Thứ năm 22/05/2025 - 11:34
Văn hóa
Chim trời: chỉ dấu của đất lành
Thứ Năm 22/05/2025 - 08:20
Là biểu tượng của tự do và đa dạng sinh học, thế nhưng chim trời, đặc biệt là các loài chim hoang dã, di cư, đang dần vắng bóng.
Chim trời giữa vòng vây của bẫy, lưới và lòng tham
Mỗi mùa chim di cư tránh rét, tìm thức ăn hay ghé qua trú ngụ trong hành trình xuyên lục địa, cũng là lúc những cánh chim ấy đối mặt với cạm bẫy giăng sẵn dưới mặt đất. Dọc các tỉnh ven biển, rừng ngập mặn hay đồng bằng Bắc Bộ, cảnh tượng chim trời dính bẫy, bị treo ngược, nằm bệt bên vệ đường, trong các sạp chợ hay quán nhậu không còn là điều hiếm gặp.
Tình trạng săn bắt, buôn bán và tiêu thụ chim trời tại Việt Nam đang là tệ nạn kéo dài nhiều thập kỷ. Chim được bẫy bằng lưới vô hình, lưới kéo, bẫy dính, bằng loa phát âm thanh mô phỏng tiếng gọi bầy. Không chỉ diễn ra lén lút, nhiều nơi còn công khai dựng “chợ chim trời” giữa ban ngày, bày bán đủ loài từ sáo, cu gáy, cho đến cò, vạc… thậm chí cả những loài thuộc danh mục nguy cấp.
Theo một khảo sát của tổ chức Traffic năm 2023 tại 4 chợ trời ở Nam Bộ, có tới 8.047 cá thể chim hoang dã bị rao bán chỉ trong vài ngày, trong đó có nhiều loài bị cấm săn bắt và buôn bán theo quy định của pháp luật.

Diệc lửa (bên trái) và chim trảu (bên phải) được chụp tại bãi sông Hồng. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hiệp.
Nguyên nhân sâu xa không chỉ đến từ nhu cầu ăn uống hay nuôi làm cảnh, mà còn nằm ở lỗ hổng trong thực thi pháp luật và sự thờ ơ của cộng đồng. Việc xử phạt đối với các hành vi săn bắt trái phép chim trời còn thiếu kiên quyết, thiếu tính răn đe. Trong khi đó, nhiều người dân vẫn xem việc săn chim là thú vui dân dã, thậm chí là “nghề truyền thống” mang lại thu nhập theo mùa. Sự thiếu hiểu biết về vai trò của chim trong hệ sinh thái khiến hành vi xâm hại chim trời diễn ra trong vô thức và lan rộng.
Đáng lo ngại hơn, nhiều khu vực đất ngập nước, bãi triều ven biển, nơi từng là điểm dừng chân lý tưởng của chim di cư, đang bị thu hẹp nghiêm trọng bởi tốc độ đô thị hóa và chuyển đổi đất. Môi trường sống của chim trời ngày một bị xâm lấn, chắp vá và đứt gãy, đẩy các loài chim vào nguy cơ tuyệt chủng nhanh hơn. Những bầy cò từng rợp trời trong các làng quê Bắc Bộ, những đàn sếu đầu đỏ từng là niềm kiêu hãnh của Tràm Chim nay đã trở thành ký ức xa vời.
Gieo sự tử tế, đổi cánh chim bay
Nhưng trong bức tranh xám màu ấy vẫn le lói những tia hy vọng. Một số địa phương như Trà Vinh, Cà Mau, Huế... đã bắt đầu triển khai các mô hình bảo vệ chim hoang dã gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Các nhóm tình nguyện và tổ chức phi chính phủ cũng đang kiên trì tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức người dân, đặc biệt là giới trẻ, về giá trị sinh thái của chim trời. Đồng Tháp mới đây đã đưa 6 sếu đầu đỏ từ Thái Lan về Tràm Chim… Và giữa lòng Thủ đô, vẫn có những người âm thầm dành một phần thời gian mỗi ngày để nuôi dưỡng sự sống bằng những hạt thóc họ mang theo.
Giữa nhịp sống hối hả của thành phố, ở ngã tư Bà Triệu - Tô Hiến Thành, một người phụ nữ trung niên ngày ngày rải từng nắm thóc dưới gốc cây, và rồi, từ đâu đó trên những tán cây, lũ chim sẻ, chim cu gáy... ùa về ríu rít.
Người phụ nữ đó không chịu tiết lộ tên và cũng không cho chụp ảnh. Bà cho biết: “Lúc đầu, tôi cũng chỉ định thử gọi chim trời về chơi thôi, vì nghĩ là chúng sợ người nên không dám xuống. Chẳng ngờ thóc vãi ra thì thấy chim mon men sà xuống ăn. Mãi rồi thành dạn người. Mỗi lần chúng bay về ríu rít chờ ăn, tôi thấy lòng nhẹ bẫng. Như được nạp lại năng lượng vậy. Với tôi, đó là “khoảnh khắc cân bằng”, một nhịp chậm giữa dòng chảy gấp gáp của cuộc sống đô thị, một cách để níu lại thiên nhiên giữa những tòa nhà bê tông cốt thép”.

