| Hotline: 0983.970.780

Thứ bảy 10/05/2025 - 16:25

Thời sự Nông nghiệp - Môi trường

Công nghệ viễn thám giúp phát triển nông nghiệp hiện đại và gìn giữ môi trường

Thứ Bảy 10/05/2025 - 16:21

Công nghệ viễn thám đang trở thành công cụ không thể thiếu trong giám sát tài nguyên, phát triển nông nghiệp hiện đại và bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, công nghệ viễn thám nổi lên như một công cụ then chốt trong việc giám sát tài nguyên, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại. Với sự chỉ đạo sát sao từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, PGS.TS Phạm Minh Hải, phó Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia cho biết, Cục Viễn thám quốc gia đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển bền vững đất nước.

PGS.TS Phạm Minh Hải, phó Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia. Ảnh: Khương Trung.

PGS.TS Phạm Minh Hải, phó Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia. Ảnh: Khương Trung.

Kho dữ liệu khổng lồ, độ phủ toàn quốc

Theo PGS.TS Phạm Minh Hải, phó Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia chia sẻ, cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia hiện do Cục Viễn thám quốc gia vận hành là một kho dữ liệu không gian đồ sộ, với gần 100.000 ảnh vệ tinh được thu nhận từ 16 loại đầu thu khác nhau như VNREDSat-1 (Việt Nam), SPOT6, KOMPSAT-3A, Worldview, Landsat hay sắp tới là ảnh radar CosmoSkymed (Ý).

Dữ liệu có độ phân giải từ siêu cao (0,55m) đến trung bình (30m), độ lặp từ 2,5 đến 5 ngày, phủ trùm toàn lãnh thổ đất liền, biển và hải đảo Việt Nam. Khối lượng dữ liệu tăng trưởng đều đặn khoảng 20% mỗi năm, đáp ứng nhu cầu giám sát đa lĩnh vực từ nông nghiệp, môi trường đến quốc phòng - an ninh.

Đây chính là nền tảng quan trọng để triển khai các chương trình giám sát thông minh, hỗ trợ phân tích, cảnh báo thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Công nghệ viễn thám phục vụ hiệu quả quản lý nhà nước

Trong những năm qua, Cục Viễn thám quốc gia đã triển khai hàng loạt nhiệm vụ ứng dụng viễn thám, mang lại hiệu quả rõ rệt trong thực tiễn.

Các đại biểu tham dự Hội nghị chuyên đề Môi trường, Tài nguyên nước, Viễn thám chiều ngày 10/5 trong khuôn khổ Hội nghị triển khai 'Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia' trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Ảnh: Khương Trung

Các đại biểu tham dự Hội nghị chuyên đề Môi trường, Tài nguyên nước, Viễn thám chiều ngày 10/5 trong khuôn khổ Hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Ảnh: Khương Trung

Ngay trong trận bão Yagi lịch sử đổ bộ vào miền Bắc tháng 9/2024, Trung tâm Giám sát tài nguyên và môi trường đã phối hợp vận hành hệ thống Sentinel Asia, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, cứu hộ cứu nạn.

Ở vùng biển đảo xa bờ, công nghệ viễn thám được ứng dụng để thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ lớn tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, phục vụ phát triển kinh tế biển và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Trong khi đó, tại lưu vực sông Hồng và sông Mê Kông, viễn thám đo cao vệ tinh được sử dụng để giám sát mực nước tại các hồ chứa, hỗ trợ dự báo lũ và điều tiết nguồn nước.

Ngoài ra, công nghệ viễn thám đã được triển khai để giám sát quy hoạch sử dụng đất tại 63 tỉnh, thành; theo dõi biến động rừng phục vụ kiểm kê rừng toàn quốc; quan trắc sụt lún đất tại Hà Nội, TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long với độ chính xác tới từng cm. Đặc biệt, dữ liệu viễn thám còn được tích hợp phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính theo hướng dẫn của IPCC, đây là một bước tiến lớn trong thực hiện cam kết giảm phát thải của Việt Nam.

Theo Nghị quyết 57-NQ/TW, Đảng và Nhà nước xác định rõ: đầu tư cho khoa học và công nghệ chính là đầu tư cho phát triển. Đây là cơ hội vàng để ngành viễn thám bứt phá, tận dụng nguồn lực đầu tư và cơ chế chính sách mới nhằm đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây và công nghệ chuỗi khối vào các bài toán giám sát nhanh, tự động hóa trong nông nghiệp và môi trường.

Nghị quyết cũng khẳng định vai trò của Cục Viễn thám quốc gia trong thực hiện các nhiệm vụ then chốt của ngành như theo dõi vùng trồng, ước lượng sản lượng cây trồng chủ lực, dự báo lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, giám sát dịch bệnh, đánh giá chất lượng tài nguyên đất và nước…

Chi phí là rào cản lớn

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội rộng mở, ngành viễn thám vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức.

Ngành viễn thám vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó chi phí đầu tư cho công nghệ viễn thám vẫn là rào cản lớn. (Ảnh minh hoạ.)

Ngành viễn thám vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó chi phí đầu tư cho công nghệ viễn thám vẫn là rào cản lớn. (Ảnh minh hoạ.)

Về nguồn nhân lực, vẫn còn thiếu hụt đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn sâu trong các lĩnh vực như phân tích dữ liệu ảnh viễn thám, trí tuệ nhân tạo và hệ thống thông tin địa lý (GIS). Nhiều chương trình đào tạo đại học hiện nay chưa bắt kịp yêu cầu thực tế.

Về hạ tầng kỹ thuật, cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia chưa được nâng cấp đạt tiêu chuẩn an toàn thông tin cấp độ 3, làm dấy lên mối lo ngại về bảo mật dữ liệu. Ngoài ra, tình trạng khai thác dữ liệu riêng lẻ giữa các bộ, ngành gây ra lãng phí và thiếu tính đồng bộ trong quản lý.

Đặc biệt, chi phí đầu tư cho công nghệ viễn thám, từ sản xuất vệ tinh, thu nhận, lưu trữ đến xử lý dữ liệu vẫn là rào cản lớn, đòi hỏi có chiến lược huy động và phân bổ nguồn vốn hiệu quả hơn.

Trí tuệ nhân tạo là hướng đi chiến lược

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển bền vững, Cục Viễn thám quốc gia đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng viễn thám và trí tuệ nhân tạo trong xây dựng hệ thống giám sát thông minh một số lĩnh vực nông nghiệp và môi trường phục vụ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, triển khai từ năm 2026.

Đề án được xây dựng trên tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 193/2025/QH15 và Nghị quyết 71/NQ-CP, với mục tiêu tích hợp các công nghệ số hiện đại vào hệ thống giám sát ngành nông nghiệp và môi trường, góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, hỗ trợ ra quyết định nhanh, hiệu quả, phù hợp với chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Viễn thám không còn là “công nghệ của tương lai”, mà đang là công cụ không thể thiếu trong quản lý bền vững nông nghiệp, tài nguyên và môi trường hôm nay. Với tầm nhìn chiến lược và sự đầu tư bài bản, Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ và khai thác hiệu quả công nghệ viễn thám, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế xanh, hiện đại và bền vững.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/cong-nghe-vien-tham-giup-phat-trien-nong-nghiep-hien-dai-va-gin-giu-moi-truong-d752454.html