| Hotline: 0983.970.780

Chủ nhật 20/04/2025 - 07:54

Chính trị

Có những quy định máy móc, sao doanh nghiệp sống nổi

Thứ Hai 13/09/2021 - 18:28

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các Bộ, ban, ngành và địa phương tập trung nghiên cứu, thử nghiệm các hoạt động sản xuất trong tình hình bình thường mới.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị trực tuyến sáng 13/9. Ảnh: VGP.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị trực tuyến sáng 13/9. Ảnh: VGP.

Không ban hành thêm quy định quy định cản trở lưu thông hàng hóa

Tính đến nay, Hà Nội đã có hơn 50 ngày giãn cách xã hội. TP. HCM và các tỉnh phía Nam là hơn 65 ngày. Đây là quãng thời gian được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành mô tả trong hội nghị sáng 13/9: "Phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu, nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn để duy trì sản xuất ở một chừng mực nhất định".

Để hoàn thành mục tiêu kép của Chính phủ, là vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng, các địa phương phải vận dụng các chính sách, cơ chế một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế.

Trên quan điểm "lắng nghe để có giải pháp điều hành hiệu quả hơn", Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì.

Trong khoảng hai tháng giãn cách xã hội vừa qua, Phó Thủ tướng nhận xét, một số địa phương triển khai tốt, nhưng có nơi còn máy móc, dẫn đến sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất, theo lãnh đạo Chính phủ, là nông nghiệp. Từ chăn nuôi, gieo trồng, đến xuất khẩu, tất cả đều bị gãy chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, do phải hoạt động trong điều kiện giãn cách, đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ" hay "1 cung đường 2 điểm đến", nhiều nhà máy chỉ duy trì được khoảng 30-40% nhân công. Sự thiếu hụt lực lượng lao động cộng thêm khó khăn trong lưu thông, vận chuyển vật tư đầu vào do thủ tục cứng nhắc của các địa phương, khiến một loạt doanh nghiệp từ sản xuất, chế biến, đến xuất nhập khẩu gặp khó khăn. Người sản xuất không thu gom và bán được hàng, trong khi người tiêu dùng lại thiếu lương thực, thực phẩm và các đồ tiêu dùng thiết yếu.

“Nếu không có giải pháp thích hợp, không sớm ngăn chặn được dịch bệnh, kéo dài tình trạng giãn cách thì sẽ rất khó khăn, không chỉ đối với chủ doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến đời sống công nhân lao động, nông dân”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chia sẻ.

 Lấy ví dụ có địa phương đặt ra quy định xe chở hàng phải sang tải, “sang xe, đổi tài xế”, làm mất thời gian, gây ùn ứ, “xe chở mấy trăm con lợn, hàng nghìn con gà mà sang tải thì doanh nghiệp làm sao sống nổi!”. “Có địa phương cứng nhắc đến mức người ta chở con giống về thả, để tái đàn mà cũng không cho vào”.

Ông đề nghị tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước rút kinh nghiệm sâu sắc về vấn đề này, tránh tình trạng thiếu sâu sát, cứng nhắc, dẫn tới ùn tắc, ứ đọng trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, dẫn tới nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông. 

Nhất trí với ý kiến địa phương giữ vai trò quyết định, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, không ban hành thêm các quy trình, thủ tục, giấy phép gây khó khăn, cản trở lưu thông hàng hóa. Ông chỉ đạo, bãi bỏ việc sang tải. Thay vào đó, lực lượng chức năng tập trung kiểm tra chặt chẽ điểm đi, điểm đến và có cách quản lý kịp thời nếu lái xe dương tính với virus SARS-CoV-2.

