| Hotline: 0983.970.780

Thứ sáu 23/05/2025 - 16:35

Thời sự Nông nghiệp - Môi trường

Công nghệ số Nhật Bản hỗ trợ hợp tác xã phát triển bền vững

Thứ Sáu 23/05/2025 - 16:32

Ngày 23/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam làm việc với đoàn công tác của Nhật Bản về vấn đề ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm việc với đoàn công tác Nhật Bản. Ảnh: Phương Linh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm việc với đoàn công tác Nhật Bản. Ảnh: Phương Linh.

Xây dựng nền tảng dữ liệu số dùng chung để quản lí sản xuất chuỗi nông nghiệp

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, trong đó có hệ thống hợp tác xã JA ở Nhật Bản (Japan Agricultural Cooperatives) đã xây dựng thành công nền tảng công nghệ dùng chung trên toàn quốc để quản lý sản xuất, tài chính, cung ứng dịch vụ và phân phối nông sản do Sorimachi cung cấp tư vấn.

Ông Nguyễn Thanh Mộng - Giám đốc Phát triển thị trường của Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam đánh giá, việc xây dựng nền tảng số dùng chung quy mô quốc gia cho các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sẽ giúp tối ưu hóa chi phí, chuẩn hóa quy trình, tăng tính liên thông và minh bạch trong hoạt động HTX, hỗ trợ các HTX đạt chuẩn chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Trên cơ sở đó, Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam, Công ty CP Sorimachi Nhật Bản mong muốn hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, thông qua Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, để hỗ trợ xây dựng nền tảng dữ liệu số dùng chung (Big Data) trong phục vụ quản trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các HTX nông nghiệp.

Sorimachi Việt Nam đang tích cực tham gia các chương trình, đề án trọng điểm của Bộ nhằm hỗ trợ HTX áp dụng phần mềm WACA và FaceFarm, cụ thể như: Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; đề án vùng nguyên liệu; chương trình OCOP; kế hoạch phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của Bộ chỉ đạo triển khai.

Đặc biệt, công ty vừa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường thông qua Dự án “Thúc đẩy xây dựng chuỗi giá trị gạo chất lượng cao, ít carbon tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tài trợ và thực hiện tại Việt Nam năm 2025, nhằm đóng góp cho hiệu quả cho Đề án 1 triệu ha lúa.

Theo Chủ tịch Công ty CP Sorimachi Nhật Bản Sorimachi Hideki, công ty đang nghiên cứu và thử nghiệm các mô hình ứng dụng công nghệ số tiên tiến từ Nhật Bản. Ảnh: Phương Linh.

Theo Chủ tịch Công ty CP Sorimachi Nhật Bản Sorimachi Hideki, công ty đang nghiên cứu và thử nghiệm các mô hình ứng dụng công nghệ số tiên tiến từ Nhật Bản. Ảnh: Phương Linh.

Ông Sorimachi Hideki, Chủ tịch Công ty CP Sorimachi Nhật Bản, cho biết công ty đang nghiên cứu và thử nghiệm các mô hình ứng dụng công nghệ số tiên tiến từ Nhật Bản. Trong đó, trọng tâm là việc tập hợp dữ liệu từ các vùng sản xuất, xây dựng hệ thống liên kết thông tin và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích, hỗ trợ ra quyết định trong quản lý và canh tác lúa hiệu quả.

Đánh giá cao những đóng góp của Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam, Công ty CP Sorimachi Nhật Bản, Thứ trưởng Trần Thanh Nam hoan nghênh công ty triển khai giai đoạn tiếp theo của Dự án “Thúc đẩy xây dựng chuỗi giá trị gạo chất lượng cao, ít carbon tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin thêm, hiện nay có rất nhiều tổ chức quốc tế và doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến Đề án 1 triệu ha lúa, tuy nhiên họ vẫn còn thiếu thông tin chi tiết để hiểu rõ nội dung, định hướng và phương thức triển khai của chương trình. Do đó, ông đề nghị Sorimachi hỗ trợ tổ chức một hội thảo tại Nhật Bản, với chủ đề: “Chuyển đổi phương thức sản xuất lúa giảm phát thải theo hướng xanh và bền vững” nhằm thông tin về Đề án 1 triệu ha lúa, đồng thời thể hiện mối quan hệ hợp tác của hai nước trong phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.

