Thứ ba 22/04/2025 - 11:09
Tái cơ cấu Nông nghiệp
Đắk Nông chuyển đổi cơ cấu cây trồng để chống hạn
Thứ Ba 22/04/2025 - 10:49
Trước tình trạng nắng hạn ngày càng gay gắt, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông chủ động định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
- Vĩnh Long chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng trên đất lúa
- Mường Khương chuyển đổi cơ cấu cây trồng để bứt phá
- Nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu
- Trung Quốc kêu gọi chuyển đổi cây trồng né hạn
Thay đổi để thích ứng
Những ngày tháng 4, thời tiết Tây Nguyên bước vào cao điểm nắng nóng, nhiệt độ tăng cao. Gia đình ông Phạm Dũng ở thôn Quảng Tiến, xã Nghĩa Thắng (huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) đang tất bật chuẩn bị hệ thống ống nước và máy móc để kịp thời bơm nước cho vườn cà phê nằm cách xa nguồn nước hơn 400m.
Theo ông Dũng, gia đình ông đang canh tác hơn 3ha cà phê. Trong đó, hơn 1,5ha đất nằm ở khu vực xa nguồn nước, thường xuyên thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Trước thực tế này, cách đây một năm, ông đã chủ động chuyển đổi hơn 1ha sang trồng điều và mắc ca - những cây trồng có khả năng chịu hạn tốt hơn. Diện tích còn lại do chưa có điều kiện chuyển đổi nên ông vẫn phải tiếp tục đầu tư công sức và thiết bị tưới.

Ông Phạm Dũng (thôn Quảng Tiến, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp) trao đổi với cán bộ khuyến nông về vườn cà phê của gia đình. Ảnh: Phạm Hoài.
“Thu hoạch xong năm nay, phần diện tích còn lại khoảng 5 sào tôi cũng sẽ chuyển sang trồng mắc ca. Bởi nguồn nước hiện quá xa, nếu tiếp tục giữ cà phê thì khó đảm bảo được năng suất và hiệu quả kinh tế”, ông Dũng chia sẻ.
Cách vườn ông Dũng chưa đầy 500m, gia đình bà Phạm Thị Huyên đang chuyên canh hơn 1ha điều - cây trồng thích nghi tốt với điều kiện khô hạn, không cần tưới thường xuyên, phù hợp với khu vực thiếu nguồn nước tưới.
Hiện vườn điều của bà đang trong giai đoạn thu hoạch, đạt năng suất trung bình khoảng 3 tấn/ha. Bà Huyên cho biết, nếu so sánh về giá, cây cà phê vẫn cho lợi nhuận cao hơn cây điều. Tuy nhiên, cây điều lại dễ chăm sóc, không đòi hỏi phải tưới thường xuyên như cà phê.
“Trước đây tôi canh tác 3ha cà phê. Sau này, do thiếu nước nên đã chuyển đổi 1ha sang trồng chuyên cây điều. Hiện giá điều chỉ khoảng hơn 30.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với cà phê nhưng với những khu vực khô hạn, không có nước tưới thì trồng điều vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây trồng cần nhiều nước”, bà Huyên cho hay.

Nhiều người dân chuyển đổi cà phê sang trồng mắc ca ở những khu vực thiếu nước tưới. Ảnh: Phạm Hoài.
Giải pháp quan trọng ứng phó biến đổi khí hậu
Không riêng huyện Đắk R’lấp, hiện nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng đang tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những khu vực thường xuyên thiếu nước tưới.
Tại huyện Krông Nô, nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng bởi tình trạng khô hạn, chính quyền địa phương đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi các cây trồng ngắn ngày cần nhiều nước sang những cây sử dụng ít nước, có thời gian sinh trưởng ngắn như bắp, đậu đỗ, khoai lang, bí đỏ...
Ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp người dân hạn chế thiệt hại trong mùa khô hạn mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, bà con đã biết tính toán thời vụ và nguồn nước, chủ động chăm sóc cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế.
Ông Ánh cũng cho hay, nông dân tại nhiều nơi trong huyện đang dần áp dụng các công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, vừa tăng hiệu quả sản xuất, vừa giảm thiểu rủi ro trong mùa khô hạn kéo dài.

Người dân ở huyện Krông Nô trồng bắp - cây ngắn ngày để tránh hạn ở những vùng thiếu nước tưới. Ảnh: Phạm Hoài.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có hơn 21.700ha cây lâu năm sản xuất ở những vùng không thích nghi được với điều kiện tự nhiên, khí hậu cần chuyển đổi gồm 17.623ha cà phê và hồ tiêu, 1.033ha điều, 3.019ha cao su...
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030, Đắk Nông sẽ tiến hành chuyển đổi trên diện tích hơn 8.500ha cây trồng. Trong đó chuyển đổi 6.252ha cà phê, 950ha hồ tiêu, 291ha điều và 1.041ha cao su trồng tại các vùng kém hiệu quả, không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước tưới sang các loại cây ăn trái khác, số diện tích còn lại sẽ tiến hành chuyển đổi giai đoạn sau năm 2030.
Việc chuyển đổi cây trồng được xem là một trong những giải pháp quan trọng để sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Để việc chuyển đổi mang lại hiệu quả, ngành nông nghiệp Đắk Nông sẽ đồng hành với người dân để thực hiện một cách bài bản, khoa học, tuân thủ quy hoạch, không mang tính tự phát.
Đắk Nông đang hướng đến mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao, chuỗi giá trị gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu. Toàn tỉnh đang hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với thị trường trong nước, xuất khẩu, thích ứng với thời tiết, khí hậu...
Về cơ cấu cây trồng, tỉnh cũng đã chuyển dịch một số cây trồng có nhu cầu cao về nước tưới sang những cây trồng cần ít nước hơn, nhất là đối với những vùng khô hạn. Cùng với đó, Đắk Nông cũng khuyến khích nông dân áp dụng các biện pháp canh tác tiết kiệm nước…
Đắk Nông có diện tích tự nhiên 650.927ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 378.286ha, chiếm trên 58%, quy mô sản xuất nông nghiệp ngày càng mở rộng. Tổng diện tích gieo trồng nông nghiệp hiện đạt trên 309.397ha, tăng gấp 2 lần so với 20 năm trước. Nông nghiệp thể hiện rõ là một trong 3 trụ cột kinh tế của địa phương.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/dak-nong-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-de-chong-han-d748259.html