Thứ ba 20/05/2025 - 14:48
Thú y
Chuyện thú y cơ sở: [Bài 2] Vắng thú y, dịch bệnh bủa vây
Thứ Ba 20/05/2025 - 14:34
Những năm vắng bóng các Trạm thú y và thú y cơ sở, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi gia tăng khiến người chăn nuôi thiệt hại nặng
Ông Dương Viết Phương Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình cho hay: “Mỗi khi có dịch bệnh xảy ra, việc phối hợp phòng chống dịch giữa các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp với lực lượng thú y cũng gặp khó nên hiệu quả không cao”.

Bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò được phát hiện trên địa bàn huyện Quảng Trạch. Ảnh: T. Phùng.
Dịch bệnh lây lan phức tạp
Từ năm 2019, Quảng Bình lần lượt thành lập các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tại các thành phố, thị xã, huyện. Trên cơ sở đó, hệ thống thú y cơ sở, các trạm thú y địa phương giải tán và lực lượng cán bộ thú y được biên chế vào các trung tâm để đảm nhận các khoản dịch vụ thú y địa phương.
Ông Dương Viết Phương Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình cho biết, sau đó, công tác thú y bắt đầu phát sinh những khó khăn trong việc điều hành hoạt động và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ.
“Khi có dịch bệnh xảy ra, việc báo cáo nhanh và nắm bắt tình hình cũng bị gián đoạn. Bắt đầu xảy ra hiện tượng người chăn nuôi giấu thông tin dịch bệnh để tìm cách bán tháo lợn bệnh. Khi xử lý ổ dịch cũng gặp khó vì thiếu sự phối hợp ở cơ sở”, ông Tuấn nói thêm.
Tại nhiều địa phương, người chăn nuôi đã mang xác lợn, gà vịt…bị bệnh chết ra ném ngoài đồng xa, tạo nên những ổ dịch lây lan trên diện rộng. Ông Nguyễn Văn Lân, một hộ chăn nuôi ở xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh), cho hay, địa phương này có mấy năm liền phải gặp khó khăn trong việc phòng chống dịch trên đàn vật nuôi.
“Do vùng đồng nằm xa khu dân cư nên cứ vào mùa dịch bệnh là có những người cho lợn vào bao tải chở ra ném ngoài mương, ngoài đồng chứ không chịu chôn lấp. Chính quyền địa phương phải thu dọn, xử lý chôn lấp”, ông Lân kể.
Nhiều năm liên tục, các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm như dịch tả lợn Châu Phi, dịch tai xanh trên đàn lợn, dịch bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên đàn trâu bò, dịch cúm trên đàn gia cầm… tại các địa phương trong tỉnh liên tục bùng phát và lây lan trên diện rộng gây thiệt hại lớn cho tổng đàn vật nuôi và đẩy người chăn nuôi vào khó khăn thua lỗ nặng.
Nhiều năm liên tục, tại Quảng Bình đã xảy ra các đợt dịch bệnh tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng…, phải tiêu hủy hàng vạn con gia súc, thiệt hại cho ngành chăn nuôi lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Năm 2019, huyện Quảng Trạch đã tiến hành tinh giảm biên chế đối với cán bộ thú y cấp xã. Nằm ở phía bắc tỉnh Quảng Bình, tiếp giáp với Hà Tĩnh nên các địa phương của huyện này được xác định là vùng “nhạy cảm” trong việc ngăn chặn hay lây lan các loại dịch bệnh.

