Thứ bảy 19/04/2025 - 06:13
Kinh tế
Chủ động thị trường để duy trì xuất khẩu hạt tiêu
Thứ Bảy 19/04/2025 - 06:03
Các doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu đẩy mạnh bán hàng sang EU, Ấn Độ, Trung Đông…, để giữ vững xuất khẩu ngay cả khi thuế đối ứng của Mỹ gây bất lợi.
- Việt Nam và Brazil là hai quốc gia xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới
- Xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam quay trở lại mốc 1 tỷ USD
- Hạt tiêu Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ giá xuất khẩu cao

Sản lượng hạt tiêu Việt Nam trong năm nay có thể giảm. Ảnh: Sơn Trang.
Quý 1 năm nay, xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam giảm về lượng nhưng tăng mạnh về giá trị. Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị (VPSA) cho thấy, xuất khẩu hạt tiêu trong quý 1 đạt 47.660 tấn, trị giá 327 triệu USD, giảm 16% về lượng nhưng kim ngạch tăng 39%.
Sản lượng hạt tiêu Việt Nam trong năm nay có thể tiếp tục giảm. Tình trạng nắng hạn kéo dài trong các tháng đầu năm 2025 đã ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất hồ tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Một vài cơn mưa xuất hiện ở một số khu vực đã giúp giải hạn cho vườn tiêu, nhưng đối với những vườn đã thu hoạch thì sẽ ảnh hưởng đến việc phân hóa mầm hoa, dẫn tới năng suất cây tiêu năm sau có thể sẽ bị sụt giảm.
Tuy sản lượng giảm, nhưng người trồng tiêu đang yên tâm về giá cả. Hiện tại, vụ thu hoạch hồ tiêu của Việt Nam đang trong giai đoạn cao điểm và dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 4/2025. Những năm trước, vào thời điểm thu hoạch hạt tiêu, giá tiêu thường giảm do nguồn cung dồi dào. Nhưng năm nay, dù đang trong thời điểm thu hoạch, giá tiêu nội địa luôn ở mức trên dưới 150.000 đồng/kg do người nông dân bán ra cầm chừng vì không bị áp lực về tài chính.
Những ngày đầu tháng 4, sau khi chính quyền Mỹ công bố thuế đối ứng với các đối tác thương mại, giá hạt tiêu đã giảm xuống. Nhưng ngay sau khi Mỹ hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày, giá hạt tiêu đã tăng trở lại và đã tiến gần tới mốc 160.000 đồng/kg trong những ngày giữa tháng 4.
Về xuất khẩu hạt tiêu trong quý 2 và trong thời gian tới, VPSA dự báo sẽ có nhiều khó khăn do giá hạt tiêu ở mức cao khiến cho các nhà xuất khẩu và nhập khẩu bị áp lực về tài chính. Chính sách thuế của Mỹ có thể sẽ bị thay đổi nên các đơn hàng ký giao xa sẽ bị hạn chế trong thời điểm hiện tại.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA, cho biết, trong khi một số nhà nhập khẩu Mỹ đã sẵn sàng trả thêm 10% là mức thuế nhập khẩu áp cho hàng hóa từ tất cả các nước, thì một số nhà nhập khẩu khác vẫn đang lưỡng lự, chưa sẵn sàng trả thêm thuế này cho các lô hàng hạt tiêu Việt Nam.

Một vườn tiêu ở Bình Phước. Ảnh: Sơn Trang.
Cũng theo bà Liên, nếu sau 90 ngày tạm hoãn mà Mỹ vẫn giữ nguyên mức thuế đối ứng với Việt Nam, hạt tiêu Việt Nam sẽ gặp bất lợi lớn trước hạt tiêu của Brazil, Ấn Độ, Indonesia…, tại thị trường Mỹ, vì những nước này bị áp thuế đối ứng thấp hơn nhiều, thậm chí là không bị áp thuế đối ứng như Brazil.
VPSA nhận định, hiện nay tình hình thương mại quốc tế diễn biến nhanh và khó lường trong bối cảnh Mỹ áp dụng chính sách thuế quan đối với nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.
Do đó, để chủ động thích ứng với tình hình mới, vì lợi ích hài hòa của Việt Nam với các đối tác mà không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp ngành hồ tiêu cần chủ động xây dựng kế hoạch thích ứng với tình hình thương mại quốc tế mới thông qua tìm kiếm khách hàng, đối tác từ các thị trường nhập khẩu còn nhiều dư địa, tiềm năng để khai thác và phát triển.
Doanh nghiệp cũng cần lưu ý cân nhắc nguồn cung hạt tiêu nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, bảo đảm yêu cầu của nhà nhập khẩu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xuất xứ hàng hoá xuất khẩu.
Để có thể duy trì được lượng xuất khẩu, các doanh nghiệp hồ tiêu cần đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, Ấn Độ, Trung Đông..., cũng như cần tăng cường đầu tư mạnh vào chế biến sâu và xây dựng thương hiệu.
Bà Hoàng Thị Liên nhấn mạnh, các doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu sang Mỹ cần ở trong tâm thế chủ động. Doanh nghiệp không nên chờ sau 90 ngày để xem thuế đối ứng cuối cùng như thế nào mà cần chuẩn bị sẵn các thị trường thay thế phòng khi mức thuế đối ứng cuối cùng rất bất lợi cho xuất khẩu hạt tiêu sang Mỹ.
Theo VPSA, xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam sang Trung Quốc trong quý 1 năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ 2024. Điều này cho thấy nguồn hạt tiêu dự trữ tại Trung Quốc đã xuống mức thấp. Tuy nhiên, việc xuất khẩu hạt tiêu sang Trung Quốc vào thời điểm hiện tại vẫn còn hạn chế do chính sách thắt chặt xuất khẩu qua đường biên mậu của Hải quan Trung Quốc. Trong khi đó, nếu xuất khẩu hạt tiêu bằng đường biển thì chi phí sẽ tăng cao nên các nhà nhập khẩu Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/chu-dong-thi-truong-de-duy-tri-xuat-khau-hat-tieu-d749056.html