| Hotline: 0983.970.780

Thứ bảy 19/04/2025 - 15:45

Điều tra theo thư bạn đọc

Đào đồi, dựng trạm sao chính quyền không biết?

Thứ Bảy 19/04/2025 - 15:42

Cả một vạt đồi bị đào xới, đất sét tinh tập kết số lượng lớn, thêm hai chiếc bồn xilo chôn ngầm để chứa quặng. Nhưng hỏi cán bộ xã, huyện Yên Lập đều không biết...

Đồi đất tan hoang, tài nguyên thất thoát

Trao đổi với phóng viên, anh L.H.H (xin được giấu tên người cung cấp), nhà ở khu 6, xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập cho biết: "Thời gian qua, trên địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản gồm: đất sét trắng, cao lanh, đá khiến cho đồi đất bị tan hoang. Hiện tại, khu vực nhà ông Lê Thế Trung, ở khu 6, cạnh Công ty chè Ngọc Đồng vẫn có tình trạng đào những hố lớn và đã chôn bồn xi-lo ngầm dưới đất.  Nhìn giống như chuẩn bị làm nhà máy. Có khá nhiều cột sắt, bê tông xếp ở đây, chờ dựng. Gần đó, cũng xây dựng một trạm biến áp. 

Hiện trạng khu vực đang thi công tại khu vực đất của ông Lê Thế Trung. Ảnh: Đức Hải.

Hiện trạng khu vực đang thi công tại khu vực đất của ông Lê Thế Trung. Ảnh: Đức Hải.

Một người hàng xóm của anh H đang ở đó, cung cấp thêm thông tin: "Thời gian trước, có nhiều xe đến chở quặng sét đi. Họ đào xúc khá nhiều tại đây. Giờ vẫn còn 1 chiếc máy xúc màu xanh hoạt động. Cứ "có động" thì họ lại "giấu" chiếc máy xúc phía sau nhà. Khi nào "an toàn" lại đánh ra xúc. Tàn phá mấy vạt đồi. 

Cũng theo người hàng xóm này chia sẻ, trước đó có nhóm người đi tình cờ gặp ông và hỏi đường, hỏi địa chỉ Công ty quốc tế Cửu Châu chỗ anh Trung ở đâu (?). Nhưng ông chỉ biết anh Trung nên chỉ đường vào đó. Còn Công ty Cửu Châu thì không biết, vì không thấy biển hiệu.   

Dàn máy móc xếp tại khu đất nhà ông Lê Thế Trung. Ảnh Đức Hải. 

Dàn máy móc xếp tại khu đất nhà ông Lê Thế Trung. Ảnh Đức Hải. 

Có mặt tại hiện trường khu 6, phóng viên quan sát thấy: cả khu đất rộng khoảng 5ha bị đào xới nham nhở.  Dấu vết của các quả đồi trước đây vẫn còn hiện hữu. Nhưng đã bị xúc, phá khá nhiều trên diện rộng.

Vẫn có một số bãi quặng lớn đánh đống để đây. Hai chiếc bồn xilo đã chôn ngầm xuống đất. Có khá nhiều cột sắt định hình, dàn tuyển, cột bê tông… xếp ngổn ngang dưới đất. Một trạm biến áp đã xây dựng xong. 

Hỏi một người công nhân đang hàn và làm móng nhà về tiến độ xây dựng “nhà máy” và người chủ khu đất. Người này cho biết: Khu này của nhà anh Trung, hiện “chủ nhà” đi vắng. Có gì cứ hỏi cho “ông chủ”. Sau đó người này có ý cấm phóng viên quay chụp ảnh... 

Một trạm biến áp cũng được dựng lên tại khu đất. Ảnh: Đức Hải. 

Một trạm biến áp cũng được dựng lên tại khu đất. Ảnh: Đức Hải. 

Tiếp tục đi quanh khu 6, phóng viên bắt gặp khá nhiều ao, hồ trong địa bàn quản lý của công ty chè Ngọc Đồng đã bị đào xới.

