Thứ tư 28/05/2025 - 22:09
Thú chơi
Cưỡi trâu thỏa chí mục đồng
Thứ Hai 26/05/2025 - 17:34
Có trâu thì phải biết cưỡi trâu. Lúc lắc, vắt vẻo trên lưng nó nghĩ cũng sướng, thỏa chí mục đồng.

Mục đồng trên lưng trâu. Ảnh: Chính Phong.
Nông thôn ngày nay được cơ giới hóa, hình tượng “con trâu đi trước, cái cày đi sau” đã lùi vào dĩ vãng. Cho nên kể về trâu chỉ còn là câu chuyện của quá khứ (có lẽ cũng lạc hậu). Nhưng dẫu sao trâu là một biểu tượng về tính cần cù và bền bỉ mà không phải con vật nào cũng có được. Vậy là mạn phép bàn một chút về chuyện cưỡi trâu - giả mục đồng. Mong rằng, nói theo cụ Nguyễn Du: “Mua vui cũng được một vài trống canh”.
Trâu dễ thương. Nhìn cái mũi hỉnh và cặp mắt to là biết rồi. Ít khi nó “quậy quạng”, trừ vào mùa đi tìm bạn tình (trâu đực nổi cổ hay chém lộn để giành cái), hay là mấy buổi sáng thời tiết mát mẻ khiến lão ngưu sung sức nên phát lên chạy lung tung một hồi rồi mới chịu dừng lại, còn nhất nhất thì nó hiền khô. Trâu mà được nuôi từ nhỏ và dạy dỗ đường hoàng thì khôn không thua kém gì mấy con thú cưng (còn nhớ, cậu tôi có một con trâu không bao giờ ăn lúa, mỗi khi tới gần chỉ cần nạt một tiếng là bỏ đi ngay).
Có trâu thì phải biết cưỡi trâu. Lúc lắc, vắt vẻo trên lưng nó nghĩ cũng sướng. Có bữa còn nằm dài ra luôn, tay chống cằm, chân bắt chéo ra chiều cũng thảnh thơi lắm (đó là trường hợp nó không chồm xuống mương ăn cỏ, bởi nằm trong trường hợp này dễ bị tuột, phải là người kinh nghiệm mới giữ được thăng bằng). Cưỡi trâu thì ngồi xích về phía trước một chút, chọn ở sau là cái đuôi của nó quật trúng hông đau lắm (dù chỉ quật để đuổi ruồi muỗi thôi). Cưỡi quen thành chán, có bữa còn đứng luôn lên lưng trâu thử cảm giác xem sao, để khi mất thăng bằng, mình mẩy cứ lắc lư, hay là phóng mình xuống đất mà té đùi đụi.
Cưỡi trâu phải tập. Tập có hai việc. Thứ nhất là cho mình biết cưỡi trâu, thứ hai để con trâu quen với cái việc bị cưỡi mà không giật mình (trước đây ba tôi đã từng hùn với một chủ có con trâu không thể cưỡi được, ngồi lên lưng là nó phóng như bò tót, chắc hồi nhỏ không tập vậy).
Có nhiều kiểu leo lên lưng trâu để cưỡi. Ai quen kiểu nào thì sử dụng kiểu nấy vậy. Phổ biến là bốn cách.
Thứ nhất là kêu nó quỳ xuống rồi trèo lên đầu. Trường hợp này, con trâu đã được dạy từ nhỏ và chỉ phục tùng chủ (cưỡi mà leo lên đầu thì còn gì oai bằng). Trâu khôn như vậy thì cái chuyện không ăn lúa như nói ở trên là bình thường. Trâu có con cũng thông minh lắm. Một lần con trâu hùn với trâu nhà tôi đi trục bị lún xuống lỗ bom, vậy là lần sau đến đó nó kéo con trâu của tôi một mạch vô bờ (chỗ cạn hơn) chớ dứt khoát không chịu bước xuống chỗ lún lần nào nữa. Vậy là khôn quá rồi còn gì!
Thứ hai là thót lên từ bên hông lên lưng trâu. Kiểu này là khi lớn rồi, cơ thể đủ cao để nhảy lên lưng trâu mà không bị tuột xuống. Phần xương sống của trâu trên hai chân trước nhô cao nên khi bên hông tót lên thì cứ bám vào đó rồi quăng chân qua lưng là cưỡi được liền. Kể cũng dễ chớ không khó gì. Có cái kinh nghiệm là trường hợp còn nhỏ chưa thót lên được thì lùa nó lại gần một gốc cây nào đó, kêu dừng lại, rồi leo lên gốc này mà tọt lên lên lưng trâu, vậy thôi.
Thứ ba, cũng là cách lên lưng trâu từ bên hông nhưng không phải tót lên mà là leo. Chỗ chân trước con trâu giáp với bụng có một cạnh xương, chỉ việc đặt chân lên đây làm điểm tựa, còn hai tay bám xương sống trâu là có thể quăng chân lên được (nhưng cách này chỉ làm với trâu nhà, còn trâu lạ không nên vì nó có thể quật sừng ngược lại nguy hiểm lắm).
Cách thứ tư xem ra là dễ và an toàn nhất. Chỗ khớp chân sau của con trâu hơi cong nên làm thành một cạnh xương lòi ra, chỉ việc đặt một chân lên đó làm điểm tựa, còn lại thì nắm đuôi trâu mà dùng sức leo lên. Cách này dễ mà không sợ bị quật lại nên có thể sử dụng với bất kể trâu quen hay lạ.
Trâu mà lội qua sông thì bụng phình to ra (chắc cho khỏi chìm) nên ngồi trên lưng hay là lội cùng nó cũng thú vị lắm. Khỏe thì lội song song, còn mệt thì cứ nắm đuôi, hay là ngồi trên vai mà nghe nó thở phì phò bắn nước.
Cưỡi trâu thì tránh mặc tà lỏn, nhất là vào mùa mưa. Ống chân và bắp đùi ma sát với da trâu rồi bị các ký sinh trên mặt da này bám vào nên gây mẩn ngứa (còn gọi là nổi rôm). Ít thì ngứa gảy, còn nhiều thì qua đêm thức dậy là “cứng” cả đùi trong và bắp chân, cũng khó chịu lắm.

Cùng trâu qua sông. Ảnh: Hà Nguyễn.
Buổi chiều, trâu ăn no là tự động về. Cho nên, mỗi bận như vậy, chỉ cần nắm dây mũi giật nhẹ để báo hiệu hết giờ ăn cỏ là được. Chờ nó quay đầu xong là hai chân thúc vào bên hông rồi cứ vậy mà trở về.
"Nuôi trâu cực như trâu", ba tôi thường nói vậy, bởi phải dậy sớm, chịu đựng muỗi mòng, nắng mưa đủ kiểu. Tuy vậy, hồi xưa, thấy những luống cày thẳng tắp nhờ vào cái cần mẫn của con vật bốn chân to lớn này mới thương làm sao. Có câu “cuốc bẫm, cày sâu”, nếu không có trâu thì ngày đó ruộng đồng đâu được xanh tốt và người dân đâu được no ấm. Bởi mới nói con trâu là đầu cơ nghiệp vậy. Nghĩ lại thấy thương nó nhiều. Thương cả cái lúc còn nhỏ, trật vuột lắm mới leo lên được lưng trâu để cưỡi cho thỏa chí mục đồng
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/cuoi-trau-thoa-chi-muc-dong-d755068.html