Thứ bảy 26/04/2025 - 17:19
Thời sự
Công bố Quyết định chuyển hạng thành Vườn quốc gia Xuân Liên
Thứ Bảy 26/04/2025 - 06:53
Vườn Quốc gia Xuân Liên là 'kho báu xanh' không chỉ của Thanh Hóa mà của cả Quốc gia.
- Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thành Vườn quốc gia
- Góp "nốt nhạc" vào "bản giao hưởng" rừng xanh
- Trồng 1.000 cây xanh tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên
Chiều 25/4, Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Thường Xuân tổ chức Lễ công bố chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thành Vườn quốc gia Xuân Liên. Tham dự buổi lễ có lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), các tổ chức quốc tế cùng đông đảo nhân dân trong vùng.
Vườn quốc gia Xuân Liên tiền thân Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được thành lập năm 2000. Hiện nay, Vườn đang quản lý hơn 25,6 nghìn ha, nằm trên địa bàn 5 xã, thị trấn của huyện Thường Xuân. Trong đó, đất rừng đặc dụng chiếm hơn 23,8 nghìn ha, được phân chia thành ba phân khu chính là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ - hành chính. Ngoài ra, khu vực này còn có hơn 912 ha đất rừng sản xuất và hơn 873 ha đất bán ngập nước thuộc hồ Cửa Đạt.

Vườn quốc gia Xuân Liên có hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Ảnh: Thanh Tuấn.
Xuân Liên hiện là một trong những Vườn quốc gia có sự đa dạng sinh học hàng đầu Việt Nam, với nhiều loài động, thực vật được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, có giá trị cao về khoa học, sinh thái.
Hiện Vườn có trên 1.228 loài thực vật bậc cao, 1.811 loài động vật hoang dã thuộc 241 họ. Đây là nơi phân bố tập trung của hai quần thể cây pơ mu và sa mu cổ thụ, trong đó có hai cây hơn 1000 năm tuổi, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Vườn có 56 loài thực vật nguy cấp, quý hiếm, trong đó 35 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam.
Vườn quốc gia Xuân Liên còn là nơi phân bố quần thể vượn đen má trắng lớn nhất Việt Nam, với 64 đàn, 182 cá thể; hơn 200 cá thể voọc xám... Đặc biệt, vào tháng 10/2014, các nhà khoa học đã phát hiện khoảng 30 cá thể sinh sống tại Xuân Liên. Đây là loài mang được cho là đã tuyệt chủng gần 100 năm qua, từng sinh sống tại tỉnh Hủa Phăn (Lào). Hiện mẫu sọ của loài này chỉ còn được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ.
Bên cạnh giá trị về hệ sinh thái và đa dạng sinh học, rừng Xuân Liên còn đóng vai trò phòng hộ đầu nguồn sông Chu, sông Đằn, thuộc hệ thống thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt. Vùng lòng hồ Cửa Đạt nằm trọn trong rừng đặc dụng Xuân Liên, với diện tích mặt nước hơn 3.000 ha, dung tích hơn 1,5 tỷ m3 - một công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, phục vụ tưới tiêu cho 86.000 ha đất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt, công nghiệp cho vùng hạ du tỉnh Thanh Hóa. Xuân Liên còn là khu du lịch sinh thái tiềm năng của tỉnh Thanh Hóa...

Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Vườn quốc gia Xuân Liên. Ảnh: Quốc Toản.
Phát biểu tại lễ công bố, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, việc nâng hạng và thành lập Ban Quản lý Vườn quốc gia Xuân Liên đánh dấu sự khác biệt trong hệ thống phân hạng rừng đặc dụng. Việc nâng hạng sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư vào nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch sinh thái, cảnh quan giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến 2050.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, ông Giang yêu cầu các cơ quan liên quan tập trung quản lý, bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên, kiên quyết không để xảy ra cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép, săn bắt động vật rừng, hay xâm hại tài nguyên.
Rà soát ranh giới, cắm mốc phân định rừng đặc dụng; cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thiết lập rõ ràng các phân khu chức năng của Vườn. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học bảo tồn, chọn tạo giống cây trồng lâm nghiệp giá trị cao, cung cấp cây giống cho trồng rừng gỗ lớn của tỉnh theo chuỗi giá trị. Phối hợp tháo gỡ khó khăn, triển khai 4 dự án về nông, lâm nghiệp và du lịch sinh thái do Tập đoàn TH True Milk đề xuất.
Phát triển đời sống người dân 5 xã vùng đệm thông qua huy động vốn đầu tư hạ tầng, sản xuất, du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng, đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn và phát triển sinh kế.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Quốc Toản.
Ông Giang cũng đề nghị Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường quan tâm hỗ trợ Thanh Hóa tham gia các chương trình, dự án về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, đặc biệt là tiếp tục kéo dài thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) và hỗ trợ hợp tác quốc tế cho Vườn quốc gia Xuân Liên.
Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cho biết: Với vị trí đặc biệt tại Trung Trường Sơn, Xuân Liên hội tụ hệ sinh thái rừng đặc trưng, nhiều loài động, thực vật quý hiếm, là “kho báu xanh” không chỉ của Thanh Hóa mà của cả quốc gia. Sau sự kiện này, Vườn quốc gia Xuân Liên chính thức được kết nạp vào hệ thống 35 Vườn quốc gia.

Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm trao 'Hộ chiếu Vườn quốc gia Việt Nam' cho lãnh đạo Vườn quốc gia Xuân Liên. Ảnh: Quốc Toản.
Ông Bảo đề nghị, trong thời gian tới, Ban Quản lý Vườn quốc gia Xuân Liên tăng cường quản lý ranh giới, tài nguyên, xây dựng hệ thống giám sát đa dạng sinh học, cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu; phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao. Ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là công cụ SMART vào giám sát rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Cũng tại buổi lễ, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cho biết, trong năm 2025 sẽ triển khai Dự án bảo tồn tài chính bền vững và phát triển hệ sinh thái phức hợp tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ do Chính phủ Đức tài trợ, thông qua tổ chức GIZ. Dự án sẽ được triển khai tại Xuân Liên trong giai đoạn 2025-2028, nhằm hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực bảo tồn và phục hồi sinh thái.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/cong-bo-quyet-dinh-chuyen-hang-thanh-vuon-quoc-gia-xuan-lien-d750260.html