| Hotline: 0983.970.780

Thứ tư 21/05/2025 - 14:21

Thú y

Chuyện thú y cơ sở: [Bài cuối] Lo lắng vẫn còn

Thứ Tư 21/05/2025 - 13:50

Lượng thú y cơ sở tại Quảng Bình mới được tái lập chưa tròn một năm, nay đứng trước những thách thức mới khi chủ trương bỏ cấp huyện được triển khai trên toàn quốc.

Hiện, tỉnh Quảng Bình có 5 Trạm Chăn nuôi và Thú y đang hoạt động tại các địa phương. Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình cho hay, sau khi tái thành lập, các trạm đã nhanh chóng ổn định tổ chức và bắt tay vào hoạt động.

Đây là lực lượng đã quen việc, quen lộ trình trong nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ cho ngành chăn nuôi phát triển. Tuy nhiên, anh em cũng đang lo lắng vì cũng chưa biết thời gian tới sẽ hoạt động ở xã hay liên xã như hiện nay.

Trạm Chăn nuôi và Thú y Tuyên Hóa - Minh Hoá tổ chức tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại các khu dân cư. Ảnh: T. Phùng.

Trạm Chăn nuôi và Thú y Tuyên Hóa - Minh Hoá tổ chức tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại các khu dân cư. Ảnh: T. Phùng.

Tái lập chưa tròn một năm

Từ tháng 7/2024, Quảng Bình đã tái thành lập các đơn vị thú y cơ sở. Theo đó, toàn tỉnh có 5 trạm, gồm Trạm Chăn nuôi và Thú y Lệ Thủy, Trạm Đồng Hới - Quảng Ninh, Trạm Bố Trạch, Trạm Ba Đồn - Quảng Trạch và Trạm Tuyên Hóa - Minh Hóa. Nhân sự các Trạm chủ yếu là lực lượng cán bộ thú y trước đây biên chế cho các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp nay trở về các trạm.

Sau khi tái thành lập, mỗi Trạm Chăn nuôi và Thú y được biên chế 5 người có chuyên môn đảm nhận nhiệm vụ chăn nuôi và thú y tại các địa bàn. Hệ thống cán bộ thú y cơ sở xã phường, thị trấn được xây dựng và củng cố trở lại và hoạt động bước đầu đáng ghi nhận.

Tại xã Vạn Trạch (huyện Bố Trạch), đã thành lập Ban Thú y xã do một Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban. Xã có 9 thôn đều được thành lập Tổ Thú y tự nguyện gồm những người có kiến thức về chăn nuôi thú y hoặc đang làm dịch vụ thú y tham gia.

Ông Nguyễn Hải Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Trạch cho biết, nhờ có hệ thống thú y cơ sở nên đã xây dựng được phong trào toàn dân tham gia thực hiện an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.

“Địa phương chgúng tôi đã được công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh chăn nuôi. Người dân tự giác hàng tháng làm vệ sinh môi trường, chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng trên các trục đường nông thôn. Từ đó, hạn chế và đẩy lùi các loại dịch bệnh, người dân an tâm trong việc tái đàn, phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại, trang trại”, ông Lương chia sẻ thêm.

Do mới được tái lập nên cơ sở vật chất của các trạm cũng gặp nhiều khó khăn. Anh em cán bộ tại các trạm đã linh động đưa tài sản, thiết bị như máy tính, bảo hộ lao động… của cá nhân vào sử dụng cho nhiệm vụ. Trước khó khăn đó, Cục Thú y (nay là Cục Chăn nuôi và Thú y), đã hỗ trợ thiết bị, động viên lực lượng cán bộ thú y cơ sở Quảng Bình, tạo động lực mới cho anh em trong việc hoàn thành nhiệm vụ.

Anh Nguyễn Việt Cường, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y Ba Đồn, huyện Quảng Trạch chia sẻ: “Khi đi vào hoạt động khó khăn và thiếu thốn lắm. Chúng tôi chỉ có trụ sở cũ mà 5 năm khóa cửa. Bàn ghế, phương tiện… anh em tự chủ động sắp xếp để có nơi làm việc. Ngay từ những tháng đầu tiên, Trạm đã xây dựng kế hoạch trong nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh cho các địa phương trên địa bàn để đạt hiệu quả công tác cao nhất”.

Triển khai tiêm vaccine cho đàn gia súc tại huyện Tuyên Hóa. Ảnh: T. Phùng.

Triển khai tiêm vaccine cho đàn gia súc tại huyện Tuyên Hóa. Ảnh: T. Phùng.

