| Hotline: 0983.970.780

Thứ sáu 09/05/2025 - 20:22

Văn hóa

Chuyện thợ ngõa làng Mông Phụ

Thứ Sáu 19/03/2021 - 08:10

Thợ ngõa tài hoa xưa có nhiều ngón nghề độc đáo, hạt mưa rơi xuống có thể tạo ra hình chữ thật là vi diệu, nhưng tiếc thay thời cuộc biến đổi đã thất truyền.

Một căn nhà lợp ngói ta.

Một căn nhà lợp ngói ta.

Nói đến “ngói ta” là muốn so với “ngói Tây”. Ngói ta ở đây là ngói mũi dùng để lợp nhà truyền thống của người Việt. Ngói ta loại nhỏ (12cm x 25cm) lợp nhà dân, ngói lớn (25cm x 38cm) để lợp đình đền, chùa miếu… như ngói mũi hài, mũi dô. Ngói Tây là loại ngói to bản (ngói Hưng Ký, sau này là ngói Sông Cầu, ngói Đại Thanh…), ngói này được người Pháp du nhập vào Việt Nam khi xây những công trình có kiến trúc châu Âu.

Ngói ta đã có hàng ngàn năm tồn tại, thân thuộc và gẫn gũi với đời sống người Việt. Chính vì vậy chúng ta có một đội ngũ thợ lợp ngói ta đạt đến trình độ “nghệ thuật”!

Nhà truyền thống (là nhà một tầng, có hai mái dốc, lợp ngói ta và có bàn thờ ở giữa) của người Việt đã để lại những công trình đạt đến mức nghệ thuật trong kiến trúc nhà Việt… Vậy nhưng, trong lịch sử chúng ta không có một trường dạy nghề nào. Những người thợ tài hoa lúc nhập môn đều được gọi với cái tên “phó nhỏ”! Phó nhỏ là thợ học việc (thông thường ngay từ tuổi vị thành niên). Học việc ở đây là “học ăn, học nói” sau đó mới được “học nghề”. Không có giáo trình, giáo án. Không có một buổi học nào cụ thể.

“Thầy” là ông “phó cả” (người đứng đầu hiệp thợ) và những người thợ bạn (phó hai, phó ba)… Phó nhỏ phải học từ nhào hồ (vữa xây, vữa trát), khuân vác gạch đá phụ xây sau đó mới được cầm dao xây. Quá trình này nhanh hay chậm đều phụ thuộc khả năng từng cá nhân.

Cứ thế, theo thời gian, người thợ trưởng thành cho đến khi nhận được việc riêng (tự tổ chức thi công một công trình) và trở thành “phó cả”. Rất nhiều người là phó cả nhưng chỉ là thợ nề vì không lợp được ngói ta…

Đầu những năm 1990, lực lượng thợ ngõa (thợ nề cao cấp, bởi chữ “ngõa” theo nguyên nghĩa chữ Nho là “ngói”) ở các làng quê còn dồi dào. Khoảng những năm 2000 đến nay, các làng quê lại khủng hoảng đội ngũ thợ này. Nguyên nhân có nhiều nhưng có thể chỉ ra một số nguyên nhân chính: Do phát triển không định hướng, do kiến trúc mới đầy hấp dẫn nên mai một nhà truyền thống. Thợ ngõa vì thế ít việc nên không mấy người theo học nghề.

Do không có tài liệu ghi chép, thợ ngõa chủ yếu là được đào tạo theo cách cầm tay chỉ việc nên phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân của người thợ… Tất cả nguyên nhân trên đã đến hệ quả: Chúng ta đang thiếu thợ ngõa, ngay cả những công trình được Nhà nước đứng ra bảo tồn, tôn tạo, mang những người thợ được gọi là “chuyên gia” đến, thì thợ này chỉ có thể lợp xong một mái đình, mái chùa nhưng vẫn không bằng được người xưa.

Nhà quán để nghỉ giữa đồng được lợp ngói ta.

Nhà quán để nghỉ giữa đồng được lợp ngói ta.

