Thứ ba 29/04/2025 - 08:50
Lâm nghiệp
'Cuộc chiến' giữ rừng phòng hộ: [Bài 1] Nhiều diện tích rừng bị ‘xẻ thịt’
Thứ Ba 29/04/2025 - 08:45
Mấy năm gần đây, nhiều diện tích rừng phòng hộ Xuân Lộc bị 'xẻ thịt', làm ảnh hưởng đến môi trường, an ninh trật tự. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng buồn này...
- Giữ màu xanh cho rừng phòng hộ Xuân Lộc
- Phủ xanh nhiều diện tích rừng phòng hộ Xuân Lộc bị chết khô
- Dốc sức tưới nước cứu cây rừng
- Giải quyết dứt điểm khiếu nại về sử dụng đất rừng
Chặt phá rừng phòng hộ
Đầu tháng 4/2025, tại lâm phận thuộc Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), chúng tôi chứng kiến thực trạng đáng báo động tại những “điểm nóng” có nhiều cây rừng bị chặt phá trái phép.

Tại hiện trường vụ phá rừng, có hàng loạt cây gỗ dầu lớn, nhỏ vừa bị các đối tượng đốn hạ nằm ngổn ngang trên mặt đất, các vết cưa cắt còn tươi mới. Ảnh: Minh Sáng.
Dẫn chúng tôi đi thực tế tại tiểu khu 204, thuộc phân trường Trản Táo - nơi thường xuyên xảy ra tình trạng phá rừng, anh Đặng Sỹ Anh Tuấn, chốt trưởng bảo vệ rừng, tuần tra tại chỗ chỉ vào những cây gỗ dầu lớn, nhỏ (cây từ 20 đến 30 năm tuổi) vừa bị các đối tượng đốn hạ nằm ngổn ngang trên mặt đất, các vết cưa cắt còn tươi mới, chia sẻ: “Hôm qua, trong khi đi tuần tra chúng tôi phát hiện một nhóm người dân đang dùng cưa máy đốn hạ trái phép nhiều cây rừng. Anh em nhanh chóng ập tới bao vây để kịp thời ngăn chặn, nếu không những cây gỗ dầu còn sót lại này cũng đã bị cưa sạch rồi”.
Theo anh Tuấn, khi bất ngờ bị phát hiện, nhóm người này đang cầm dao, cưa với thái độ rất hung hăng, sẵn sàng manh động. Do vậy, tổ tuần tra đã nhẹ nhàng tiếp cận, kiên trì phân tích cho họ hiểu về tính chất vi phạm pháp luật của hành vi chặt phá rừng phòng hộ sẽ chịu hậu quả như thế nào. Sau đó, toàn bộ sự việc đã được cấp báo về cho BQL để có phương án xử lý.

Lực lượng bảo vệ rừng và tổ tuần tra ghi nhận hiện trường và triển khai các biện pháp xử lý ban đầu. Ảnh: Minh Sáng.
Ghi nhận diện tích cây rừng vừa bị chặt phá tại đây lên tới hơn 2 ha, do hộ ông Lý Tài Phúc (trú tại ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm) nhận giao khoán trồng rừng phòng hộ từ năm 1991. Chính con trai ông Phúc là Lý Xuân Long đã tự ý huy động một nhóm người dân sống cùng ấp tổ chức chặt phá cây rừng, với mục đích thu gom bán gỗ trái phép và lấy đất sản xuất nông nghiệp. Đáng lo ngại, khi bị lực lượng bảo vệ rừng phát hiện, nhóm người này đã cố tình tỏ thái độ bất hợp tác, tìm cách né tránh làm việc với cơ quan chức năng.
Chỉ hai ngày sau, lực lượng bảo vệ rừng của phân trường Trản Táo lại phát hiện thêm hai vụ khai thác rừng trái phép khác xảy ra trên cùng địa bàn khiến 65 cây gỗ dầu khoảng 25 năm đã bị đốn hạ trái phép tại rừng phòng hộ của ông Hoàng Văn Tuấn và ông Hoàng Văn Sinh, cùng ngụ tại ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm.

Diện tích cây rừng tại tiểu khu 204, thuộc phân trường Trản Táo vừa bị khai thác gỗ trái phép để lấy đất canh tác. Ảnh: Minh Sáng.
Anh Trần Quốc Bảo, trưởng phân trường Trản Táo, cho biết: “Khi lực lượng tuần tra tại chỗ phát hiện và tiếp cận hiện trường để ngăn chặn, một số đối tượng đã gọi thêm người kéo đến cố tình áp đảo và chống đối quyết liệt. Thậm chí họ còn la ó, chửi bới, xô đẩy lực lượng bảo vệ rừng, ngăn cản anh em không cho vào thống kê diện tích và số lượng cây rừng bị chặt phá”.
Theo anh Bảo, thời gian gần đây lực lượng tuần tra tại chỗ thường xuyên phát hiện tình trạng cây rừng bị chặt phá khai thác trái phép. Điều đáng nói, đây không phải là lâm tặc chặt phá cây rừng trái phép mà chính là “dân tặc” đã tự ý đốn cây rừng để bán gỗ, lấy mặt bằng xây dựng nhà ở và sản xuất nông nghiệp.
Xuyên đêm canh giữ rừng
Tình trạng chặt phá rừng trái phép không chỉ dừng lại ở "điểm nóng" thuộc Phân trường Trản Táo mà gần đây còn xảy ra trên nhiều khu vực khác thuộc lâm phận BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc. Ngay khi chúng tôi được BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc đưa đi kiểm tra công tác chăm sóc vườn ươm cây giống cho mùa khô, thì nghe tin cấp báo từ tổ tuần tra của Phân trường Lán Cát phát hiện một nhóm người đang dùng cưa máy để chặt phá cây rừng trái phép tại tiểu khu 203.

