Thứ sáu 23/05/2025 - 16:11
Môi trường
Cuộc ‘vặn mình’ bên bờ kênh Đôi: [Bài 1] Dòng kênh chiến lược
Thứ Sáu 23/05/2025 - 15:24
Nhiều thập kỷ qua, kênh Đôi cưu mang bao thân phận xứ ‘trên bến dưới thuyền’. Hai bên đôi bờ hình thành vùng đất ‘mở’, che chở những cuộc đời trôi...
- Vụ hỏa hoạn tại TP. HCM: Quận 8 có 10.000 nhà ven kênh rạch, hầu hết tạm bợ
- TP.HCM: Cận cảnh dòng kênh “đổi màu” và ngập rác
- Hãi hùng heo chết bị vứt tràn lan dưới kênh ở TPHCM
- TP.HCM: Thí điểm thiết bị mới vớt rác trên kênh rạch
LTS: Kênh Đôi được Pháp đào từ năm 1910 đến 1919 thuộc địa phận quận 8, TP.HCM dài 8,5 km, tàu thuyền tải trọng lớn có thể thông thương qua lại. TP.HCM đã và đang tiến hành thu hồi đất và giải tỏa hàng ngàn hộ dân để triển khai “Đề án chỉnh trang đô thị khu vực nhà ven kênh rạch ở quận 8”. Đây là cơ hội để người dân thay đổi cuộc sống mới. Bên cạnh sự háo hức đợi di dời, cũng không ít người lo lắng. Cuộc sống của họ về nơi ở mới tốt hơn hay trầm lắng là phụ thuộc vào các quyết sách của chính quyền. Những ước vọng về kênh Đôi “thay áo mới” sẽ được truyền tải qua tuyến bài này.
Xóm nhà “cao cẳng”
Trong cuốn “Sài Gòn năm xưa”, tác giả Vương Hồng Sển mô tả kênh Đôi nằm song song với kênh Tàu Hũ, là thủy lộ quan trọng của vùng Sài Gòn - Chợ Lớn từ nửa cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Tuyến đường sông này giúp vận chuyển lúa gạo, nông sản từ miền Tây Nam bộ lên Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ đó phân phối khắp cả nước và xuất khẩu nước ngoài. Kinh tế dần phát triển, cư dân hai bờ kênh Đôi quần tụ thành những xóm ấp ven đôi bờ và các vùng lân cận như: xóm Củi, rạch Ông Nhỏ, rạch Ông Lớn đến cầu kênh Xáng...

Dọc đôi bờ kênh Đôi là những dãy nhà "cao cẳng" lụp xụp. Ảnh: Đình Du.
Vùng đất Sài Gòn bắt đầu xáo trộn kể từ Thế chiến thứ hai và các chiến cuộc trong nước sau đó. Khoảng đầu thế kỷ 20, chính quyền khi ấy không còn đủ nguồn lực tiếp tục xây dựng, quản lý đô thị, trong khi dân các tỉnh thành trong nước chạy nạn chiến sự khắp nơi đổ dồn về. Những xóm “ổ chuột”, nhà “cao cẳng”… lấn kênh ngày càng lan rộng. Trước đó, người Pháp từng chuẩn bị tương lai Sài Gòn - Chợ Lớn với quy mô khoảng một triệu dân, nhưng do ảnh hưởng chiến tranh, nhiều dự án phát triển, chỉnh trang kênh, rạch ở Sài Gòn bị chững lại.

Người dân dựng nhà ven kênh Đôi phần lớn là lao động thu nhập thấp. Ảnh: Đình Du.
Sau này chính quyền Sài Gòn tiếp tục có các dự án chỉnh trang đô thị. Các kiến trúc sư, kỹ sư bấy giờ như: Lê Văn Lắm, Ngô Viết Thụ, Trần Lê Quang... sau khi khảo sát hệ thống kênh rạch Sài Gòn, đề nghị chính quyền phát triển theo hướng Tây bắc và Đông bắc, còn các vùng trũng như: Quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh đề xuất được bảo tồn tự nhiên, giảm thiểu xây dựng, là nơi thoát nước cho thành phố mỗi khi mùa mưa đến. Tuy nhiên, chiến tranh tiếp tục khiến các dự án cải tạo ven sông bị đình trệ.
Điểm tựa…“cuộc đời trôi”
Năm 1965, tình hình chiến sự lại leo thang khiến việc mở mang hệ thống thoát nước ở Sài Gòn khó khăn. Kênh rạch bị ảnh hưởng nặng do dân tứ xứ chạy về. Dọc hầu hết các bờ kênh nói chung, kênh Đôi nói riêng...“mọc” lên càng nhiều nhà “cao cẳng”. Theo đó là rác thải, chất thải xả thẳng xuống các dòng kênh. Kênh rạch ở Sài Gòn ô nhiễm, nhưng các tuyến đường sông vẫn giữ vai trò quan trọng. Riêng việc vận chuyển lúa gạo miền Tây về Sài Gòn phần lớn nhờ các tuyến thủy lộ.

