| Hotline: 0983.970.780

Thứ bảy 24/05/2025 - 18:28

Pháp luật - Bạn đọc

Cỏ mực dùng chữa bệnh

Thứ Ba 25/08/2009 - 10:30

Có phải cỏ mực có thể chữa được một số bệnh thường gặp?

* Có phải cỏ mực có thể chữa được một số bệnh thường gặp?

Ngô Thị Hà, Ứng Hòa, Hà Nội

Theo các DS Trần Việt Hưng và Phan Đức Bình thì cỏ mực còn được gọi là cỏ nhọ nồi, Hạn liên thảo, tên khoa học là Eclipta prostrata, thuộc họ Cúc. Kinh nghiệm dân gian ở Trung Quốc và Việt Nam cho biết có thể dùng cỏ mực để trị rụng tóc, chữa nấm da, chữa lang ben, hắc lào, dùng làm thuốc bổ gan, trị viêm lách, viêm gan vàng da. Cây còn được dùng để trị ho, chảy máu cam, ăn khó tiêu, choáng váng, đau răng, giúp chóng lành vết thương.

Rễ dùng để gây nôn mửa. Lá giập nát trị vết rết hay bò cạp cắn, trị nấm, trị suyễn. Cây giã nát trộn với dầu vừng để đắp vào nơi viêm hạch, trị bệnh ngoài da, chốc đầu, rôm sảy. Sắc toàn cây để trị ho ra máu (dùng chung với trắc bách diệp sao cháy), tiểu ra máu (dùng chung với mã đề và rễ cỏ tranh), phân ra máu (dùng chung với địa du), sốt xuất huyết (thêm hoa hòe, hoa kim ngân), trị viêm ruột, trị viêm gan vàng da (thêm diệp hạ châu đắng). Còn dùng để trị rong kinh, băng huyết, trĩ (lấy 20-30g cây khô, sắc lấy nước uống). Để kháng viêm nên dùng bột lá với liều uống là 1,2g/kg cơ thể. Nên thu hái vào đầu mùa thu phơi khô để dự trữ khi cần dùng.

* Kha tử là quả của cây gì và dùng để chữa bệnh gì?

Phạm Minh Thanh, Nam Đàn, Nghệ An

Theo BS Huỳnh Ngọc Tụng thì Kha tử thường mua ở các hiệu thuốc Bắc là quả của cây Chiêu liêu (có tên khoa học là Terminalia chebula, thuộc họ Bàng). Cây gỗ cao 10-30m, mọc hoang trong rừng từ Tây Nguyên đến Kiên Giang. Thường dùng để điều trị một số bệnh sau đây:

- Tiêu chảy, kiết lỵ: Vỏ cây Chiêu Liêu khô mỗi ngày dùng 30g, sắc lấy nước uống.

- Viêm họng đỏ: Dùng nước sắc nói trên mỗi lần ngậm 1-2ml rồi nuốt từ từ. Dùng 10-20 quả Kha tử khô, rửa sạch. Dùng kìm bấm lấy vỏ quả. Cắt thành từng miếng nhỏ (3 x 4mm), phơi thật khô, cho vào lọ kín để dành khi dùng. Dùng để trị viêm họng hay tiêu chảy kiết lỵ bằng dùng nước ngâm hay sắc lấy nước. Người lớn có thể dùng vài miếng đặt dưới lưỡi khi bị biêm họng. Sau vài giờ thay vài miếng khác. Có thể ngậm như vậy khi đi ngủ sáng dậy thấy hết viêm rồi. Có thể làm như vậy khi bị lở ở lưỡi, môi, lợi. Còn dùng để trị đau nhức chân răng ở người già (đặt vào cạnh chân răng bị đau). 

* Mật ong được ong tạo ra bằng cách nào? Chất lượng của mật ong phụ thuộc vào những gì? 

NguyễnThế Sơn, Đoan Hùng, Phú Thọ

Mật ong do ong mật thuộc chi Apis tạo thành từ chất ngọt do ong thu thập được từ các bông hoa. Theo quy định quốc tế thì "Mật ong là sản phẩm thuần khiết, không cho phép thêm bất kỳ chất gì vào”. Mật ong ngọt hơn đường kính, do ngoài glucose còn có đường fructose, có hương vị riêng biệt.

Phần lớn vi sinh vật không sống được trong mật ong vì áp suất thẩm thấu cao. Tuy nhiên, mật ong có thể chứa bào tử của vi khuẩn Clostridium botulinum, có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ khi các bào tử sau khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành các vi khuẩn sống và tạo ra độc tố thần kinh rất độc - đó là chất botulin.

Nghiên cứu phấn hoa người ta có thể xác định được nguồn hoa mà ong đã dùng làm mật. Tác dụng việc ong lấy mật còn là sự thụ phấn cần thiết cho mùa màng và cây ăn quả. Người nuôi ong có thể lấy bớt mật ra mà không gây hại gì cho đàn ong. Nguồn gốc mật ong là hoa cho nên người nuôi ong phải di chuyển đàn ong đến các vùng có hoa theo từng chu kỳ trong một năm. Ong mật thường kiếm hoa trong vòng 2-3km nhưng cũng có thể tới 10km. Về kỹ thuật nuôi ong mật có thể tìm trong các sách dạy nuôi ong, hay tốt hơn là tham quan học hỏi kinh nghiệm từ những gia đình có truyền thống nuôi ong thành công, nhất là kinh nghiệm xẻ đàn vào tháng 10 hàng năm.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/co-muc-dung-chua-benh-d38599.html