"Không kiểm soát tốt, để xảy ra ổ dịch trong khi sản xuất, lưu thông hàng hóa, thì nguy hại gấp hàng vạn lần. Nó không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người dân, mà còn gây đình trệ nền kinh tế đất nước. Chúng ta tuyệt đối bảo đảm không để dịch bệnh lây lan qua hệ thống lưu thông hàng hóa", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Công nhân chế biến cá thát lát tại ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Công nhân chế biến cá thát lát tại ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đẩy mạnh vùng xanh

Thời gian qua, một số doanh nghiệp, đặc biệt là tại khu vực phía Nam tỏ ra lo lắng khi gặp phải nhiều rào cản ở vùng xanh hơn vùng đỏ. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn thông tin, rằng doanh nghiệp chế biến cá tra của bà đang gặp khó khăn lớn khi di chuyển lao động từ các tỉnh khác nhau về nhà máy tại huyện Mang Thít, Vĩnh Long - nơi đang là "vùng xanh" do hơn 14 ngày không phát hiện ca dương tính Covid-19.

Trước thực tế này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp, y tế, công thương, giao thông... đồng thời làm việc cụ thể với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ông cũng bày tỏ, rằng doanh nghiệp cần xây dựng phương án phục hồi sản xuất trong tình hình bình thường mới.

“Công nhân, nhà máy ở vùng xanh, xã xanh, huyện xanh thì địa phương cho kế hoạch tổ chức sản xuất trở lại với các điều kiện cụ thể. Ví dụ: trước khi vào sản xuất, 100% công nhân phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Nếu ở vùng xanh, các đồng chí cho công nhân về nhà, cho đi lại bình thường”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành gợi mở giải pháp.

Bên cạnh chủ trương "mở cửa", lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ban, ngành ưu tiên tiêm vacxin Covid-19 cho lực lượng sản xuất. Ngoài ra, định kỳ 1 tuần 2 lần, cán bộ y tế thực hiện xét nghiệm cho toàn bộ công nhân, phát hiện kịp thời những ca mắc bệnh, bảo đảm sản xuất an toàn từ cấp cơ sở. Đây cũng là những nhiệm vụ chính được giao cho Bộ Y tế.

Với Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng yêu cầu phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, và các hiệp hội ngành hàng cung cấp thông tin các thị trường; chủ động đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật liên quan đến thị trường nông, lâm, thủy sản; tăng cường trao đổi với các thị trường nhập khẩu chính để tạo thuận lợi trong thủ tục thông quan.

Bộ Giao thông vận tải được giao nghiên cứu mở các chuyến bay phục vụ xuất khẩu hàng hóa, và thường xuyên nắm bắt tình hình thực tế.

“Nếu các khu vực, các cảng gặp vấn đề, Bộ Giao thông vận tải phải trực tiếp xuống làm việc với tỉnh. Nếu để xảy ra tình trạng ùn tắc hay ban hành thêm các chính sách khác, Bộ phải chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhằm triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch, đảm bảo sản xuất, và hạn chế thấp nhất tác động của Covid-19, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khôi phục hoạt động. 

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đề nghị các thương nhân, doanh nghiệp chuyển nhanh sang xuất khẩu chính ngạch để bảo đảm tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Ông đề cao vai trò của các địa phương trong vai trò kết nối cung - cầu thị trường và hỗ trợ tiêu thụ cho người dân.

“Tại sao Bắc Giang, Hải Dương có thể xuất khẩu suôn sẻ hơn 100.000 tấn vải thiều trong thời gian ngắn, trong khi thanh long, dưa hấu thì nay tắc chỗ này mai tắc chỗ khác”, Thứ trưởng Khánh đặt vấn đề.

Bên cạnh việc khuyến cáo các tỉnh có sản lượng thanh long, dưa hấu lớn tham khảo cách làm của Bắc Giang, lãnh đạo ngành Công thương còn nêu loạt giải pháp tác động vào nguồn cung, vào phía cầu, và cả các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu, xúc tiến thương mại, lưu thông hàng hóa.

“Nếu tất cả cùng vào cuộc, tôi tin việc tiêu thụ nông sản cho người dân thời gian tới sẽ có sự chuyển biến tích cực”, ông Trần Quốc Khánh bày tỏ.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/co-nhung-quy-dinh-may-moc-sao-doanh-nghiep-song-noi-d302520.html