Đàn chim đang mải mê nhặt thóc trên một con phố của Thủ đô. Ảnh: Hoàng Hiền.
Càng ngày càng có nhiều người dân Thủ đô chọn cách thể hiện tình yêu thiên nhiên từ những hành động nhỏ như vậy. Có người nhặt nhạnh những mẩu bánh dư mang ra công viên cho chim sẻ. Có nhà báo xin mấy gói bánh quy hết hạn của đồng nghiệp mang ra hồ thả cho cá ăn. Nhiều hộ dân trên phố Nguyễn Thái Học vẫn hàng ngày rải thóc ở vỉa hè ngay trước nhà mình để gọi mời chim về. Có cụ già dắt cháu đi học sớm, tiện tay rải một ít thóc ở góc vườn là sân sau của trường. Gieo những hạt thóc, hạt gạo nhỏ bé đó, là cách họ trao đi một thông điệp giản dị nhưng sâu sắc: gieo sự tử tế xuống, để những cánh chim bay lên.
Hành động nhỏ, nhưng ý nghĩa không hề nhỏ. Trong bối cảnh môi trường sống của chim trời ngày càng bị thu hẹp bởi đô thị hóa, tiếng ồn, ô nhiễm không khí và thiếu không gian xanh, thì việc người dân chủ động nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho chim hoang dã sinh sống trong đô thị là một điểm sáng đáng quý. Những cánh chim không chỉ giúp đô thị bớt ngột ngạt, mà còn là chỉ dấu cho một hệ sinh thái đang được nuôi dưỡng, tái sinh ngay trong lòng thành phố.
Theo nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu, chim là chỉ báo sinh học quan trọng. “Sự xuất hiện đều đặn của các loài chim hoang dã trong đô thị chứng tỏ môi trường sống được duy trì ở mức chấp nhận được. Nhưng để duy trì lâu dài, cần có sự chung tay từ chính quyền và cộng đồng trong việc bảo vệ không gian xanh, hạn chế tiếng ồn và tránh xua đuổi, săn bắt chim một cách vô ý thức”.
Thực tế, tại một số thành phố lớn trên thế giới như Singapore, Tokyo hay Vancouver, việc “thuần hóa tự nhiên” - tức là tạo điều kiện cho các loài động vật hoang dã thích nghi, sinh tồn trong không gian đô thị - đang trở thành xu hướng quản lý đô thị bền vững. Những chương trình giáo dục cộng đồng, thiết kế các công viên sinh thái thân thiện với chim, hay đơn giản chỉ là lắp đặt các trạm cho chim ăn và nước uống công cộng... đều nhằm hướng tới mục tiêu sống hòa hợp với thiên nhiên ngay trong lòng thành phố.

Người dân dừng lại ngắm và chơi với đàn bồ câu trên phố Hoàn Kiếm. Ảnh: Báo Lao động.
Ở Hà Nội, mô hình đó vẫn là manh mún và chủ yếu là do người dân tự phát. Dù sao, sự tự phát ấy đang phản ánh một điều đáng quý: thiên nhiên chưa hoàn toàn bị lãng quên. Trong vô vàn câu chuyện tiêu cực về săn bắt chim, giăng lưới, bán chim trời làm thực phẩm... thì những người dân bình dị âm thầm nuôi chim mỗi sáng mỗi chiều đã góp phần giữ lại một phần thơ mộng, nhân văn cho thành phố.
Và biết đâu, từ những hạt thóc giản dị ấy, từ những bàn tay dẫu bận rộn nhưng vẫn dành thời gian cho chim chóc, một thế hệ thành phố tử tế với thiên nhiên sẽ lớn lên. Những cánh chim sẽ không chỉ tồn tại qua những hình ảnh, mà là hơi thở của một đô thị biết sẻ chia và gìn giữ.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/chim-troi-chi-dau-cua-dat-lanh-d748995.html