| Hotline: 0983.970.780

Chủ nhật 25/05/2025 - 11:06

Môi trường

Cuộc ‘vặn mình’ bên bờ kênh Đôi: [Bài 3] Đón đợi bình minh

Chủ Nhật 25/05/2025 - 10:46

Không chỉ băn khoăn về ngày ra đi khỏi chốn ngụ cư, người dân sinh sống bên bờ kênh Đôi phập phồng, ước vọng về một tương lai bừng sáng.

Còn bao vương vấn

Trước các quyết sách của chính quyền để lấy lại sự trong xanh cho kênh Đôi, người dân đồng tình “hi sinh” chốn "chui ra chui vào", kỳ vọng kênh Đôi sớm thay “áo mới”, cuộc đời họ cũng sớm… sang trang.

Người dân sống ven đôi bờ hi vọng kênh Đôi sớm 'khoác áo mới'. Ảnh: Đình Du.

Người dân sống ven đôi bờ hi vọng kênh Đôi sớm "khoác áo mới". Ảnh: Đình Du.

Họ đặt ra kế hoạch cho cuộc sống mới. Họ “ra đi”, gửi gắm sự kỳ vọng về tương lai rạng rỡ cho con cháu sau này. Tuy nhiên, cũng không ít người tâm tư, băn khoăn trước viễn cảnh thực tại và tương lai. Bởi đa phần cư dân sinh sống ở kênh Đôi là lao động với thu nhập thấp. 

Tại tiệm tạp hóa kiêm quán cà phê trên đường Nguyễn Duy (phường Hưng Phú, quận 8), câu chuyện thời sự bên ly cà phê của nhiều người tại đây cứ quanh đi quẩn lại vẫn là câu chuyện di dời cùng với viễn cảnh về cuộc sống sắp tới.

Anh Hải (45 tuổi) xởi lởi kể: “Căn nhà tôi rộng hơn 70m2, được đền bù khoảng trên 5 tỉ, cũng đang mong ngóng chờ đến ngày dọn đi. Vì dọn đúng thời hạn sẽ được thêm tiền hỗ trợ di dời. Căn nhà hàng xóm kế bên rộng hơn 30 m2, nghe nói được hỗ trợ 3 tỉ đồng. Họ đã mua miếng đất ở ở Bình Chánh, đang trong quá trình dọn đi”.

Người dân kênh Đôi mong được tái định cư tại chỗ, bởi họ bịn rịn không muốn rời nơi 'chôn nhau cắt rốn'. Ảnh: Lê Minh.

Người dân kênh Đôi mong được tái định cư tại chỗ, bởi họ bịn rịn không muốn rời nơi "chôn nhau cắt rốn". Ảnh: Lê Minh.

Tham gia vào bàn tròn cà phê, phần lớn người dân ở đây đều mong được tái định cư tại chỗ, vì họ đều là người “cựu trào” sinh ra và lớn lên ven kênh Đôi nhiều thập kỷ.

Họ sống đã quen “tối lửa tắt đèn”, quen bén tiếng cười nói với nhau. Khi đi chỗ khác, họ bịn rịn như không muốn chia lìa nơi mình đã "chôn nhau cắt rốn". Hơn nữa, đây cũng là chỗ họ đã dựa vào để mưu sinh bao năm mưa nắng dãi dầu. Nơi ở mới - họ vẫn chưa hình dung ra, bởi phần lớn đều lo lắng vì chưa thể biết bản thân sống thế nào, “mần”…công việc gì làm kế sinh nhai.

Tình làng nghĩa xóm

Như anh Hải, dù cả đời sống trên sình bùn hôi thối, nhưng đã quen... mùi rồi. Anh buôn bán ở đây từ sáng sớm đến 8 giờ tối cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng để nuôi sống bản thân và người cô ruột già yếu. Anh Hải vẫn chưa nghĩ được bản thân mưu sinh nghề gì hợp lý để nuôi sống gia đình.

Câu chuyện của người dân kênh Đôi phần lớn xoay quanh việc di dời, mưu sinh nghề gì thời gian tới. Ảnh: Đình Du.

Câu chuyện của người dân kênh Đôi phần lớn xoay quanh việc di dời, mưu sinh nghề gì thời gian tới. Ảnh: Đình Du.

Còn chị Út Lành (58 tuổi) đường Nguyễn Duy, quận 8 lời rằng, bà con vốn đã thắm đượm “tình làng nghĩa xóm” với nhau, chị không khỏi bùi ngùi khi nghĩ đến cái cảnh mình sẽ ra đi khỏi nơi mình đã lớn lên. Sắp tới đến một nơi lạ hoắc, chị khó kiếm lại được cái cảnh mỗi buổi tối cùng bà con hàng xóm ngồi "tám" với nhau đủ thứ chuyện trên đời trong cái tuổi sắp xế chiều.

Đa số người dân kênh Đôi hoan hỉ, vừa lòng mức bồi thường di dời theo chủ trương của Nhà nước. Chỉ có những gia đình có nhiều thế hệ chung sống với nhân khẩu lên đến cả chục người trong một nhà là còn tâm tư. Vì với vài ba tỉ đồng “chia năm xẻ bảy” thì mỗi người khó có thể tìm được chốn an cư giữa một TP.HCM vốn dĩ đắt đỏ. Trong khi nhà thương mại bán với giá trên trời, nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp lại quá khan hiếm. 