*

* *

Việc khủng khoảng thợ ngõa đang là một vấn đề đặt ra mỗi ngày không riêng với làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Đây là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam được Nhà nước công nhận “Di tích kiến trúc nghệ thuật”. Nơi đây, còn hàng trăm ngôi nhà truyền thống cần được bảo tồn tôn tạo, công việc này không phải chỉ làm một lần là xong. Đặc biệt, việc đảo mái (lợp lại mái nhà) cần được thực hiện thường xuyên…

Càng gần năm 2000, lực lượng thợ ngõa đã suy giảm đáng kể, một số đã chết, số còn lại đều cao tuổi… Những ngôi nhà cần đảo mái trong làng không có thợ. Một số gia đình mời thợ Thanh Phần (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), rồi cả thợ vùng Canh Nậu, Dị Nậu, Chàng Sơn (chuyên nhà cổ) của huyện Thạch Thất (Hà Nội) về lợp… Nhưng vẫn không thể nào hơn được thợ ngõa làng Mông Phụ.

Tiếc thay, Mông Phụ là đất thợ mà nên nông nỗi này. Đâu rồi những cụ Mục Hùm (phó cả làm đình Mông Phụ hiện đang là di sản), cụ Mục Tôm (thân phụ của cố Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn), sinh thời các cụ đều là những người thợ tiếng tăm, được các vua đời Nguyễn phong chức Đầu mục xứ (Đầu mục chỉ là một hư hàm, nhưng có quyền điều hành thợ của cả một vùng (một xứ) khi nhà nước cần đến thợ). Thợ mộc, thợ nề làng Mông Phụ đã để lại tên tuổi, dấu ấn trên các công trình nhiều địa phương. Gần đây, những người như ông Tý Tỵ, ông Cả Khoác, ông Long Diên, ông Ý Hường, ông Cay Ghẻ, ông Hồng Đức, ông Cừ Hải… là những người thợ ngõa lành nghề không còn nữa. Trong thế hệ này còn duy nhất một người, đó là ông Đồng Đen.

Ông Đồng Đen tên khai sinh là Nguyễn Văn Đồng, chẳng biết có phải do nhiều năm lăn lộn với nghề thợ ngõa mà da ông đen cháy nên dân làng thuận miệng gọi như vậy để phân biệt với những ông “Đồng” khác. Ông Đồng Đen là thế hệ học trò cuối cùng của cụ Lâm (Lâm Nháy) - người thợ ngõa tài hoa đến bây giờ vẫn để lại tiếng tăm trên các công trình trong vùng.

Ông Đồng Đen kể: Hồi ấy tôi đi nhiều nơi lắm, đã lợp cả chùa Một Cột, rồi Văn Miếu… Còn mấy chỗ nữa, làm toàn dưới hầm, ai biết người nấy, mỗi người một chỗ, đèn điện có chụp chỉ soi đủ sáng chỗ mình làm… Công việc của ông  phần nhiều là đảo mái nhà. Đảo mái nhà là ngôi vẫn có thể sử dụng nhưng vì xô, tụt ngói nên phải làm như một công việc định kỳ.

Ông Đồng Đen không cần người phụ, ông lên mái nhà bóc ra một lối rộng khoảng 70 - 80cm, chiều dài dọc mái nhà. Ngói bóc ra để ngay bên cạnh trên phần mái chưa lợp. Sau đó ông lấy chổi quét hết bụi và bắt đầu lợp lại. Lợp đến đâu, bóc ngói đến đấy… cứ thế cho đến lúc lợp xong. Nói thì đơn giản vậy nhưng vì công việc đảo mái không cần bất cứ công cụ hỗ trợ nào dù chỉ là một đoạn dây xây. Tất cả chỉ là “mực mắt” của người thợ!

Tất cả những người thợ ngõa đều như vậy, chỉ có “mực mắt” mà sống ngói thẳng hàng đều tăm tắp. Mái nhà lợp xong bằng phẳng và cong đều từ hai bờ cánh vào đến gian giữa. Công trình nhà truyền thống vẫn đảm bảo nguyên tắc “nhà réo đầu, cầu réo nhịp” nên sự bay bổng, nhẹ nhàng là một nghệ thuật cho đến bây giờ hầu như không còn ai làm được.

Riêng ông Đồng Đen có miếng “nhốt ngói”. “Nhốt ngói” là sau vài lối lợp, ông Đồng để lại một khoảng trống vài mươi phân vuông. Chỗ ấy ông xếp ngói vào lợp như bình thường, song đến nhưng viên cuối cùng ông Đồng lấy củi chỏ đóng ngói vào nên mái lợp chặt như được nêm lại. Mái nhà do ông Đồng Đen đảo hoặc lợp có sức bền từ 25 - 30 năm mới phải đảo lại. Nhiều công trình, ông Đồng Đen xuống đất xoa tay nói với chủ nhà: Đời tôi với đời ông không phải lo đến việc đảo mái nữa nhé. Năm ấy ông Đồng Đen đã ngoài “lục tuần”!

