Thứ ba 13/05/2025 - 17:59
Khoa học & Công nghệ
Cơ hội đột phá khoa học ngành Khí tượng Thuỷ văn
Thứ Ba 13/05/2025 - 17:54
Nghị quyết 57 đã mở ra cơ hội vàng cho khoa học ngành Khí tượng Thủy văn (KTTV) tiếp tục đổi mới, tiên phong trong phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
- Nghị quyết 57 và giải pháp về chọn tạo giống cây trồng
- Nghiên cứu khoa học môi trường, nước, viễn thám phải mang tầm vóc mới
- Nghị quyết 57 như 'hồi trống lệnh' hiệu triệu nhà khoa học
PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu nhấn mạnh, khi trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Ảnh: Hà Trang
Đầu tư cho KTTV 1 đồng có thể thu lại hiệu quả kinh tế hơn 30 đồng
Thưa bà, trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp, khó lường, bà đánh giá như thế nào về vai trò của công tác dự báo khí tượng thuỷ văn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội?
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình hình các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn biến ngày càng phức tạp, gây ra những thiệt hại đáng kể đối với người dân, tài sản cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp - lĩnh vực chịu tác động trực tiếp, nhạy cảm nhất đối với thời tiết và khí hậu.
Ngành Khí tượng Thủy văn (KTTV) là ngành tiên phong trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là ngành khoa học cơ bản, mang tính phục vụ cộng đồng, lao động sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã đúc kết rằng, đầu tư cho KTTV 1 đồng có thể thu lại hiệu quả kinh tế hơn 30 đồng.
Do đó, vai trò của công tác dự báo KTTV rất quan trọng để phòng ngừa, ứng phó với các tình huống thiên tai. Trong đó, có 3 nền tảng quan trọng cần lưu ý để có thể thực hiện tốt công tác dự báo KTTV: thứ nhất là mạng lưới quan trắc và các số liệu thời gian thực; thứ hai là công nghệ dự báo, cảnh báo; thứ ba là trình độ nguồn nhân lực của ngành KTTV.
Để đội ngũ cán bộ ngành KTTV tạo ra sự đột phá, phát huy được vai trò tuyến đầu, Nhà nước cần tập trung đầu tư những khía cạnh nào, thưa bà?
Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư để phát triển lĩnh vực KTTV là cực kỳ quan trọng. Trong đó, vai trò đầu tư của Nhà nước là rất lớn. Từ thực tiễn cho thấy những khía cạnh cần tập trung đầu tư, bao gồm: Một là, mạng lưới KTTV, hệ thống quan trắc và truyền tin cần được nâng cấp, đầu tư đồng bộ. Tăng mật độ trạm quan trắc và đầu tư các thiết bị như radar, máy bay không người lái, giúp quan trắc các hiện tượng thời tiết ở quy mô rộng hơn, làm tiền đề tạo dựng mạng lưới dữ liệu lớn phục vụ cho phát triển khoa học – công nghệ trong dự báo KTTV.
Hai là, đầu tư toàn diện vào hệ thống tính toán để xử lý dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI). Tính đến nay, hệ thống máy tính hiệu năng cao đầu tư từ giai đoạn 2017-2018 (sau 5 năm hết thời hạn vận hành), cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác chuyển giao công nghệ dự báo AI từ quốc tế cũng đang hạn chế. Vì vậy, phải có đột phá rất mạnh về hệ thống này.
Ba là, chính sách đầu tư để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường đào tạo và thu hút những nguồn nhân lực trẻ có năng lực về toán, lý, công nghệ. Như vậy chất lượng KTTV mới được nâng lên và tiệm cận sát với trình độ thế giới.
Nghị quyết 57 khẳng định rõ vai trò then chốt của đội ngũ nhà khoa học
Dưới góc độ một nhà khoa học trong ngành KTTV, bà đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Nghị quyết 57 -NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đối với ngành cũng như cá nhân bà và cộng sự?
Nghị quyết 57 được xem là bước ngoặt hết sức quan trọng, không chỉ đối với cộng đồng khoa học nói chung mà đặc biệt có ý nghĩa sâu sắc đối với các nhà khoa học trong lĩnh vực KTTV. Chúng tôi thực sự phấn khởi và đặt nhiều kỳ vọng vào các chính sách đột phá nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, qua đó nâng cao hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trước tiên, Nghị quyết 57 khẳng định rõ vai trò then chốt của đội ngũ nhà khoa học. Điều này có ý nghĩa động viên rất lớn, giúp các nhà khoa học yên tâm cống hiến, kiên trì theo đuổi đam mê nghiên cứu, khám phá những quy luật vận hành phức tạp của tự nhiên và khí hậu.
Tôi rất tâm đắc với nhận định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khi nhấn mạnh rằng: Khoa học là công cụ giúp con người khám phá bí mật của vũ trụ, còn công nghệ là phương tiện hỗ trợ sáng tạo, giúp con người phát triển và tiếp tục khám phá. Đây là cách tiếp cận hiện đại, khoa học, tạo động lực thúc đẩy nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng cùng phát triển.
Trong thời gian qua, hạn chế về đầu tư cho khoa học đã kìm hãm phần nào năng lực khám phá, nghiên cứu, sáng tạo của các nhà khoa học. Nghị quyết 57 mở ra cơ chế cởi trói rất mạnh mẽ, trao quyền tự chủ cao hơn, giúp các nhà khoa học mạnh dạn triển khai các đề tài nghiên cứu mang tính thách thức, mạo hiểm, mở đường cho các hướng nghiên cứu mới, có tính đột phá. Với ngành KTTV, đây là cơ hội lớn để chúng tôi nâng cấp hạ tầng quan trắc, mô hình dự báo, công nghệ phân tích dữ liệu, phục vụ dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu chính xác và kịp thời hơn.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đã sớm xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 57 với những định hướng rất cụ thể, sát thực tiễn cho từng lĩnh vực, trong đó có ngành KTTV. Những định hướng này trở thành kim chỉ nam để ngành KTTV thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác quan trắc, dự báo, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ quốc gia và cộng đồng quốc tế.
Nghị quyết 57 cũng đề cập đến việc tăng cường hợp tác quốc tế. Bà nhận định thế nào về vai trò của vấn đề này đối với ngành KTTV Việt Nam?
Hợp tác quốc tế là xu thế tất yếu, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học như KTTV, nơi mà tri thức nhân loại luôn đi trước và rộng lớn vô hạn. Trước đây, do hạn chế nguồn lực, chúng ta chủ yếu dựa vào hỗ trợ từ phía các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, với các cơ chế mới được mở ra từ Nghị quyết 57, chúng ta có thể chủ động hơn, bình đẳng hơn trong hợp tác, đồng thời góp phần đưa các vấn đề về khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu của Việt Nam ra thế giới.
Tôi kỳ vọng rằng trong thời gian tới, các chương trình hợp tác sẽ theo hướng hai bên cùng đầu tư tài chính, cùng triển khai các nghiên cứu chung. Điều này không chỉ giúp nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu của đội ngũ nhà khoa học trong nước, mà còn giúp chúng ta tiệm cận nhanh hơn với trình độ khu vực và thế giới.
Trân trọng cảm ơn bà!
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/co-hoi-dot-pha-khoa-hoc-nganh-khi-tuong-thuy-van-d752895.html