Quặng sét trắng được tập kết tại đây. Ảnh: Đức Hải. 

Quặng sét trắng được tập kết tại đây. Ảnh: Đức Hải. 

Cả xã và huyện chưa rõ "chủ đất" làm gì?

Mang những thắc mắc, bất thường của người dân, phóng đã đến UBND xã Ngọc Đồng để tìm hiểu. Liên hệ với ông Hà Thăng Long, Chủ tịch UBND xã. Sau khi nghe phóng viên đề xuất cung cấp thông tin về vụ việc tại khu đất rộng của gia đình ông Lê Thế Trung, khu 6 đã có những hoạt động như: tập kết một lượng lớn quặng trắng, cho đào 2 xilo bồn ngầm xuống đất, lắp dựng trạm biến áp công suất lớn,  và đang xây móng trên khu đất tại đây. Thì đây là dự án gì? Có xin phép hay không? Có được cấp nào  cho phép không? Và nguồn gốc số quặng đang tập kết từ đâu ra?

UBND xã Ngọc Đồng. Ảnh: Đức Hải.

UBND xã Ngọc Đồng. Ảnh: Đức Hải.

Trả lời phóng viên, ông Đinh Bảy và ông Hoàng Văn Chung, cả 2 phó chủ tịch UBND xã Ngọc Đồng cho biết: khu đất mà phóng viên phản ánh là đất của anh Lê Thế Trung mua lại của người dân địa phương được mấy năm nay. Giờ trao đổi với phóng viên, lãnh đạo xã mới biết. Giờ tiếp nhận thông tin, xã sẽ cử cán bộ địa chính đi kiểm tra. Sau đó, sẽ thông tin lại sau.

Chiếc máy xúc tại hiện trường. Ảnh Đức Hải. 

Chiếc máy xúc tại hiện trường. Ảnh Đức Hải. 

Sau một thời gian chờ đợi, phóng viên đã liên lạc lại với 2 vị lãnh đạo xã nói trên để tìm câu trả lời. Rất tiếc, không thấy lãnh đạo xã nghe máy.

Tiếp tục mang những thắc mắc của người dân lên UBND huyện Yên Lập. Phóng viên đã gặp ông Lê Quang, Chánh văn phòng UBND huyện Yên Lập. Sau đó ông Quang đã gọi cho lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và môi trường để giới thiệu sang làm việc. Qua hội thoại, người lãnh đạo phòng này lấy lý do đi cơ sở và không tiếp. Ông Quang tiếp thu ý kiến và nói sẽ xin ý kiến của lãnh đạo huyện rồi thông tin lại.  Và kể từ ngày đó đến nay, cũng không thấy lãnh đạo văn phòng huyện Yên Lập liên lạc lại nữa.

Những đồi chè trước đây, nay đã xúc vãn. Ảnh: Đức Hải. 

Những đồi chè trước đây, nay đã xúc vãn. Ảnh: Đức Hải. 

Mang mẫu quặng trắng lấy tại điểm mỏ về, phóng viên chuyển cho ông Nguyễn Văn Khang, một kỹ sư địa chất xem xét. Ông Khang cho biết: loại quặng này là đất sét trắng, rất cho giá trị cho sản xuất công nghiệp, đồ men sứ, gạch men…

Cũng theo ông Khang, 2 bể ngầm chôn dưới ngầm sau này có thể để chứa quặng và phục vụ cho quá trình lọc tinh.

Được biết, trước đó UBND tỉnh Phú Thọ cũng từng xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty Chè Ngọc Đồng (địa chỉ trụ sở chính: Khu 2, xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) với số tiền 300 triệu đồng do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: “Hủy hoại đất với diện tích đất bị hủy hoại từ 1 ha trở lên” quy định tại điểm đ, Khoản 1, Điều 15 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/dao-doi-dung-tram-sao-chinh-quyen-khong-biet-d747299.html