Ủng hộ quyết sách của chính quyền, người dân nhường nơi ở để chỉnh trang đô thị. Ảnh: Đình Du.
Đây cũng là thời kỳ xâm chiếm kênh rạch có quy mô lớn nhất thời bấy giờ. Dân số TP.HCM năm 1975 có khoảng 3,5 triệu người. Chính quyền lên kế hoạch giảm dân số bằng các chương trình hồi hương, đi kinh tế mới. Nhưng chỉ được một thời gian thì “vỡ trận”. Bởi những dòng người nườm nượp quay ngược lại thành phố sau đó. Ngoài những người có nhà, số còn lại sinh sống ở các khu “ổ chuột” và lấn chiếm đôi bờ kênh rạch để dựng nhà “cao cẳng” bằng những miếng gỗ ván, tấm tôn, mảnh bạt che chắn tạm bợ.

Căn nhà "cao cẳng" nằm hoàn toàn trên mặt kênh Đôi sau khi được tháo dỡ. Ảnh: Đình Du.
Cuộc lấn chiếm quy mô lớn trên kênh rạch TP.HCM lần thứ hai bắt đầu từ giai đoạn này. Nếu như trước năm 1975, người dân các tỉnh, thành ồ ạt về Sài Gòn lánh chiến sự thì cuộc lấn chiếm kênh rạch lần hai này chủ yếu họ tìm chỗ che nắng, che mưa và miếng cơm manh áo. Đây cũng là thời kỳ mà hầu như tất cả các kênh rạch lớn nhỏ ở thành phố bị người dân lấn chiếm để ngụ cư. Họ sinh nhai bằng tất cả mọi phương tiện và phương kế.
Vương vấn ký ức
Trước cái nóng oi nồng như đổ lửa tiết trời tháng 5, quệt mồ hôi trên khuôn mặt, dì Ba, (72 tuổi, quê ở Cần Giuộc, tỉnh Long An) tâm tình: “Gia đình dì sinh sống ở bên bờ kênh Đôi trước năm 1975 đến nay. Sau đó dì đi kinh tế mới. Ở được vài năm “chịu không thấu”, dì quay lại kênh Đôi. Gom góp tiền mua cây, mua ván dựng được cái nơi “chui ra chui vào” trên bãi bồi dòng kênh sinh sống đến bây giờ. Ở đây có nhà ba thế hệ, cả chục con người chen chúc khổ sở trên cái sàn ván chỉ vài chục m2. Cả đời sinh sống ở đây, dì ví dòng kênh Đôi như người bạn đời tri kỷ.

Cả đời sinh sống bên con nước, dì Ba xem kênh Đôi như người bạn tri kỷ. Ảnh: Đình Du.
Cũng theo dì Ba, nước kênh Đôi ngày trước trong vắt, người dân xuống tắm thỏa thuê. Nhưng sau này ô nhiễm do rác sinh hoạt trút xuống kênh, kể cả chất thải con người. Ngày trước nhiều đoạn kênh ở khúc cầu Hiệp Ân còn có hai đến ba lớp nhà tiến ra ngoài kênh. Căn bắt từ bờ ra kênh là lớp thứ nhất, rồi đến lớp thứ hai, một số căn nhà phần lớn còn dựng ở trên kênh. Đó là chưa kể những người khi lập gia đình không có điều kiện lên bờ, họ phải cơi nới thêm chỗ ở phía sau nhà cha mẹ vốn cũng đã rất…tạm bợ.
Dần theo năm tháng, tình trạng sống ven hai bờ kênh Đôi lan rộng và hầu như không kiểm soát được. Nước kênh ô nhiễm khiến việc sử dụng nguồn tài nguyên này phải chấm dứt và trở thành…“chuyện xưa, tích cũ”. Riêng nhà “cao cẳng” thì chen kín cả hai bên bờ kênh Đôi.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, từ năm 1993 - 2024, thành phố di dời gần 40.410 nhà ven kênh. Dự kiến hết năm 2025, thành phố sẽ thực hiện hai dự án trọng điểm là rạch Xuyên Tâm quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp và bờ bắc kênh Đôi quận 8. Nhiều ý kiến cho rằng số liệu trên vẫn chưa đầy đủ, bởi trên thực tế những căn nhà không số, xóm không tên…khó có thể đưa vào thống kê được.
“Gia đình dì đi kinh tế mới được vài năm “chịu không thấu” rồi quay lại dựng cái nhà ở bên bờ kênh Đôi này sinh sống đến ngày nay. Nước kênh Đôi ngày đó sạch lắm, cả xóm dùng để sinh hoạt”, dì Ba nhớ lại.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/cuoc-van-minh-ben-bo-kenh-doi-bai-1-dong-kenh-chien-luoc-d754351.html