Nhớ lại năm ngoái, khi các Trạm mới được tái lập thì dịch bệnh tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 72 hộ thuộc 145 xã của 5 huyện, thị xã trong tỉnh. Lực lượng thú y cơ sở đã được tăng cường để trực tiếp cùng bà con thực hiện tiêu hủy đúng quy trình trên 600 con lợn nhiễm bệnh.

Tại Thôn Hợp Bàn, xã Quảng Hợp. huyện Quảng Trạch, nơi phát hiện ổ dịch đầu tiên trên đàn lợn 45 con. Lực lượng thú y đã đêm ngày bám cơ sở, động viên, hướng dẫn bà con làm vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng các tuyến đường liên thôn, ở khu vực lân cận vùng có dịch.

Lực lượng cán bộ thú y cũng luôn có mặt tại các điểm chốt để phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc di chuyển đàn lợn vào ra vùng có dịch. Nhờ vậy, dù là điểm đầu tiên phát hiện có ổ dịch, nhưng chỉ tháng sau là ổ dịch này đã không phát sinh mới, các địa phương lân cận cũng không có dịch.

Ông Trương Thái Hoàng, Trưởng thôn Hợp Bàn cho hay, ban đầu người dân rất lo lắng vì tính đến chuyện đàn lợn gia đình sẽ bị lây bệnh và buộc phải tiêu hủy. Nhưng nhờ có lực lượng cán bộ thú y tăng cường về nên đã bao vây, dập được ổ dịch trong thời gian ngắn.

“Điều này đã làm cho bà con an tâm hơn với việc phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Địa phương chúng tôi đang còn gặp nhiều khó khăn nên việc chăn nuôi tránh được dịch bệnh là bà con quá vui mừng”, ông Hoàng bộc bạch.

Cán bộ thú y cơ sở hỗ trợ bà con tiêu hủy lợn theo đúng quy trình phòng dịch. Ảnh: T. Phùng.

Cán bộ thú y cơ sở hỗ trợ bà con tiêu hủy lợn theo đúng quy trình phòng dịch. Ảnh: T. Phùng.

Trạm bắt đầu đi vào hoạt động hiệu quả

Chúng tôi có dịp về dự lễ phát động làm vệ sinh môi trường nông thôn và tiên vaccine phòng bệnh dại tại xã Phong Hóa với cùng đông đảo bà con nhân dân.

Ông Đỗ Đức Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình đã nhìn nhận: “Khi tái thành lập Trạm Chăm nuôi và Thú y Tuyên Hóa - Minh Hóa các nhiệm vụ về công tác thú y như được khơi thông trở lại. Người dân tích cực tham gia các phong trào vệ sinh môi trường, tiên phòng vaccine cho vật nuôi và an tâm hơn khi tái đàn, phát triển chăn nuôi để tăng thu nhập”.

Đến tham dự lễ phát động, ông Nguyễn Văn Quang là người dân thôn Phong Hóa 1 cũng đã đưa hai con chó nuôi đến để cán bộ thú y tiêm vaccine phòng bệnh dại. Ông hồ hởi cho hay: “Từ khi có trạm thú y, bà con phấn khởi hẳn lên. Từ năm ngoái, cả thôn đã được vận động tự giác đưa chó đi tiêm phòng dại. Năm này khi hay tin nhà nhà đều nhốt, gông chó đến để tiêm phòng. Trước đây, thôn cũng đã có người bị chó cắn lây bệnh. Nay bà con an tâm rồi, cả đám trẻ đi học, đi chơi không còn lo ngại như trước”.

Theo ông Nguyễn Đăng Bảy, phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y Tuyên Hóa - Minh Hóa (thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình), dù mới được tái lập, nhưng Trạm đã nhanh chóng đi vào hoạt động có hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh và công tác tiêm phòng vaccine.

Dù nhân lực của trạm chỉ có 5 người mà phải hoạt động trên địa bàn miền núi của hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa nên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cán bộ thú y của Trạm đã được phân công phụ trách nhiều xã để nắm bắt tình hình dịch bệnh và có phương án xử lý kịp thời.

“Chính quyền các địa phương và bà con rất tạo điều kiện cho anh em chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài việc cung cấp thông tin bà con cũng luôn quan tâm để công tác phòng trừ dịch bệnh và triển khai tiêm phòng bệnh dại, tiêm vaccine đạt tỷ lệ cao”, ông Bảy bộc bạch.

Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Bình chia sẻ: “Sau khi tái thành lập lực lượng cán bộ thú y cơ sở đã thành nòng cốt trong nhiệm vụ tiêm phòng các loại vaccine và phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Nhờ vậy, thời gian qua, Quảng Bình khống chế được dịch bệnh, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển”.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/chuyen-thu-y-co-so-bai-cuoi-lo-lang-tuong-lai-khi-bo-cap-huyen-d752624.html