| Hotline: 0983.970.780

Thứ hai 19/05/2025 - 08:35

Thú y

Chuyện thú y cơ sở: [Bài 1] Điểm tựa cho người chăn nuôi

Thứ Hai 19/05/2025 - 08:29

Trong 10 năm qua, lực lượng thú y cơ sở Quảng Bình đã trải qua giải thể rồi tái lập, để lại dấu ấn trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi

Trong một lần gặp gỡ nói chuyện nghề thú y, ông Phạm Hồng Sơn, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình, vẫn thấy tự hào một giai đoạn mang lực lượng thú y cơ sở tại các địa phương cùng cán bộ thú y tỉnh sát vai đêm ngày canh phòng dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

“Lúc đó, chúng tôi cũng đã thực hiện tinh gọn bộ máy, chú trọng nhân lực có đào tạo chuyên môn sâu về công tác chăn nuôi, thú y để thực sự “cầm tay chỉ việc” cho nông dân và tham mưu có hiệu quả với chính quyền các cấp trong nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi”, ông Sơn cho hay.

Lực lượng thú y luôn bám cơ sở tại những địa bàn đang xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: T. Phùng.

Lực lượng thú y luôn bám cơ sở tại những địa bàn đang xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: T. Phùng.

Lực lượng thú y được đào tạo chuyên sâu

Quảng Bình là địa phương nằm giữa miền Trung với nhiều tuyến quốc lộ, tuyến đường đi qua như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, tuyến đường sắt Bắc-Nam… “Đó cũng là “điển yếu” của nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh thâm nhập, lây lan qua địa bàn. Vì vậy, mỗi khi có thông tin dịch bệnh bùng phát tại những địa bàn lân cận thì lực lượng thú y Quảng Bình lại căng sức để ngăn chặn dịch”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, khi nhận thông tin dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi tại các tỉnh lân cận lực lượng thú y phối hợp cùng chính quyền các địa phương, các lực lượng liên quan tổ chức các chốt kiểm dịch trên các tuyến đường.

“Chúng tôi phải bố trí lực lượng tập trung tại các điểm chốt và đêm ngày trực để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật ra vào, đi qua địa bàn và thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng trên các phương tiện. Nói thì dễ vậy, nhưng cứ nhìn thấy anh em cán bộ thú y hốc hác, thiếu ngủ… sau thời gian trực chốt mới thấy nhiệm vụ khó khăn và gian khổ như thế nào”, ông Sơn tâm sự.

Có thể nói, với những nỗ lực của lực lượng thú y mà dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại Quảng Bình thường giảm thiểu hơn so với các địa phương khác trong khu vực. Vào những năm ngành chăn nuôi phải đối mặt với những “đại dịch” lớn như cúm gia cầm A/H5N1, dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên đàn gia súc… Quảng Bình nằm trong nhóm các tỉnh giữ được địa bàn, ngăn chặn dịch xâm nhập sau cùng và hạn chế được thiệt hại cho người chăn nuôi.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình (Đảm nhiệm thay ông Phạm Hồng Sơn nghỉ hưu từ tháng 11 năm 2016) chia sẻ: “Có những lần, bản đồ dịch bệnh lây lan có màu đỏ gần như cơ bản, Quảng Bình vẫn giữ được màu xanh giữa xung quanh là màu đỏ. Nhờ vậy, người chăn nuôi yên tâm hơn và cùng sát cánh với lực lượng cán bộ thú y phòng chống dịch”.

Một chốt của thú y cơ sở đang làm nhiệm vụ tại khu vực xảy ra dịch bệnh ở Quảng Bình. Ảnh: T. Phùng.

Một chốt của thú y cơ sở đang làm nhiệm vụ tại khu vực xảy ra dịch bệnh ở Quảng Bình. Ảnh: T. Phùng.

Trong thời gian này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình có 8 Trạm Chăn nuôi và Thú y được bố trí tại các huyện, thị xã, thành phố với tổng biên chế 48 người. Lực lượng này được tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động đều có trình độ chuyên môn về chăn nuôi, thú y. “Thời điểm này, cán bộ thú y cơ sở có trình độ cử nhân cũng đạt 50% tổng số biên chế tại 8 trạm. Lực lượng còn lại cũng có trình độ cao đẳng, trung cấp”, ông Tám cho biết.