Ông Đồng Đen bảo: Lát sân triết mạch, đảo nhà vần cơm. Tôi hỏi thế nào là “đảo nhà vần cơm”. Ông lại bảo: Không có dây có thước nên người thợ phải nhìn xung quanh chỗ đã lợp và chưa lợp mà ước lượng để đệm ngói lót sao cho vừa, như người ta vần nồi cơm trên đốc nhấm… Cứ thế, những miếng lợp khó như “đấu sối, đấu só” (chỗ hai nhà giao nhau thành một góc vuông), cứ vào tay ông Đồng là không bao giờ bị dột (thợ hiện nay phải đổ bê tông hay lót bên dưới một tấm inox mỏng làm máng để đón nước dột).

Một lần ông Đồng Đen kể với tôi: Thầy tôi còn có những miếng độc đáo, ấy là lúc mái nhà lợp xong, khi mưa xuống người ta thấy xuất hiện những chữ “thọ” tròn hoặc vuông trên mái nhà. Những chữ này do nước mưa đan vào nhau tạo thành. Mưa to quá hoặc nhỏ quá đều không xuất hiện…

Tôi chỉ biết thốt lên: Thật là ảo diệu! Ông có làm được như thế không ạ! Ông Đồng bảo: Biết tôi là người có tâm với nghề, thày cũng định truyền nhưng lại cập ngay vào “hòa bình lập lại” (1954)… Biến đổi sao dời, sau đó những công trình như thế này đều xếp vào tàn dư phong kiến, đế quốc nên không ai làm nữa… Thật tiếc ông ạ (ông gọi lớp hậu sinh chúng tôi như thế), trong nghề chúng tôi vẫn có câu: Nhất lợp, nhì lải (nhất lợp, nhì lát) là vì thế…

Nay ông Đồng Đen đã mất, tôi lo nghề lợp trình cao như ông Đồng Đen hay đến mức ảo diệu như thày ông phải chăng đã thất truyền!

Mấy năm trước có qua làng Lại Thượng ở huyện Thạch Thất (Hà Nội), tôi thấy trên mái nhà ngói ta có những dòng chữ như: Hồ Chủ Tịch muôn năm, Việt Nam muôn năm… tôi vô cùng thích thú, nhưng chợt nhận ra người thợ lợp nơi đây đã dùng hai loại ngói là ngói già và ngói non, hoặc là hai chất liệu đất làm ngói khác nhau. Hai loại ngói này màu khác nhau, độ thấm nước khác nhau nên rêu và địa y mọc trên ngói khác nhau. Sự khác nhau tạo nên hai màu mà nên những dòng chữ trên…

*

* *

Cũng may làng tôi nay có thợ ngõa là ông Hà Văn Hùng - người xóm Xây, làng Mông Phụ. Hiện nay nhóm của ông Hùng gây mãi mà chỉ có ba người (hai già và một trẻ), tất cả những ngôi nhà lợp ngói ta trong làng đều do nhóm của ông.

Ông Hùng lợp nhà không như các cụ xưa bằng “mực mắt”, mà nhất định phải có một sợi dây làm “thày”. Sợi dây được buộc một đầu bằng cục gạch như quả dọi, rồi thả vắt qua mái nhà từ nóc xuống. Tất cả mũi ngói lấy sợi dây làm “mực”… Mái nhà ông Hùng lợp cũng thẳng, phẳng nhưng cách lợp là kéo mũi ngói cho bằng sợi dây chứ không phải là đóng ngói vào như thợ cũ. Cách lợp này không chặt như cách “nhốt” ngói của các cụ. Khi mèo chạy hoặc mưa bão ngói hay bị tụt, bị xô. Vài năm lại có nhà đã phải gọi các ông ấy đến vỗ lại…

Nhóm thợ của ông Hùng rất nhiều việc, việc không những ở trong làng mà ở khắp mọi nơi. Thỉnh thoảng lại thấy ô tô đỗ ở cổng làng đón các ông đi lợp ở nơi xa. Các nơi ấy đôi khi có người làm nhà truyền thống để thờ phụng hoặc công trình tâm linh cần lợp mái… Thế mới biết thợ ngõa các nơi cũng không còn nhiều!

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/chuyen-tho-ngoa-lang-mong-phu-d286448.html