| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 29/04/2025 - 12:50

Trồng trọt

Công nhận Làng nghề kiểng cổ mai nu Thạnh Nhựt

Thứ Ba 29/04/2025 - 12:45

Ngày 9/4, UBND huyện Gò Công Tây tổ chức lễ công bố quyết định công nhận Làng nghề kiểng cổ mai nu Thạnh Nhựt.

Cây mai nu chiếu thủy có mặt ở địa bàn Gò Công trên 100 năm. Với cái nôi đầu tiên là xã Thạnh Nhựt, cây mai nu dần được mở rộng vùng trồng sang các xã khác trong huyện và lan dần sang các huyện phía đông Tiền Giang.

Toàn xã Thạnh Nhựt hiện có 410 hộ trồng mai nu với tổng diện tích hơn 28ha. Một số hộ dân chuyên trồng mai nu để bán giống kết hợp với tạo hình tác phẩm có diện tích hàng ha. Hiện toàn xã có 12.454 cặp mai thành phầm, 12.454 cặp bán thành phẩm, cây nguyên liệu có gần 120.000 gốc. Một số hộ dân trồng nhiều mai nu như Tám Bỉnh, Sáu Khiêm, Tư Kiều, Tám Đạt...

Riêng khu vực được công nhận Làng nghề có 308 hộ tham gia nghề, tập trung chủ yếu ở ấp Thạnh Lạc Đông (146 hộ) và Tân Thạnh (162 hộ). Số lao động trong khu vực Làng nghề là 323 hộ.

Xã Thạnh Nhựt là cái nôi của nghề trồng mai nu chiếu thủy. Ảnh: Minh Đảm.

Xã Thạnh Nhựt là cái nôi của nghề trồng mai nu chiếu thủy. Ảnh: Minh Đảm.

Giá trị của cây mai chiếu thủy là chỗ có u nần, lâu năm tạo thành dãy nu, da có màu xám đặc trưng. Từ cây mai nu, các nghệ nhân tạo ra các tác phẩm bon sai, kiểng cổ như tam cang, ngũ thường, tam tòng, tứ đức.

Doanh thu bình quân của 1 cây mai thành phẩm từ 5,5 – 20 triệu đồng, cây bán thành phẩm từ 500.000 đồng – 5 triệu đồng, cây phôi bình quân khoảng 500.000 nghìn đồng, cành chiếc 8.000 – 10.000 đồng. Lợi nhuận bình quân của 1 hộ trồng mai nu chiếu thủy năm 2023 đạt trên 400 triệu đồng.

Ông Lê Văn Hạnh, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Gò Công Tây cho biết: Xã Thạnh Nhựt may mắn có cây mai nu tiềm năng phát triển mạnh, đem lại thu nhập cao.

“Cây mai nu sửa thành kiểng cổ giá trị rất cao. Tại đây có người bán kiểng tiền tỷ, còn mấy trăm triệu đồng rất nhiều. Muốn làm đạt tác phẩm mai nu bon sai hay kiểng cổ phải mất 4 - 5 năm mới đẹp”, ông Hạnh nói.

Cây mai nu Gò Công đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Mai nu chiếu thủy Gò Công” tháng 12/2021, mở ra nhiều triển vọng phát triển ở Gò Công, trong đó có Thạnh Nhựt. Đến nay, huyện Gò Công có 23 cá nhân được cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu "Mai nu chiếu thủy Gò Công" (Thạnh Nhựt có 17 hộ). Ngoài ra, sản phẩm mai nu chiếu thủy mặt khỉ của nghệ nhân Tám Bỉnh được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang (ngoài cùng bên phải) trao chứng nhận Làng nghề cho lãnh đạo xã Thạnh Nhựt. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang (ngoài cùng bên phải) trao chứng nhận Làng nghề cho lãnh đạo xã Thạnh Nhựt. Ảnh: Minh Đảm.

Việc thành lập Làng nghề kiểng cổ mai nu Thạnh Nhựt là bước đi đúng trong việc bảo tồn, phát triển và khẳng định giá trị của nghề truyền thống. Đây cũng là cơ sở để địa phương tiếp tục được hỗ trợ về quy hoạch, kỹ thuật, đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng.

Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Công Thương, UBND huyện Gò Công Tây, UBND xã Thạnh Nhựt quan tâm quản lý, duy trì, bảo tồn và phát triển Làng nghề.

Theo đó, tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển Làng nghề. Trong đó tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất và hộ gia đình trong Làng nghề tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho Làng nghề, có các dự án phát triển Làng nghề cũng như chính sách đào tạo nghề, tín dụng, xây dựng sản phẩm OCOP. Đặc biệt, tổ chức các lớp đào tạo, truyền dạy nghề, nâng cao tay nghề cho các nghệ nhân trẻ, tạo điều kiện để Làng nghề kiểng cổ mai nu phát triển bền vững.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/cong-nhan-lang-nghe-kieng-co-mai-nu-thanh-nhut-d747228.html