Để nâng cao trình độ, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, hằng năm Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình luân phiên tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ, chuyên môn sâu tại các trạm cho lực lượng cán bộ thú y cơ sở.

Ông Nguyễn Thanh Bảy, phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y Tuyên Hóa - Minh Hóa (thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y quảng Bình) cho hay, hằng năm anh em đều được dự hai lớp tập huấn về chuyên môn, cập nhật tình hình dịch bệnh trong nước và trong khu vực.

“Khi có lớp tập huấn, ngoài học viên là cán bộ thú y cơ sở Chi cục còn mở rộng đối tượng là lãnh đạo chính quyền cấp xã, phường, cán bộ nông nghiệp, cán bộ thú y thôn xã. Qua đó, nâng cao thêm trình độ chuyên môn, xây dựng được quy trình phối hợp giữa chính quyền và tổ chức thú y trong việc phòng chống dịch bệnh trên từng địa bàn. Qua đó, nâng cao hiệu quả trong phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và tham mưu cho chính quyền cơ sở”, ông Bảy nói thêm.

Muốn phòng dịch hiệu quả phải luôn có phương án chủ động

Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2018, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản được khống chế nên ngành chăn nuôi của Quảng Bình có bước phát triển khá vững chắc. Nhiều mô hình phát triển chăn nuôi nông hộ, các dạng trang trại quy mô lớn, quy mô vừa và quy mô nhỏ… được nhân rộng ở các địa phương. Cuối năm 2018, Quảng Bình có 166 trang trại chăn nuôi và toàn tỉnh có tổng đàn gia súc 471.890 con, gia cầm đạt 3.878 con.

Gia đình ông Lê Thanh Truyền (xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), đầu tư làm trang trại giữa cánh đồng, xa khu dân cư. Mỗi năm, ông Truyền cho xuất chuồng khoảng 500 lợn thương phẩm và 400 lợn giống. Ông Truyền cho hay, trước đây ông nuôi lợn với số lượng chỉ 10- 20 con mỗi lứa thả. Nhưng sau này, thấy nuôi lợn cũng có lãi nên mở rộng chuồng trại để nâng tổng đàn nuôi.

“Sau này, để chủ động con giống và cung cấp cho bà con nên tôi làm thêm khu chuồng trại nuôi lợn nái. Dù việc chăn nuôi lợn chỉ do một lao động chính đảm nhận nhưng thu nhập cũng được tăng. Hằng năm, từ chăn nuôi, gia đình cũng thu lại được vài trăm triệu đồng. Dần dà, gia đình vượt lên khó khăn, làm được nhà lớn và sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền”, ông Truyền cho hay.

Làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh là ngành chăn nuôi sẽ đạt được sự phát triển bền vững. Ảnh: T. Phùng.

Làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh là ngành chăn nuôi sẽ đạt được sự phát triển bền vững. Ảnh: T. Phùng.

Tại nhà máy sản xuất tinh bột sắn Long Giang, trong gia đoạn này cũng đã mở thêm ngành nghề chăn nuôi lợn. Tận dụng các loại sản phẩm trong quá trình sản xuất như bã sắn, củ sắn tươi…cán bộ kỹ thuật của nhà máy đã cho lên men hữu cơ để làm thức ăn chăn nuôi lợn.

Theo ông Lê Văn Thơ, Giám đốc nhà máy, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, áp dụng quy trình chăn nuôi hữu cơ nên hiệu quả thu nhập của nhà máy tăng đáng kể. Vì nhà máy có quy mô sản xuất không lớn nên quá trình sản xuất kinh doanh cũng gặp khó khăn. Tùy theo giá đầu ra mà việc kinh doanh có thể không có lãi. Tuy nhiên, việc mở rộng chăn nuôi đã cho nhà máy có thu nhập ổn định 300-500 triệu đồng để tạo thu nhập cho người lao động.

Theo ông Lê văn Thơ, để ngành chăn nuôi duy trì ổn định thì dịch bệnh phải được kịp thời khống chế, trong đó ưu tiên phòng là chính. Do đó, cán bộ thú y phải tuyên truyền để người chăn nuôi thấm nhuần quy trình tiêm phòng dịch, phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại, hạn chế người ngoài vào khu vực chăn nuôi, hạn chế được thiệt hại lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/chuyen-thu-y-co-so-bai-1-diem-tua-cho-nguoi-chan-nuoi-d752164.html