| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 13/05/2025 - 19:08

Kinh tế

Cổ phiếu ngành phân bón cuối năm, ra sao?

Thứ Ba 10/10/2017 - 14:55

Năm 2017, phân bón là một trong những ngành được hưởng lợi lớn từ các chính sách vĩ mô cho tới thời tiết, giá cả thị trường.

Đặc biệt ngày 20/9 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 108 về quản lí phân bón là nền móng quan trọng giúp các doanh nghiệp phân bón bứt phá trong những tháng cuối năm.
 

Dồn dập thuận lợi ưu đãi

Trong số 4 Nghị định về quản lí phân bón, Nghị định 108/2017/NĐ-CP của Chính phủ được coi là một trong những Nghị định có điều khoản chặt chẽ, khắt khe nhất từ trước tới nay. Nếu doanh nghiệp phân bón nào không có ý định làm ăn thật, chắc chắn sẽ từ bỏ không dám làm phân bón bởi những yêu cầu, quy định nghiêm khắc, tốn kém.

14-09-52_img_0413
Nhóm cổ phiếu ngành phân bón hứa hẹn có sự tăng trưởng mạnh trong 3 tháng cuối năm 2017

Từ đó, có thể thấy đây cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp sản xuất phân bón, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất phân NPK có quy mô lớn trên thị trường chiếm thị phần.

Đó là Công ty CP Phân bón Bình Điền (mã: BFC); Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã: LAS); Công ty CP Phân bón miền Nam (mã: SFG); Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển (mã: VAF); Công ty CP Phân lân Ninh Bình (mã: NFC); Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã: DCM), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã: DPM).

Trước đó không lâu, ngành phân bón cũng liên tiếp đón 2 tin vui khác ,liên quan tới chính sách thuế. Đầu tiên là việc Bộ Tài Chính đang xem xét dự thảo về Luật Thuế mới, thay thế, sửa đổi bổ sung cho Luật thuế số 71.

Theo thống kê của các công ty chứng khoán, nếu mặt hàng phân bón được chuyển thành diện chịu thuế VAT, lợi nhuận năm 2017 của nhiều doanh nghiệp phân bón sẽ tăng đột biến. Cụ thể, DPM tăng trên 200 tỷ đồng; LAS tăng hơn 100 tỷ đồng; DCM gần 100 tỷ đồng; VAF tăng thêm 30 tỷ đồng; SFG và NFC trên 20 tỷ đồng.

Nếu dự thảo của Bộ Tài Chính được Quốc hội thông qua, mặt hàng phân bón sẽ được chuyển từ diện không chịu thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) đầu ra thành mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng, với mức thuế dự kiến từ 3 - 5%.

Vấn đề thuế VAT là một trong những nội dung quan trọng được các doanh nghiệp phân bón đấu tranh trong nhiều năm qua. Theo Luật thuế số 71, phân bón thuộc mặt hàng không chịu thuế VAT, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phân bón không được hoàn thuế VAT đầu vào. Chính sách này đã khiến các doanh nghiệp phân bón từ năm 2015 đến nay mỗi năm giảm lợi nhuận từ vài chục cho tới cả trăm tỷ đồng tiền hoàn thuế đầu vào.

Bên cạnh chính sách về thuế VAT, đầu tháng 5/2017, Bộ Công Thương ban hành Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam từ ngày 19/8/2017. Theo Quyết định này, mỗi tấn phân DAP và MAP khi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ phải chịu thêm mức thuế tự vệ gần 1,9 triệu đồng/tấn.

Với quyết định này, số đông các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ được hưởng lợi, đặc biệt là Công ty CP DAP VINACHEM (mã: DDV) và Công ty CP DAP số 2 Lào Cai.
 

Mã phân bón nào "hot" nhất?

Vậy, với những kết quả đã đạt được trong 9 tháng đầu năm, công ty phân bón nào hứa hẹn sẽ có sự tăng trưởng cũng như mang lại lợi nhuận tốt nhất cho nhà đầu tư trong 3 tháng còn lại của năm 2017?

Theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã: DCM) là một trong những mã “hot” nhất trên thị trường hiện nay. Niêm yết trên sàn HOSE từ tháng 3/2015, DCM có thời gian đi ngang hơn 1 năm trời trong vùng giá 10.000 - 11.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, đến tháng 4/2017, cổ phiếu DCM có nhịp tăng mạnh lên xung quanh 14.000 đồng và duy trì đến thời điểm hiện tại nhờ kết quả kinh doanh tốt. 6 tháng đầu năm, DCM đạt doanh thu trên 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 560 tỷ đồng, tăng 267 tỷ đồng so với năm 2016, hoàn thành 191% kế hoạch lợi nhuận của năm 2017.

Với việc vẫn trong thời gian được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bán ưu đãi giá khí thấp hơn giá thị trường, kết quả kinh doanh và lợi nhuận tăng đột biến, nhiều ưu đãi về chính sách chờ đón ở phía trước cộng với việc là doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn của PVN trong năm 2018 nên cổ phiếu DCM được dự đoán có thể đạt mốc 17.000 - 18.000 đồng trong năm 2017.

14-09-52_dsc_1239
Ảnh: Nguyên Huân

Một doanh nghiệp phân bón khác không thể không nhắc tới là Công ty CP Phân bón Bình Đình (BFC), một trong những doanh nghiệp sản xuất phân NPK chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường hiện nay. BFC là doanh nghiệp có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững nhất trong số các doanh nghiệp phân bón niêm yết trên sàn hiện nay.

Kể từ khi niêm yết tháng 10/2015 đến nay, doanh thu và lợi nhuận của BFC luôn được duy trì ổn định năm sau cao hơn năm trước, giá cổ phiếu BFC tăng không ngừng nghỉ và liên tiếp tạo định mới. Từ vùng giá 16.000 đồng lúc mới niêm yết, đạt đỉnh 37.000 đồng tháng 9/2016 rồi 43.000 đồng tháng 8/2017.

Với hệ số P/E hiện tại chỉ là 7.3, mức trung bình so với các cổ phiếu cùng ngành, BFC được kỳ vọng sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa ở các năm tiếp theo khi doanh nghiệp khánh thành thêm nhà máy trong nước cũng như mở rộng hoạt động sang các thị trường Lào, Campuchia, Myanmar… BFC được kỳ vọng có thể đạt mức giá 46.000 - 50.000 đồng/CP vào cuối năm 2017.

Ngoài 2 doanh nghiệp nổi bật trên, một số doanh nghiệp phân bón khác cũng là ẩn số với nhà đầu tư trong năm 2017. Với DPM là việc nhà máy sản xuất phân NPK dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2017; LAS là sự phục hồi doanh thu, sản lượng và câu chuyện thuế VAT; SFG là bộ máy lãnh đạo mới, trẻ trung cùng sự phục hồi doanh thu, sản lượng, lợi nhuận rất tốt sau thời gian dài chìm trong suy thoái.

Bên cạnh các thuận lợi, ưu đãi về chính sách, năm 2017 hạn hán kéo dài chấm dứt, khu vực miền Trung- Tây Nguyên và Đông Nam Bộ mưa nhiều, giá các mặt hàng nông sản thuộc đối tượng tiêu thụ phân bón số lượng lớn như cao su, hồ tiêu cũng có sự phục hồi mạnh mẽ khi giá cà phê dao động từ 40.000 - 45.00 đồng/kg, giá mủ cao su thiên nhiên phục hồi từ vùng 30 triệu lên xấp xỉ 50 triệu đồng/tấn nên rất nhiều nhà vườn, công ty mở miệng khai thác mủ trở lại kéo theo nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng theo.

 

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/co-phieu-nganh-phan-bon-cuoi-nam-ra-sao-d204172.html