Thứ ba 13/05/2025 - 18:10
Trồng trọt
Chia sẻ rủi ro, vì lợi ích lâu dài trong liên kết sản xuất lúa
Thứ Ba 13/05/2025 - 18:07
Thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp là chìa khóa để thực hiện hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
- Liên kết và cơ giới hóa để mở rộng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao
- Toạ đàm nhân rộng các mô hình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp
- Hậu Giang đồng hành cùng doanh nghiệp trong Đề án 1 triệu ha lúa
- Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Thúc đẩy sự vào cuộc của 4 nhà
Ngày 13/5, tại TP Cần Thơ, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức hội thảo bàn giải pháp thu hút nông dân, doanh nghiệp và tổ chức tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Liên kết chuỗi giá trị là giải pháp then chốt để tổ chức lại sản xuất, nâng cao hiệu quả và đảm bảo sự tham gia có trách nhiệm của các bên trong chuỗi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, liên kết chuỗi giá trị là giải pháp then chốt để tổ chức lại sản xuất, nâng cao hiệu quả và đảm bảo sự tham gia có trách nhiệm của các bên trong chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Mô hình liên kết giúp hình thành vùng nguyên liệu tập trung, đồng bộ về giống, kỹ thuật và chất lượng, đồng thời giảm chi phí trung gian và mở đường tiếp cận thị trường tín chỉ carbon.
Trong khuôn khổ Đề án 1 triệu ha lúa, việc hợp tác sản xuất, tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp theo chuỗi là yêu cầu trọng tâm. Mối liên kết tự nguyện giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp không chỉ góp phần nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm chi phí sản xuất mà còn bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị gia tăng nhờ tổ chức chuỗi cung ứng khép kín từ giống, vật tư, sản xuất đến tiêu thụ và quản lý phụ phẩm như rơm rạ.
TP Cần Thơ là địa phương đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL. Bà Trần Thị Kim Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ cho biết: Hàng năm Cần Thơ có hơn 205.000ha gieo trồng lúa và sản lượng trên 1,2 triệu tấn, địa phương đang tích cực triển khai Đề án 1 triệu ha lúa. Đến nay, Cần Thơ đã hình thành vùng sản xuất lúa tập trung 48.000ha tại các huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai và Cờ Đỏ. Tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao đạt hơn 95%, cơ giới hóa trên 90%. Tuy nhiên, mô hình liên kết còn rời rạc, quy mô HTX nhỏ, doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư.

Mối liên kết tự nguyện giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp không chỉ góp phần nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm chi phí sản xuất mà còn bảo vệ môi trường, tăng giá trị. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Để khắc phục, Cần Thơ đang xây dựng vùng liên kết lớn, ứng dụng số hóa sản xuất, đầu tư hạ tầng và thiết bị, đào tạo nông dân, hỗ trợ tín dụng và kết nối chặt chẽ giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp. Mục tiêu là nâng tầm chuỗi giá trị lúa gạo, đảm bảo hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Tiến Thuận (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) cho rằng, việc liên kết theo chuỗi giá trị là hướng đi tất yếu, nhưng mối liên kết giữa HTX và doanh nghiệp còn lỏng lẻo do thiếu niềm tin, thiếu thông tin và một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng hợp đồng. Bên cạnh đó, nhiều HTX vẫn sản xuất theo kiểu tự phát, chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật.
Ông Khải đề xuất cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ liên kết, thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân và HTX. Cả HTX và doanh nghiệp cần chủ động hơn, hợp tác theo hướng cùng chia sẻ rủi ro và lợi ích lâu dài.
Về khía cạnh pháp lý, ông Nguyễn Tiến Định, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và Thị trường (Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh: Việc tăng cường hiểu biết pháp lý là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp, HTX và nông dân tuân thủ đúng quy định và thực hiện hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa.

HTX và doanh nghiệp cần chủ động hơn, hợp tác theo hướng cùng chia sẻ rủi ro và lợi ích lâu dài. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Định giới thiệu hai mô hình liên kết phù hợp hiện nay, đó là mô hình doanh nghiệp dẫn dắt và mô hình HTX chủ động. Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, đầu tư vật tư, bao tiêu sản phẩm, chia sẻ tín chỉ carbon, HTX tổ chức sản xuất, ký kết hợp đồng và giám sát nông dân thực hiện quy trình kỹ thuật. Với mô hình HTX chủ động, HTX tổ chức sản xuất theo tín hiệu thị trường và đàm phán tiêu thụ như một đối tác thương mại độc lập.
Các mô hình liên kết này phù hợp với Nghị định 98/2018/NĐ-CP, góp phần hình thành vùng nguyên liệu đồng bộ, nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước, đồng thời tham gia thị trường tín chỉ carbon.
Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn Trần Minh Hải đề xuất, các tỉnh cần chỉ đạo sát sao thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa, xác định rõ diện tích tham gia tại từng xã để mời gọi doanh nghiệp. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ và tổ chức liên kết của nông dân, HTX, tổ hợp tác, giúp họ trở thành đại diện thương lượng hiệu quả trong chuỗi giá trị.
Ông Hải nhấn mạnh vai trò kết nối của hội nông dân, hệ thống khuyến nông cộng đồng trong hỗ trợ liên kết chuỗi bền vững, xây dựng vùng sản xuất lớn, thống nhất giống, giá và thời điểm thu hoạch.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/chia-se-rui-ro-vi-loi-ich-lau-dai-trong-lien-ket-san-xuat-lua-d752874.html