Thứ bảy 19/04/2025 - 13:56
Dân tộc thiểu số
Con đường ấm no mang tên Lộc Khánh
Thứ Tư 22/03/2023 - 10:31
Tháng 6/2022, xã Lộc Khánh (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) đón bằng công nhận xã đạt chuẩn danh hiệu nông thôn mới. Đồng nghĩa với việc, các tiêu chí về kinh tế, xã hội, an ninh, môi trường, y tế… được nâng lên. Nhắc đến Lộc Khánh giờ đây, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một địa phương sáng xanh sạch đẹp và đời sống kinh tế ổn định.

Cán bộ đồng hành cùng dân
Trước đây, xã Lộc Khánh là một trong những xã khó khăn của huyện biên giới Lộc Ninh. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 50% của xã. Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thế nhưng, với địa hình thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, cộng với tư duy hạn chế và tập tục lao động cũ khiến thu nhập từ sản xuất nông nghiệp không cao, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Nghèo khó khiến cho việc quan tâm tới môi trường sống và vấn đề vệ sinh môi trường bị xem nhẹ. Kể từ thời điểm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2021, xã Lộc Khánh chỉ đạt 15/19 tiêu chí. Đặc biệt, tiêu chí thu nhập và môi trường luôn bấp bênh.
Giảm nghèo là mục tiêu trước tiên của xã. Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh tâm sự rằng, khi cái bụng đồng bào chưa no thì khó lòng nghĩ tới việc làm sạch môi trường được. Từ hướng đi đó, xã đã vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ đồng bào. Qua các chương trình hỗ trợ nhiều năm, các chính sách cho đồng bào DTTS đã phát huy hiệu quả từ chính sách khuyến nông, hỗ trợ cây con giống… đến cuối năm 2021, tiêu chí về thu nhập đã cơ bản đáp ứng, khi đó, xã bắt đầu bắt tay vào tuyên truyền cho đồng bào về bảo vệ môi trường.
Sau khi thực hiện chủ trương của huyện, xã đã tuyên truyền, hỗ trợ bà con chăn nuôi gia súc trong khu dân cư thực hiện di dời chuồng trại để nuôi nhốt tập trung, đảm bảo tiêu chí môi trường.
Đồng bào DTTS ở ấp Ba Ven lâu nay có thói quen nuôi nhốt trâu, bò cạnh nhà. Tập quán này là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Giờ đây, việc nuôi nhốt này đã không còn nữa. Thực hiện tiêu chí môi trường về xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con DTTS di dời chuồng trại xa khu dân cư với số lượng đàn trâu, bò hàng trăm con. Việc di dời về nơi nuôi nhốt tập trung đã giúp môi trường khu dân cư sạch sẽ hơn.
Ông Lâm Com, người dân tộc Khmer ở ấp Ba Ven cho biết, lâu nay bà con trong ấp thường có thói quen nuôi nhốt gia súc cạnh nhà nên vô tình gây môi trường ô nhiễm. Được chính quyền địa phương vận động di dời chuồng trại xa khu dân cư, giờ không còn mùi hôi thối như trước nữa. Không những vậy, khu nuôi nhốt tập trung được chính quyền địa phương hỗ trợ làm nền xi măng nên người dân cũng thuận lợi hơn trong việc phơi phân gia súc làm phân hữu cơ, dùng để bón cho cây trồng hoặc bán để kiếm thêm nguồn thu.
Bà Thị Gia - dân tộc Khmer ở ấp Sóc Lớn cũng cho hay, năm 2022, gia đình bà được chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí xây mới nền chuồng tại vườn điều. Để chăm sóc tốt cho đàn trâu, gia đình bà còn làm thêm căn chòi tạm để canh giữ. Dù việc chăm sóc đàn trâu tốn thêm nhiều công sức nhưng từ khi có chuồng mới, bà cảm thấy yên tâm vì lợi đủ đường, nhất là không làm phiền đến hàng xóm.
“Gia đình tôi nuôi trâu đã hơn 20 năm. Khi chuồng trại gần nhà, mùi phân trâu làm ảnh hưởng đến chính mình, ảnh hưởng sang hàng xóm, nhất là vào mùa mưa. Mới đây, chính quyền các cấp đã vận động gia đình làm chuồng ở trong vườn điều để tránh ô nhiễm môi trường xung quanh nên không còn làm phiền đến hàng xóm nữa. Chuồng trại dời ra xa nơi ở, gia đình tôi cũng sạch thơm hơn hẳn”, bà Thị Gia chia sẻ.
