Thứ sáu 02/05/2025 - 08:56
Pháp luật - Bạn đọc
Có nên tìm thầy để đặt tên cho con?
Thứ Ba 07/05/2013 - 14:09
Làm cha mẹ bất kỳ ai cũng mong muốn đứa con mình sinh ra được khỏe mạnh và sau này có một cuộc sống sung túc. Cũng chính vì vậy mà có rất nhiều vị phụ huynh ngay cả khi con mình chưa ra đời cũng đi xem thầy để đặt tên cho con.
* Làm cha mẹ bất kỳ ai cũng mong muốn đứa con mình sinh ra được khỏe mạnh và sau này có một cuộc sống sung túc. Cũng chính vì vậy mà có rất nhiều vị phụ huynh ngay cả khi con mình chưa ra đời cũng đi xem thầy để đặt tên cho con. Vậy việc làm như vậy có hợp lý không? (Dương Xuân Hòa, Hạ Hòa, Phú Thọ)
Ai cũng muốn cho con mình khỏe mạnh, thông minh, ngoan ngoãn và có một tương lai tốt đẹp. Vì vậy gửi gắm rất nhiều hy vọng thông qua việc đặt tên cho con. Ngày xưa trình độ dân trí thấp cho nên nhiều người dân thôn quê đặt những tên xấu xí cho con để mong không bị ma quỷ bắt đi. Điều ấy thật là vô lý.
Ngày nay vẫn còn những người đi nhờ thầy đặt hộ tên, kể cả khi vợ mình mới mang thai. Điều ấy cũng thật vô lý. Thầy ấy là ai? Nếu là một người mình thật sự kính trọng, yêu mến thì cũng không sao. Ví dụ trường hợp tên của BS. Tôn Thất Bách là do Bác Hồ gợi ý cho BS Tôn Thất Tùng thì thật hợp lý. Sau này đúng là những cây tùng cây bách trong nền y học nước nhà. Nếu thầy là thầy bói, thầy tướng số thì thật mất công toi, mất tiền toi.
Nhà tôi bố tôi lấy tên bố (Lân) để làm đệm cho con trai và lấy tên mẹ (Tề) để làm tên đệm cho con gái (Tề Chỉnh). Bố tôi xuất thân là một cậu bé nông thôn gầy yếu (sau nhờ thường xuyên luyện tập nên mới thọ tới 98 tuổi- mất vì bị ung thư đại tràng, nếu không chắc còn thọ nữa) nên hy vọng con cái khỏe mạnh vì thế mới có một dàn tên Dũng, Cường, Hùng, Tráng- mặc dầu sau này chả có đứa nào theo nghiệp thể thao hay võ nghệ (trừ Lân Trung hoạt động nghiệp dư trong ngành bóng đá)...
Nên đặt tên con thế nào hoàn toàn tùy theo sự thống nhất của cha mẹ, tuy nhiên tránh đặt tên trùng với các danh nhân (như Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm...), tránh đặt tên khó đọc, khó hiểu hoặc vô nghĩa, tránh đặt tên con gái giống tên con trai hoặc ngược lại (bây giờ đệm Văn, đệm Thị thường còn ít người sử dụng), tránh đặt tên quá dài (từ 5 chữ trở lên), tránh đặt tên xấu như ngày xưa, tránh đặt những tên đã có quá nhiều người sử dụng rồi (Hòa Bình, Chiến Thắng, Hạnh Phúc, Thành Công...).
Tất nhiên đó chỉ là ý kiến của riêng tôi mà thôi.
* Em bé trong bụng người mẹ được bao nhiêu tuần tuổi thì có thể cảm nhận được giọng nói của cha mẹ? (Nguyến Trần Vân Anh, Hoàng Mai, Hà Nội)
Theo trang web hn.eva.vn thì điều này phụ thuộc vào tuổi thai của bé. Khoảng thời gian từ tuần 20 đến tuần 27, bé sẽ bắt đầu có khả năng nghe. Nhịp đập trái tim của mẹ là âm thanh mà bé có thể nghe được rất rõ, bé cũng cảm nhận được âm thanh từ những cuộc hội thoại và những tiếng động bên ngoài tử cung.
Ban đầu em bé chỉ có thể nghe thấy âm thanh có tần số thấp. Những âm thanh này chủ yếu là những gì đang xảy ra trong cơ thể của mẹ, chẳng hạn như sự bơm máu qua các mạch máu, tiếng sôi của bụng và hơi thở của mẹ nữa. Từ khoảng tuần 20 đến tuần 33, bé có thể nghe được những âm thanh có tần số cao như tiếng khóc của một đứa trẻ hay tiếng còi xe…
Mẹ có thể nhận biết về sự cảm thụ âm thanh ở bên ngoài tử cung của bé bằng cách nghe nhạc, đọc sách hay nói chuyện với bé. Em bé của bạn có thể đáp ứng lại với những kích thích âm thanh ấy bằng cách di chuyển xung quanh nhiều hơn và khiến cho nhịp đập của tim mẹ tăng lên.
Các nghiên cứu về hành vi của trẻ sơ sinh cho thấy, bé quen với âm nhạc và tiếng nói mà bé đã nghe được từ khi còn ở trong tử cung. Khi bé được sinh ra, nếu bé được nghe những âm thanh từ trong bụng mẹ thì bé sẽ xuất hiện những phản ứng nhanh nhẹn hơn, hoạt bát hơn. Bé cũng có thể chú ý tới giọng nói của mẹ hơn của bất cứ người nào khác.
Các chuyên gia không khẳng định âm thanh lớn không mang lại sự an toàn cho bé. Tuy nhiên, các mẹ có thể yên tâm rằng em bé được cách nhiệt tốt trong tử cung của mẹ. Bản năng của mẹ có lẽ là chỉ dẫn tốt nhất để lựa chọn mức độ âm thanh cho bé. Tuy nhiên bé cũng ghét những âm thanh ồn ào, những âm thanh buồn bã, rên rỉ. Vì vậy các mẹ chú ý lựa chọn âm thanh vui vẻ, nhẹ nhàng cho bé.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/co-nen-tim-thay-de-dat-ten-cho-con-d109811.html