Tổ tuần tra bảo về rừng phát hiện một nhóm người dân ngang nhiên chặt phá cây rừng trái phép. Ảnh: Ban quản lý cung cấp.
Ngay lập tức, ông Tô Thế Mạnh, Phó giám đốc BQL chỉ đạo điều động thêm lực lượng bảo vệ rừng triển khai bao vây khu vực vi phạm để ngăn chặn hành vi phá rừng lan rộng. Đồng thời, báo cho Công an xã Xuân Tâm hỗ trợ để bắt giữ các đối tượng, bảo vệ hiện trường và lập biên bản xử lý.
Khoảng 19 giờ tối cùng ngày, anh Trần Đăng Báo, chốt trưởng bảo vệ rừng, tuần tra tại chỗ - người trực tiếp tham gia trong đội tuần tra báo cáo sự việc: Thời điểm tuần tra đã phát hiện một nhóm người lợi dụng bóng tối, rọi đèn để lén lút cưa trộm cây rừng tại khu vực thuộc “Dự án rừng thích ứng biến đổi khí hậu” nằm trong tiểu khu 203. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng tiếp cận, các đối tượng đã nhanh chóng rút khỏi hiện trường, bỏ lại nhiều tang vật vi phạm...
Tại hiện trường, ghi nhận có khoảng 30 cây keo lai (7 năm tuổi) đã bị cưa hạ nằm la liệt dưới nền đất. Đáng lo ngại, ngoài số cây đã bị đốn ngã, còn rất nhiều cây khác cũng bị cắt ngang thân, trong tình trạng chờ đổ. Có cây chỉ còn dính lại phần vỏ mỏng, cho thấy các đối tượng đã chuẩn bị rất kỹ, có thể sẽ quay lại cưa tiếp trong đêm nếu không bị phát hiện.

Hàng chục cây keo lai vừa bị cưa hạ nằm la liệt dưới nền đất, các đối tượng chưa kịp vận chuyển đi tiêu thụ. Ảnh: Minh Sáng.
Anh Nguyễn Văn Phúc, trưởng phân trường Lán Cát khẳng định, đây không phải lần đầu khu vực này bị xâm hại, nhưng là vụ việc lớn nhất kể từ đầu năm đến nay, dấu hiệu cho thấy các đối tượng có tổ chức và theo dõi sát hoạt động tuần tra để lợi dụng thời điểm nhạy cảm ra tay. Ngay sau vụ việc, BQL đã chỉ đạo lập biên bản hiện trường, bố trí lực lượng mật phục xuyên đêm, bám sát hiện trường để bắt quả tang khi các đối tượng quay lại thu gom vận chuyển cây gỗ đi bán.
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường, ông Nguyễn Sỹ Lệnh - Phó trưởng Phòng Lâm nghiệp (BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc) cho biết: “Mùa khô luôn là thời điểm nhạy cảm đối với rừng, nhất là các đối tượng xâm phạm có thể lợi dụng để thực hiện các hành vi phá rừng dễ dàng. Các đối tượng chặt phá rừng trái phép ngày càng manh động, khiến cho công tác kiểm tra, thống kê thiệt hại gặp khó khăn và đẩy lực lượng bảo vệ rừng vào thế bị động, thiếu an toàn trong quá trình làm nhiệm vụ”.
Theo ông Lệnh, thực trạng chặt phá rừng trái phép tại lâm phận thuộc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc đã diễn ra từ năm 2019, khiến hàng trăm ha rừng đã bị “xẻ thịt” không thương tiếc và ngày càng có dấu hiệu gia tăng với diễn biến rất phức tạp.

Các đối tượng chặt phá rừng trái phép ngày càng manh động, gây khó khăn cho lực lượng bảo vệ rừng làm nhiệm vụ. Ảnh: Minh Sáng.
Mặc dù BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp cấp bách nhằm bảo vệ diện tích rừng hiện hữu, nhưng tình trạng xâm hại rừng phòng hộ và rừng sản xuất trong lâm phận vẫn chưa được kiểm soát triệt để.
"Là những người trực tiếp làm công tác bảo vệ rừng, mỗi khi chứng kiến cây rừng bị đốn hạ khiến chúng tôi cảm thấy rất buồn và đau xót giống như máu mình đang chảy. Đây cũng không chỉ là nỗi đau riêng của những người bảo vệ rừng mà còn đối với tất cả những ai yêu mến thiên nhiên và hiểu được tầm quan trọng của rừng đối với môi trường cuộc sống”, ông Tô Thế Mạnh chia sẻ.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/cuoc-chien-giu-rung-phong-ho-bai-1-nhieu-dien-tich-rung-bi-xe-thit-d747880.html