| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 29/05/2025 - 16:48

Môi trường

Cuộc ‘vặn mình’ bên bờ kênh Đôi: [Bài 4] Đợi khoác áo mới

Thứ Hai 26/05/2025 - 15:54

Chính quyền cũng như người dân quận 8 đều ước vọng kênh Đôi sớm hồi sinh, khoác tấm áo mới, góp phần phát triển đô thị, thu hút du lịch.

Quyết tâm cải thiện môi trường

Sau 50 năm thống nhất đất nước, người dân và các thế hệ lãnh đạo TP.HCM đã chứng kiến không ít sự “thay da đổi thịt” rất ngoạn mục từ những dòng kênh “chết” như: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hũ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm… Kênh Đôi cũng đang mong chờ ngày được "hồi sinh" như vậy.

Trong chuyến khảo sát thực địa “Đề án chỉnh trang đô thị khu vực nhà ven kênh rạch ở quận 8” vào giữa tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND TP.HCM nhận xét: “Việc di dời nhà ven và trên kênh rạch có vai trò rất quan trọng trong chỉnh trang đô thị, vừa cải thiện tạo cảnh quan môi trường, đặc biệt là tạo chỗ ở ổn định cho người dân, nhất là những hộ còn khó khăn. Các sở, ngành liên quan tham mưu, huy động nhiều nguồn lực để tập trung thực hiện dự án này thành công. Dự án không chỉ góp phần cải thiện cảnh quan đô thị, thúc đẩy kinh tế thành phố mà còn giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, nhất là những hộ đang gặp khó khăn”.

Bên cạnh đó, ông Võ Thành Khả - Chủ tịch UBND quận 8 thông tin, số lượng nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn quận chưa di dời chiếm tỉ lệ khoảng 38% trên toàn thành phố. Quận 8 có gần 15.000 căn nhà trên 28 tuyến kênh, rạch với tổng chiều dài 54 km. Theo đề án, sẽ di dời các hộ dân, trong đó có 9.440 căn nằm hoàn toàn trên đất liền ven rạch, 3.473 căn nhà một phần trên rạch, 1.589 căn nhà hoàn toàn trên rạch, 448 căn hộ thuộc chung cư cũ Phạm Thế Hiển.

Ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND TP.HCM (giữa) trong chuyến khảo sát thực địa 'Đề án chỉnh trang đô thị khu vực nhà ven kênh rạch ở quận 8' vào giữa tháng 4 vừa qua. Ảnh: Nhật Thành.

Ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND TP.HCM (giữa) trong chuyến khảo sát thực địa “Đề án chỉnh trang đô thị khu vực nhà ven kênh rạch ở quận 8” vào giữa tháng 4 vừa qua. Ảnh: Nhật Thành.

Thành phố sẽ sử dụng vốn ngân sách khoảng 105.179 tỉ đồng để lập các dự án, trong đó triển khai 2 dự án nhà ở xã hội và 7 dự án nhà tái định cư. Bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư cho 14.950 hộ dân với tổng kinh phí khoảng 70.170 tỉ đồng. Thành phố cũng dự kiến khoảng 11.471 căn hộ để phục vụ nhu cầu tái định cư cho người dân.

Gắn kết an sinh xã hội

Trao đổi với phóng viên về việc di dời và cải tạo kênh Đôi, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM nhận định: “Định hướng phát triển đô thị tương lai dọc theo các trục sông và hệ thống kênh rạch trên địa bàn là một định hướng rất khoa học và hợp lý. Từ đó, sẽ hình thành một thành phố xanh, hiện đại theo các dòng kênh nội đô, có hệ sinh thái mở, gắn bó mật thiết đến môi trường sống. Nhưng quan trọng là khi thực hiện cần phải gắn kết đến an sinh xã hội của người dân nằm trong đề án. Họ là người phải di dời nên họ phải là người được thụ hưởng thành quả đầu tiên khi kế hoạch bắt đầu được thực hiện và hoàn thành”.

Người dân kênh Đôi cần công ăn việc làm nơi ở mới, bởi vốn dĩ họ chịu thiệt thòi trong việc giải tỏa di dời. Ảnh: Đình Du.