Hội thảo dự kiến sẽ do Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam đồng chủ trì cùng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản đồng chủ trì.

Về đề xuất mở rộng ứng dụng công nghệ số ra ngoài khuôn khổ Đề án 1 triệu ha lúa, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Sorimachi trước mắt tập trung vào các HTX nông nghiệp tại ĐBSCL, bao gồm cả những HTX không tham gia sản xuất lúa, sau đó mở rộng ra ứng dụng với những HTX trên nhiều địa bàn và lĩnh vực khác

Đồng thời, ông giao Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (KTHT&PTNT) xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể tại, xem đây là vùng trọng điểm, từ đó nhân rộng mô hình ra các khu vực khác.

Phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế nông thôn

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao những đóng góp của Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam và Công ty CP Sorimachi Nhật Bản. Ảnh: Phương Linh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao những đóng góp của Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam và Công ty CP Sorimachi Nhật Bản. Ảnh: Phương Linh.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển sản phẩm OCOP với sự kết nối chặt chẽ giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức trong toàn chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ. Trên tinh thần đó, Thứ trưởng mong muốn Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam đóng vai trò cầu nối, phối hợp tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề, tạo không gian chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và kết nối doanh nghiệp hai nước trong hệ sinh thái sản phẩm OCOP.

“Thông qua các chương trình này, cần phát huy vai trò và vị thế của phụ nữ trong phát triển kinh tế nông thôn, coi đây là một trong những động lực bền vững để giữ chân người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, ở lại phát triển kinh tế nông thôn.

Bên cạnh đó, tôi mong Sorimachi với mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với nhiều tập đoàn cơ giới lớn của Nhật Bản, sẽ phối hợp xây dựng các chương trình nâng cao năng lực cơ giới hóa cho nông dân vùng ĐBSCL, góp phần tăng năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý.

Ngoài các hợp tác xã, Thứ trưởng đề xuất Sorimachi mở rộng đối tượng đào tạo sang cán bộ khuyến nông, để họ trở thành lực lượng nòng cốt trong việc hướng dẫn, tuyên truyền người nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới.

Lắng nghe ý kiến của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Công ty Sorimachi cam kết đóng góp vào việc nâng cao năng lực cho phụ nữ nông thôn thông qua các chương trình phát triển sản phẩm OCOP. “Chúng tôi sẽ xem xét mở các lớp tập huấn dành riêng cho phụ nữ, hướng dẫn họ ứng dụng công nghệ số để quản lý thông tin hợp tác xã, Việc nhập, phân tích số liệu không chỉ giúp quản trị hiệu quả mà còn là cơ hội để phụ nữ học hỏi, nâng cao kỹ năng tổ chức, điều hành và chủ động phát triển kinh tế”, Chủ tịch Sorimachi Hideki cho biết.

Phía Sorimachi Việt Nam bày tỏ mong muốn Trung tâm Khuyến nông quốc gia và các cơ quan thuộc Bộ tạo điều kiện triển khai khai Dự án JICA (Tăng cường chuỗi giá trị an toàn tại 07 tỉnh phía Bắc Việt Nam) và các chương trình đào tạo, tập huấn về ứng dụng phần mềm chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông tại cơ sở và cộng đồng, nhằm phục vụ các đề án trọng điểm của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

“Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam cam kết sẽ tích cực hợp tác với các Viện, trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ và tổ chức đào tạo trên toàn quốc thuộc Bộ để mở rộng quy mô các chương trình đào tạo và thực hành ứng dụng công nghệ số trong giáo dục và sản xuất nông nghiệp”, ông Mộng cho biết.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/cong-nghe-so-nhat-ban-ho-tro-hop-tac-xa-phat-trien-ben-vung-d754718.html