Người chăn nuôi vứt xác gia súc chết do dịch bệnh ở mương thủy lợi trên cánh đồng xã Vạn Ninh. Ảnh: T. Phùng.
Theo ông Trần Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Quảng Trạch, sau khi “giải thể” trạm thú y và cắt giảm lực lượng thú y cơ sở, các xã phải tự thuê người để thực hiện các hoạt động phòng dịch trên địa bàn. Thực trạng này khiến cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi gặp nhiều khó khăn lớn.
Bước vào năm 2020, Quảng Trạch đã ghi nhận nhiều dịch bệnh xuất hiện cùng lúc trên đàn vật nuôi. Trong đó phải kể đến dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại xã Quảng Thanh. Sau khi khống chế được thời gian dài, nay dịch lại bùng phát trở lại tại nhiều xã trên địa bàn huyện, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi lợn.
Khi dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa được khống chế, nguy cơ tái dịch ở nhiều địa phương cao đầu năm 2021 tại huyện Quảng Trạch lại xuất hiện thêm một dịch bệnh mới khiến người chăn nuôi tại địa phương này một lần nữa lâm cảnh lao đao. Theo đó, dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò lần đầu tiên xuất hiện và lây lan nhanh.
Theo ghi nhận, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò sau khi xuất hiện đầu tiên ở xã Quảng Hợp và sau đó đã lây lan ra 16/17 xã còn lại trên địa bàn. Hậu quả, bệnh viêm da nổi cục đã làm trên 1.700 con trâu, bò mắc bệnh, gần 130 con bị chết. Nhiều hộ gia đình đã không thể tái phát triển đàn gia súc…
Do hệ thống cán bộ thú y cơ sở không còn nên mỗi khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn huyện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phải tăng cường lực lượng về tận nơi để hỗ trợ chính quyền địa phương và người dân chống dịch.
Thời điểm đó, tại xã Quảng Tùng đã xảy ra cùng lúc hai loại dịch bệnh là dịch tả lợn Châu Phi bùng phát lần 2 và dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò đang lây lan mạnh. Công tác dập dịch và phòng chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Ông Tưởng Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Quảng Tùng nhắc lại, lúc đó, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu xuất hiện nhưng đã gây hậu quả nặng nề cho ngành chăn nuôi với hàng trăm con trâu, bò mắc bệnh.
“Từ năm 2019, Quảng Tùng không còn cán bộ thú y cấp xã. Những công việc liên quan đến công tác dập dịch và phòng chống dịch của xã, như phun tiêu độc khử trùng, rải vôi bột, tiêm phòng cho đàn vật nuôi xã đều phải thuê người làm”, ông Tĩnh cho hay.

Lực lượng thú y của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình hỗ trợ người dân phòng chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi tại huyện Quảng Trạch. Ảnh: T. Phùng.
Tỷ lệ tiêm phòng các loại vaccine thấp
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác tiêm phòng các loại vaccine cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, nhận thức về công tác phòng, chống dịch bệnh và tiêm phòng gia súc gia cầm của một số hộ chăn nuôi chưa cao nên hiệu quả thấp.
Theo ông Dương Viết Phương Tuấn, chỉ khi có dịch bệnh hoặc khi có nguy cơ lây lan dịch bệnh từ nơi khác vào địa bàn mới thực hiện tiêm phòng. Tại nhiều xã miền núi, rẻo cao, người dân chăn nuôi nhỏ lẻ nên chưa chú trọng công tác tiêm phòng; một số hộ còn chăn thả xa nơi ở nên việc tiêm phòng vaccine gần như bỏ ngỏ.
Trên thực tế, do các Trạm Chăn nuôi và Thú y của các huyện, thị xã, thành phố không còn nên đã thiếu cơ quan tham mưu cho chính quyền trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ tiêm phòng vaccine hằng năm. Có những địa phương dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng tỷ lệ tiêm phòng các loại vaccine cho đàn vật nuôi chỉ đạt tỷ lệ không vượt quá con số 30% kế hoạch đề ra.
Lý giải một phần nguyên nhân việc tiêm phòng vaccine hằng năm đạt thấp, ông Trần Văn Định, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường Quảng Trạch nhìn nhận, do không có cán bộ thú y cấp xã nên việc triển khai tiêm phòng vaccine, phòng, chống dịch bệnh ở nhiều địa phương, ngoài sự hỗ trợ hạn chế của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện người dân đều phải tự thực hiện khi không có chuyên môn nên tỷ lệ và hiệu quả không cao.
“Khi không còn lực lượng thú y xã, công tác tuyên truyền, phát hiện dịch bệnh và hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở đã bị hạn chế. Chưa kể việc các xã phải tự thuê người, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tiêm phòng và công tác thú y ở địa phương”, ông Trần Văn Định, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường Quảng Trạch chia sẻ.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/chuyen-thu-y-co-so-bai-2-vang-thu-y-dich-benh-bua-vay-d752586.html