| Hotline: 0983.970.780

Chủ nhật 18/05/2025 - 05:02

Thời sự Nông nghiệp - Môi trường

Cơ giới hóa sản xuất là tâm điểm hợp tác nông nghiệp Việt - Đức

Chủ Nhật 18/05/2025 - 04:54

Hiệp hội Nông nghiệp Đức tìm hiểu khả năng xây dựng trung tâm dịch vụ cơ giới hóa ở ĐBSCL, hỗ trợ nông dân tiếp cận và sử dụng máy móc tân tiến.

Toàn cảnh buổi làm việc của Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam và Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG). Ảnh: Erik Guttulsröd. 

Toàn cảnh buổi làm việc của Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam và Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG). Ảnh: Erik Guttulsröd. 

Ngày 17/5 (giờ địa phương), Thứ trưởng Trần Thanh Nam gặp và làm việc với Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG) nhằm thúc đẩy cơ giới hóa, an toàn thực phẩm và phát triển bền vững. Tiếp đoàn Bộ NN-MT là ông Jens Kremer, Giám đốc điều hành DLG Markets.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao việc tăng cường việc trao đổi và hợp tác giữa của DLG trong thời gian qua, đặc biệt là sáng kiến tổ chức AGRITECHNICA ASIA mỗi hai năm tại Việt Nam.

"AGRITECHNICA ASIA Vietnam 2025 là dịp đầu tiên DLG mang kiến thức chuyên môn được công nhận trên toàn cầu đến Việt Nam. Các giải pháp tại triển lãm không chủ phù hợp với nhu cầu của ngành nông nghiệp địa phương mà còn tập trung vào việc giải quyết những thách thức chính mà nông dân Việt phải đối mặt, như nâng cao năng suất, ứng dụng các phương pháp bền vững và tiếp cận các công nghệ tiên tiến...”, Thứ trưởng Nam cho biết.

Về cơ giới hoá, Việt Nam phấn đấu trở thành một trong những cường quốc nông nghiệp trên thế giới, trong đó tập trung triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Vì vậy, phía Việt Nam mong muốn tìm kiếm các thiết bị máy phù hợp với sản xuất nông nghiệp và công tác kiểm định máy nông nghiệp, tăng cường năng lực cho chuyên gia, nông dân trong nước về máy nông nghiệp.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao kinh nghiệm của DLG trong cơ giới hóa nông nghiệp. Ảnh: ICD.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao kinh nghiệm của DLG trong cơ giới hóa nông nghiệp. Ảnh: ICD.

"Chúng tôi mong muốn DLG tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sang tìm hiểu mô hình chuyển đổi và ứng dụng công nghệ của Đức trong nông nghiệp", Thứ trưởng kỳ vọng DLG chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ đào tạo nghề về cơ giới hóa nông nghiệp theo tiêu chuẩn Đức, hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về khả năng xây dựng trung tâm dịch vụ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị DLG phối hợp triển khai các mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo chuyên đề về công nghệ nông nghiệp tiên tiến, cơ giới hóa, và nông nghiệp bền vững.

Ngoài ra, Bộ đề xuất DLG hỗ trợ trang thiết bị, chuyển giao công nghệ và phối hợp đào tạo nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nông nghiệp trong khu vực trọng điểm này.

Hai bên có thể xem xét ký kết Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nội dung chính gồm: đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, nâng cao năng lực và đào tạo nghề trong cơ giới hóa; logistics và chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc điều hành DLG châu Á - Thái Bình Dương Katharina Staske, nhấn mạnh Bản ghi nhớ giữa Báo Nông nghiệp và Môi trường và DLG không chỉ giúp mở rộng phạm vi truyền thông mà còn góp phần thúc đẩy cơ giới hóa tại Việt Nam. Ảnh: Erik Guttulsröd.

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc điều hành DLG châu Á - Thái Bình Dương Katharina Staske, nhấn mạnh Bản ghi nhớ giữa Báo Nông nghiệp và Môi trường và DLG không chỉ giúp mở rộng phạm vi truyền thông mà còn góp phần thúc đẩy cơ giới hóa tại Việt Nam. Ảnh: Erik Guttulsröd.

Lắng nghe chia sẻ từ phía Việt Nam, phía DLG nhất trí sẽ tổ chức các hội thảo kết nối doanh nghiệp hai nước trong khuôn khổ triển lãm AGRITECHNICA 2025, diễn ra từ ngày 9 - 15/11 tại Hanover, Đức.

Giám đốc điều hành DLG Markets Jens Kremer khẳng định, DLG có đủ năng lực chuyên môn để hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện năng suất và thúc đẩy cơ giới hóa trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Bên cạnh đó, DLG mong muốn Việt Nam tham gia vào nhóm làm việc của các nước Đông Nam Á về trồng lúa, nhằm thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp nghiên cứu trong khu vực. Đồng thời, khuyến khích tăng cường sự tham gia của lực lượng nông dân trẻ trong quá trình chuyển đổi nông nghiệp bền vững.

Đồng ý với đề xuất trên, Thứ trưởng Bộ NN-MT nhấn mạnh rằng các diễn đàn đổi mới sáng tạo sắp tới tại Việt Nam và Đức sẽ là "sân chơi" thể hiện tài năng, qua đó tạo động lực để lớp trẻ góp phần phát triển nền nông nghiệp hiện đại của Việt Nam.

Liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm, DLG sẵn sàng hỗ trợ toàn diện từ trang trại đến doanh nghiệp, bao gồm quy trình kiểm định thường nhật như lấy mẫu, kiểm tra và cấp chứng chỉ. Giám đốc DLG Markets Jens Kremer đề xuất đánh giá khả năng tích hợp quy trình này tại Việt Nam để đạt mục tiêu xuất khẩu nông sản sang thị trường EU.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/co-gioi-hoa-san-xuat-la-tam-diem-hop-tac-nong-nghiep-viet--duc-d753725.html