Người dân kênh Đôi cần công ăn việc làm nơi ở mới, bởi vốn dĩ họ chịu thiệt thòi trong việc giải tỏa di dời. Ảnh: Đình Du.

Cũng theo người đứng đầu Hội Kiến trúc sư TP.HCM, thành phố cũng cần có phương án phát triển kinh tế dọc theo hai bờ kênh Đôi sau khi hoàn thành cải tạo. Ngoài việc trả lại màu xanh cho dòng kênh, tạo cảnh quan, mảng xanh hai bên bờ con kênh, thành phố cũng cần đầu tư hạ tầng đi kèm để đáp ứng nhu cầu sinh kế và hưởng thụ ngày càng cao cho người dân.

"Ngoài ra, thành phố cần tạo những điểm nhấn về văn hóa để thu hút khách du lịch; tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân, bởi vốn dĩ họ đã chịu thiệt thòi trong việc giải tỏa, di dời. Những việc này thành phố cần quy hoạch, xúc tiến ngay từ bây giờ", ông Lưu đề xuất.

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM. Ảnh: Đình Du.

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM. Ảnh: Đình Du.

Bên cạnh đó, theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, thành phố cần bố trí vốn, nhân lực cho việc đào tạo nghề, kỹ năng, định hướng việc làm, nghề nghiệp cho người dân bị ảnh hưởng trong vùng của đề án để họ khỏi bỡ ngỡ, có sự chuẩn bị về việc làm, mưu sinh cho tương lai sau khi đề án hoàn thành. Thêm vào đó, cần chuẩn bị một nguồn vốn để người dân có thể vay ưu đãi. Người dân kênh Đôi đang cần lắm những dự án an sinh xã hội, để họ thấy bản thân như người trong cuộc, tự nguyện và tự hào tham gia phát triển dòng kênh Đôi từ quá khứ cho đến tương lai.

Tăng cường mảng xanh

Để người dân kênh Đôi có thể thụ hưởng tốt thành quả phát triển đô thị trong tương lai, Tiến sĩ khoa học Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ: “Khi cải tạo kênh Đôi rất cần kết hợp phát triển không gian xanh. Hiện nay không gian xanh của thành phố chỉ đạt khoảng 0,5 m2/người và quỹ đất hai bên kênh Đôi rất phù hợp vì hành lang kênh sẽ được xanh hóa, được tăng diện tích không gian xanh.

Nếu thực hiện thành công thì kênh Đôi sau khi cải tạo sẽ được khoác nên bộ “cánh mới”, giảm được khói bụi, không khí trong lành, giảm ngập nước đô thị. Ngoài ra, việc cải tạo còn giúp phát triển địa ốc hai bên bờ kênh Đôi cũng như các khu vực lân cận, chắc chắn giá trị và chất lượng sống người dân ngày càng gia tăng. Vì vậy, khi chỉnh trang, thành phố cần xem xét quy hoạch quỹ đất tiềm năng gần kênh Đôi để mang lại nguồn thu, bù lại kinh phí bỏ ra chỉnh trang kênh cũng như công tác đền bù”.  

Tiến sĩ khoa học Ngô Viết Nam Sơn. Ảnh: Lê Minh.

Tiến sĩ khoa học Ngô Viết Nam Sơn. Ảnh: Lê Minh.

Kênh Đôi trong tương lai cần hướng đến du lịch, bến thuyền đặt ở điểm đầu và cuối kênh. Chính quyền hướng cho người dân sống hai bên kênh phát triển ngành du lịch, bởi khách du lịch nước ngoài rất thú vị khi đến với không gian sống bình yên sông nước, êm đềm và hữu tình.

“Thành phố văn minh không chỉ sạch đẹp, mà còn chạm đến sự bình yên về tinh thần của dân. Vì vậy, cải tạo đô thị không thể tách rời cả về môi trường lẫn bên trong tâm khảm của dân”, Tiến sĩ khoa học Ngô Viết Nam Sơn nói.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/cuoc-van-minh-ben-bo-kenh-doi-bai-4-doi-khoac-ao-moi-d754367.html