Cũng như bà Thị Gia, ông Lâm Ngheo - dân tộc Khmer ở xã Lộc Khánh dù có nhiều diện tích đất canh tác cây cao su, điều nhưng vẫn làm chuồng bò sát cạnh nhà. Được địa phương vận động, ông quyết định chặt hơn chục cây cao su lấy đất làm nền chuồng. Chuồng bò của ông Lâm Ngheo được cất sâu trong vườn cao su nên đã hạn chế mùi hôi thối. Nhờ vậy, hiện nay không khí quanh nhà ông trở lại trong lành, sân nhà sạch sẽ và khô thoáng.

Mở ra hướng đi mới
Không chỉ giúp người dân bảo vệ môi trường, chính quyền xã Lộc Khánh đã tập trung chuyển đổi cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ cây trồng, vật nuôi. Khuyến khích người dân tăng quy mô sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa lớn và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chú trọng đến công tác tập huấn khoa học - kỹ thuật, kịp thời đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất.
Điển hình, trong năm vừa qua, mô hình liên kết trồng lúa ST24 theo hướng hữu cơ giữa Hợp tác xã lúa gạo chất lượng xã Lộc Khánh với Hợp tác xã Bom Bo Bình Phước đã đưa năng suất trung bình đạt từ 5 tấn đến 5,5 tấn/ha/vụ. Giá thu mua cao, đầu ra ổn định giúp người dân có hướng đi mới.
Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Trần Quang Vinh vẫn chưa quên những ngày đầu khó khăn. Với xuất phát điểm các tiêu chí đều thấp, nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng nông thôn mới lớn nhưng nguồn lực ngân sách có hạn, khi ấy, nếu cán bộ nản chí là coi như, mọi việc lại quay về điểm xuất phát ban đầu. Quan điểm của ông là phải bắt tay vào việc, người thật công việc thật, vừa làm vừa điều chỉnh chứ không chỉ xây dựng kế hoạch suông.
Xác định việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống người dân là hết sức quan trọng, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế và điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng địa phương để tăng năng suất, hiệu quả lao động.
Quyết tâm thay đổi quê hương của cán bộ xã Lộc Khánh đã cho quả ngọt. Đến nay, xã đã có 2 hợp tác xã nông nghiệp, 1 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo phát triển bền vững. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt trên 46 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động có việc làm đạt 91,8%. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, giáo dục - đào tạo được chú trọng đầu tư. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn xã đạt từ 97% trở lên; hộ dân có nhà ở kiên cố, bán kiến cố, chiếm tỷ lệ trên 96%... Xã Lộc Khánh hiện không còn hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2021), việc di dời các chuồng trại nuôi nhốt trong khu dân cư ra nơi nuôi nhốt tập trung cơ bản đã hoàn thành…
Từ một xã nghèo, giờ đây Lộc Khánh đã xóa được cái chữ nghèo gắn với xã mình. Không chỉ mỗi miếng cơm manh áo, mà giảm nghèo ở Lộc Khánh còn là việc bà con đồng bào DTTS được tiếp cận chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, được hỗ trợ giáo dục, giải quyết thiếu vốn, chăm sóc sức khỏe, vấn đề việc làm và đào tạo nghề cho đồng bào…
Có thể nói, đây là thành công của xã biên giới Lộc Khánh trong việc thay đổi thói quen, nhận thức và hành động của đồng bào DTTS đối với việc nuôi nhốt gia súc trong khu dân cư, góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Chủ trương này đã giúp mọi người ý thức hơn về bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương vùng biên.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, Chủ tịch xã Lộc Khánh Trần Quang Vinh tâm niệm, Lộc Khánh đã vượt qua được mốc nghèo cơ bản thì không có lý do gì không tiếp tục phấn đấu để đạt được các tiêu chí cao hơn. Ngắm nhìn quê hương trong diện mạo đổi thay, lòng người Chủ tịch xã lâng lâng sung sướng. Hướng đi mới đã mở ra cho quê hương ông một con đường mới, con đường của xanh sạch đẹp và ấm no.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/con-duong-am-no-mang-ten-loc-khanh-d708570.html