Bên chiếc xe đẩy bán trái cây dạo trước nhà số 287 Nguyễn Duy, phường Hưng Phú, quận 8, dì Năm Anh (71 tuổi) sống đời ở kiếp bên kênh Đôi tâm tình: “Dân cư ở đây tuy là dân tứ xứ gom lại, nhưng cái tình chòm xóm với nhau lại nồng đượm dữ lắm. Có giai đoạn thiên hạ rỉ tai đất quận 8 dữ dằn, nhưng với dân kênh Đôi sống rất nặng chữ tình, cuộc sống gần như yên ả”.

Cơm tối vừa xong, người dân sinh sống ven kênh Đôi ngồi trước nhà hóng mát, tâm tình chuyện dời chốn ngụ cư. Ảnh: Đình Du.

Cơm tối vừa xong, người dân sinh sống ven kênh Đôi ngồi trước nhà hóng mát, tâm tình chuyện dời chốn ngụ cư. Ảnh: Đình Du.

Theo ghi nhận của phóng viên, sau bữa cơm tối, người dân mang ghế ra đường hóng gió, uống trà, đánh cờ và tán gẫu. Khoảng 20h30 tối là nhà ven đôi bờ kênh Đôi bắt đầu “then cài cửa chốt”, chỉ còn tiếng xe, người qua đường cho đến sáng hôm sau. Một thời cũng có “tiếng dữ” của dân khu cầu Chánh Hưng cạnh kênh Đôi, nhưng giờ đây đã vắng bóng các tệ nạn xã hội. 

Câu chuyện về chòm xóm của dì Năm Anh như được “châm thêm” khi một cô hàng xóm băng qua, sà đến cho hai cái bánh ít lá gai…ăn cho vui. Thấy khách đăm chiêu bởi lạ, dì Năm Anh tiếp tục khoe: “Cứ đến cuối tháng là vài ba nhà khá giả hùn tiền nấu cháo sườn, hủ tiếu, bún bò, phở... phát cho bà con. Một kiểu chòm xóm mời nhau ăn lấy thảo, như một mối dây bện thêm sự khắng khít cái tình làng nghĩa xóm ở kênh Đôi này. Cũng là một kiểu làm từ thiện không ồn ào, cũng chẳng cần đền đáp lại”.

Cần điểm tựa ban đầu

Người dân kênh Đôi băn khoăn, bồi hồi về ngày ra đi không xa nữa, có lẽ là mãi mãi. Họ phập phồng đón chờ, ước vọng về một tương lai bừng sáng hơn, không phải cho mình mà cho thế hệ con cháu sau này. Họ ước vọng các hẻm xóm tù mù, ọp ẹp… sẽ “khoác áo mới” bằng những mảng xanh bên dòng kênh Đôi trong sạch. Bên cạnh đó, những ngôi trường sạch đẹp khang trang, những “nhà thương”…đi cùng với những chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho dân nghèo.

Những căn nhà di dời sớm được hỗ trợ thêm kinh phí. Ảnh: Đình Du.

Những căn nhà di dời sớm được hỗ trợ thêm kinh phí. Ảnh: Đình Du.

Sắp tới, họ sẽ trở thành một ngàn câu chuyện để kể về quá khứ ở kênh Đôi với những mảnh đời bươn chải, đạp chòi mưu sinh. Họ đã hình thành một cái đế, cái nền cho sự hồi sinh tốt đẹp cho con cháu.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Giang Thiên Vũ - Giảng viên Khoa Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm TP.HCM chia sẻ: “Người dân kênh Đôi cần được hỗ trợ thích nghi về tâm lý xã hội. Bởi khi chuyển đổi không gian sống, nơi mà con người đã gắn bó, định cư và kiến tạo bản sắc cá nhân qua nhiều thế hệ, họ không chỉ thay đổi địa lý cư trú, mà còn tác động đến hệ sinh thái tâm lý xã hội nơi ở mới. Từ góc nhìn tâm lý học cộng đồng, việc di dời cư dân luôn tiềm ẩn nhiều phản ứng tâm lý phức hợp”.

Khoảng 20h30 tối là người dân sống ven kênh Đôi đã 'then cài chốt cửa'. Ảnh: Đình Du.

Khoảng 20h30 tối là người dân sống ven kênh Đôi đã "then cài chốt cửa". Ảnh: Đình Du.

Cũng theo Tiến sĩ Vũ, người dân có thể trải qua cảm xúc như: Tiếc nuối, lo lắng và cả sự bấp bênh về cảm giác an toàn trong tương lai. Những người lớn tuổi thường nhạy cảm với thay đổi, còn trẻ em dễ bị xáo trộn cảm xúc. Còn nhóm lao động phổ thông thì lo lắng về khả năng thích ứng sinh kế, kết nối lại các mối quan hệ xã hội quen thuộc. Vì vậy, việc di dời cần hỗ trợ chuyển tiếp toàn diện như: Truyền thông rõ ràng, minh bạch và nhân văn để người dân không cảm thấy bị “di dời”, mà đang cùng thành phố kiến tạo cuộc sống mới.

Cư dân sống ven kênh Đôi phần lớn là người nghèo, sau khi di dời, họ mong nhà nước giới thiệu việc làm, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để chăm lo cuộc sống mới.  

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/cuoc-van-minh-ben-bo-kenh-doi-bai-3-don-doi-binh-minh-d754362.html