| Hotline: 0983.970.780

Thứ bảy 10/05/2025 - 17:01

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

Thứ Bảy 04/05/2024 - 18:00

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Tác giả Cù Mai Công.

Tác giả Cù Mai Công.

“Dân Ông Tạ” không được định danh trên bản đồ. “Dân Ông Tạ” cũng không được xác lập khu hành chính có ranh giới cụ thể. “Dân ông Tạ” được gọi theo ngã ba ông Tạ, lý do ngã ba Cách Mạng Tháng Tám - Phạm Văn Hai (trước năm 1975 là ngã ba Lê Văn Duyệt - Thoại Ngọc Hầu) có một tiệm thuốc bắc nổi tiếng của ông Thủ Tạ.

Với tư cách một người con của “Dân ông Tạ”, tác giả Cù Mai Công đã viết “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó” bằng tất cả sự yêu thương và trìu mến.

Sài Gòn từ thuở sơ khai vốn là vùng đất mà dân tứ xứ khắp nơi quy tụ về. Mỗi nhóm người đến đây lại đem theo văn hóa, giọng nói của họ và biến Sài Gòn thành một khu vườn muôn màu muôn vẻ. Riêng về cộng đồng người Bắc, chúng ta đều biết rằng có gần một triệu đồng bào đã vào Nam sau Hiệp định Genève 1954. Tuy nhiên, thông tin về cộng đồng này đến nay vẫn chưa ai có thể tập trung đầy đủ và rõ ràng để chúng ta có cái nhìn tổng quát, đặc biệt là về đời sống, văn hóa của những người Bắc 54 tại Sài Gòn.

May sao, trong số những người viết về Sài Gòn xưa, Cù Mai Công là một tác giả có sự say mê đặc biệt với vùng đất Ông Tạ, nơi những người Bắc 54 tập trung đông nhất và cũng đa dạng nhất so với các vùng khác.

Tác giả Cù Mai Công không những có “tuổi thơ dữ dội” ở đây mà còn sưu tầm và lưu giữ đầy đủ những tư liệu quý hiếm về vùng đất này. Và ông kể lại những câu chuyện về “dân Ông Tạ” một cách gần gũi và hấp dẫn.

Trong “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!”, tác giả Cù Mai Công thông qua nhiều tư liệu để phục dựng những ngày đầu tiên cộng đồng Bắc 54 đến Sài Gòn và quá trình hình thành nên các giáo xứ như thế nào. Thú vị hơn, khi đi sâu vào chi tiết, chúng ta nhận ra rằng cộng đồng Bắc 54 dù khi vào Sài Gòn với muôn vàn khó khăn nhưng họ định cư có tổ chức và “quy hoạch” hẳn hoi.

Cứ mỗi giáo xứ lại theo sự lãnh đạo của một vị linh mục và phân chia khu vực rất rõ ràng: giáo xứ An Lạc (Hà Nội), giáo xứ Nam Thái (Nam Định và Thái Bình), giáo xứ Lộc Hưng, Nghĩa Hòa, Tân Chí Linh... Không chỉ chặt chẽ về mặt tổ chức mà họ còn giữ gìn văn hóa, truyền thống, đạo đức cho con cháu rất kỹ. Đây là một điều đáng lưu ý cho thế hệ ngày nay.

Bộ sách góp phần định vị 'dân Ông Tạ' ở đô thị phương Nam.

Bộ sách góp phần định vị "dân Ông Tạ" ở đô thị phương Nam.

Trong tập một của “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó”, tác giả Cù Mai Công dành gần 50% thời lượng để xác định địa lý vùng Ông Tạ cho bạn đọc yêu Sài Gòn dễ hình dung, bởi lẽ “Ông Tạ” vốn là tên dân gian. Ông đã đưa ra các tiêu chí rất thuyết phục như xem dân đi chợ nào, học trường nào và đi lễ ở đâu… để xác định ranh giới của Ông Tạ tới đâu, hoặc định nghĩa thế nào là một “người Ông Tạ”.

Tác giả Cù Mai Công tỉ mỉ chắp nối những ký ức, để công chúng hiểu thêm về “Dân Ông Tạ”. Ví dụ, tác giả Cù Mai Công chỉ rõ trận đánh của nhà Nguyễn và quân Pháp tại đồn Chí Hòa, nơi mà gần 100 năm sau trở thành trung tâm vùng Ông Tạ. Ngoài ra, tác giả Cù Mai Công còn khắc họa rõ hơn về những cộng đồng có mặt tại khu vực này trước thời điểm 1954, để từ đó chúng ta hiểu được quá trình hòa nhập của những người di cư khi đến vùng đất mới.

Bất chấp sự khác biệt tôn giáo, vùng miền, chính trị..., những cộng đồng này có thể chung sống “hòa nhập mà không hòa tan”; có nền nếp gia phong nằm trong tình làng nghĩa xóm, tình đồng hương; có sự hòa nhập, cải biên nhưng cũng không làm mất đi nét riêng và phong vị của quê nhà. Và đến hôm nay, cộng đồng Bắc 54 đã trở thành một phần của vùng đất Sài Gòn - TP.HCM nói riêng và miền Nam nói chung.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tri-thuc-nong-dan/dan-ong-ta-cat-giu-mot-phan-ky-uc-do-thi-phuong-nam-d384998.html