, bách bộ, khôi tía… Những quy trình, hướng dẫn này vừa giúp cơ quan Nhà nước ban hành tài liệu kỹ thuật chính thống, vừa là cơ sở để người dân ứng dụng vào thực tế canh tác.
Tuy nhiên, theo ông Thắng: “Phần lớn tiềm năng dưới tán rừng vẫn đang bị lãng phí. Diện tích trồng dược liệu dưới tán rừng ước tính mới chiếm khoảng 10 - 15%, chủ yếu vẫn là các loài dược liệu truyền thống, chưa có sự chuyển đổi mạnh mẽ sang những giống cây có giá trị cao”.
Trên thực tế, hệ sinh thái rừng vốn cung cấp nhiều sản phẩm như măng, nấm, mật ong… nhưng hiệu quả kinh tế vẫn còn hạn chế. Khi tận dụng đất dưới tán rừng để trồng dược liệu, nếu áp dụng đúng kỹ thuật, không chỉ giúp bảo vệ và phát triển rừng bền vững mà còn tạo sinh kế tốt hơn cho bà con. Đó là lý do vì sao phát triển dược liệu dưới tán rừng đang được coi là một chủ trương lớn trong chiến lược kinh tế xanh gắn với rừng.
Chính sách đã có nhưng nguồn lực còn hạn chế
Những năm gần đây, Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khai thác tính đa dụng của rừng, phát triển sinh kế cho bà con và duy trì sự đa dạng sinh học. Cụ thể là ngay từ năm 2019, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3657/QĐ-BYT về danh mục 100 loài cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển trong giai đoạn 2020 - 2030. Chính vì vậy nhận thức về vai trò của rừng và giá trị kinh tế dưới tán rừng đã có chuyển biến tích cực.
Theo đó, nhiều nhiệm vụ, chính sách đã được xây dựng và triển khai nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng này. Đặc biệt, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cùng với các văn bản hướng dẫn từ Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã mở ra những định hướng quan trọng.
Các chính sách này không chỉ tập trung vào giải pháp kỹ thuật mà còn chú trọng đến hỗ trợ tài chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Diện tích trồng dược liệu dưới tán rừng ước tính mới chiếm 10 - 15%, chủ yếu vẫn là các loài dược liệu truyền thống. Ảnh: Duy Học.
Tuy nhiên, việc phát triển dược liệu dưới tán rừng vẫn còn không ít khó khăn, trở ngại. Một trong những thách thức lớn nhất là giao thông, hạ tầng tại các vùng rừng núi còn yếu kém. Dược liệu thường được trồng dưới tán rừng ở những vùng sâu, vùng xa, việc thu mua, vận chuyển rất tốn kém. Với những loài có giá trị không cao nhưng sản lượng lớn như bách bộ (chỉ khoảng 12.000 - 15.000 đồng/kg củ tươi), chi phí vận chuyển đã trở thành rào cản phát triển.
Thứ hai, phần lớn chủ rừng hiện nay là nông dân nghèo, việc đầu tư trồng các loài dược liệu có giá trị cao như các loài sâm là điều không dễ. Mặc dù có chính sách hỗ trợ, nhưng nguồn lực hiện tại vẫn rất hạn chế, chưa đủ để tạo cú hích mạnh mẽ.
Ngoài ra, kỹ thuật canh tác và quy trình trồng phù hợp cho từng loài dược liệu dưới tán rừng vẫn chưa được phổ cập sâu rộng. Nhiều loại dược liệu có giá trị cao nhưng chưa có giống được công nhận chính thức, khiến người dân khó tiếp cận và phát triển trên quy mô lớn.
“Từ giống, quy trình kỹ thuật trồng đến đầu ra sản phẩm - tất cả đang là những mắt xích chưa đồng bộ. Nếu không tháo gỡ, sẽ rất khó để phát triển ngành dược liệu dưới tán rừng một cách bền vững và hiệu quả”, ông Thắng nhấn mạnh.
Quy hoạch để hình thành vùng nguyên liệu
Cũng theo ông Thắng, cần xây dựng quy hoạch vùng sản xuất dược liệu một cách có chiến lược, tập trung vào từng loài chủ lực để phát triển theo hướng quy mô lớn và bền vững. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, có thể thực hiện theo lộ trình ưu tiên, dựa trên danh mục các loài cây dược liệu do Bộ Y tế ban hành. Với mỗi loại dược liệu, cần xác định rõ vùng lập địa phù hợp để tổ chức sản xuất đồng bộ, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, tạo nền tảng cho chế biến sâu và phát triển thị trường ổn định.

Hướng dẫn trồng cây bách bộ tại huyện Tiên Yên, Quảng Ninh. Ảnh: Duy Học.
Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo và xác định các giống dược liệu có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng. Trên cơ sở đó, đề xuất cơ quan quản lý công nhận giống và đưa vào sản xuất đại trà.
Đồng thời, cần xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật đồng bộ cho từng loài, từ khâu nhân giống, trồng, chăm sóc, khai thác đến sơ chế, chế biến nhằm đảm bảo chất lượng dược liệu, nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Ngoài ra, phải tháo gỡ về cơ chế chính sách, tăng cường nguồn lực cho các chủ rừng.
Một yếu tố then chốt góp phần thúc đẩy dược liệu dưới tán rừng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới là cần xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định. Việc đảm bảo khâu thu mua tại các vùng nguyên liệu không chỉ tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm mà còn giúp người dân yên tâm đầu tư, mở rộng canh tác dưới tán rừng một cách lâu dài và hiệu quả.
Từ kết quả khảo sát ông Thắng cho rằng, hiện nay phần lớn các nhà máy chế biến dược liệu tại các địa phương còn nhỏ lẻ, quy mô hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu chế biến sâu. Do đó, dược liệu chủ yếu vẫn phải xuất thô, dẫn đến giá trị thấp.
Ông Thắng dẫn chứng về cây bách bộ, chỉ cần sơ chế đơn giản như sấy khô, giá trị sản phẩm đã có thể tăng lên 1,5 lần. Nếu được đầu tư công nghệ hiện đại để sơ chế, bảo quản đúng quy chuẩn, giữ nguyên dược tính thì giá trị sẽ còn tăng cao hơn nữa.
“Vì vậy, cần ưu tiên xây dựng các nhà máy chế biến quy mô phù hợp tại các vùng nguyên liệu để đảm bảo chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn giúp đón đầu xu hướng chế biến sâu, nâng cao giá trị kinh tế và tạo sự đồng bộ trong toàn chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ”, ông Thắng nói thêm.
Ông Hoàng Văn Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) cho rằng: “Để bà con tiếp cận và áp dụng hiệu quả, cần tập trung vào hướng dẫn thực hành, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác tiên tiến phù hợp từng loài dược liệu, theo hình thức ‘cầm tay chỉ việc’. Đồng thời, việc cung cấp thông tin thị trường một cách kịp thời, chính xác, nhất là về cung cầu và giá cả sẽ giúp người dân tránh cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa, từ đó yên tâm đầu tư và mở rộng sản xuất”.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/de-duoc-lieu-duoi-tan-rung-cat-canh-d747197.html