| Hotline: 0983.970.780

Thứ bảy 19/04/2025 - 04:58

Phóng sự

Cheo leo bản nhỏ phận nghèo

Thứ Bảy 23/07/2016 - 07:40

Chắc chả có con đường nào đi đến một xóm của xã miền núi mà lại sốt ruột đến thế. Đường dốc trơn trượt, mưa rừng lạnh buốt hai gò má. Đường lên xóm Mỏ Ba của xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên nghe chừng còn xa lắm. 

Mấy cô gái đi cùng nản chí. Cho dù đã leo hơn chục con dốc dựng đứng, vượt qua dãy núi, nhưng thấy đường lên còn xa, mỗi lúc một cao, nên họ quay xe trở về. Gió ù ù bên tai. Bên phải là bờ vực thăm thẳm. Con đường nghiêng nghiêng trong màn mưa. Tôi vẫn lầm lũi đi.

May sao khi lên tới lưng chừng dãy núi thứ tư thì gặp con đường dốc dẫn xuống xóm Mỏ Ba, trời lại hưng hửng sáng. Mưa bớt nặng hạt. Người tôi gặp đầu tiên là một phụ nữ người Dao. Bà nhờ tôi cho đi cùng xe vào nhà văn hóa để kiểm tra chất lượng nước giếng nguồn của nhà bà xem có vi trùng không.

Bà giơ cho tôi xem chai nước rồi kể, xóm Mỏ Ba có ba cụm dân cư, có tới sáu dân tộc cùng chung sống, ở rải rác khắp thung lũng rộng lớn này. Nào người Dao, người Mông, nào Sán Dìu, hay Nùng, cả người Kinh nữa, đủ cả như một ốc đảo xa xôi, biệt lập nơi thâm sơn cùng cốc này vậy.

Tôi tò mò hỏi, nghe nói xóm này nổi tiếng có nhiều gia đình đông con nhất tỉnh Thái Nguyên, đúng không? Bà không những gật đầu mà còn nhấn mạnh, nhất là ông Sùng có tới 18 người con, không ít gia đình có từ 8 đến 10 con. Thế rồi bà tính, xóm chỉ có khoảng 140 hộ, nhưng số nhân khẩu cũng phải tính tới con số gần 1.000 người.

Sau đó bà nhiệt tình chỉ cho tôi đường đến nhà chị Mai, người phụ trách về dân số của cụm Mỏ Ba A, một bản nhiều người Mông nhất ở đây. Bà tất tả cầm chai nước đi lên con dốc, còn hẹn tôi xong việc quay lại bản người Dao, ở đầu xóm.

Tôi đang nhận ra con đường nhỏ dẫn xuống dẫy nhà gỗ dưới đồi chè thì bọn trẻ ở đâu đó chạy túa ra, hình như chúng chơi trò ú tim hay đuổi bắt gì đó. Gió hun hút thế mà bọn trẻ không hề biết lạnh. Quần áo thì phong phanh. Đứa lớn dắt đứa bé. Con chị cõng con em. Đứa khóc, đứa cười, cùng nhau chạy lên phía trước.

Tôi rảo bước theo sau xem chúng đi về đâu. Thì ra, vượt qua hết con dốc là đường dẫn tới một ngã ba, ở đó có một quán hàng bày bán đủ mọi thứ. Và thật bất ngờ, hàng chục đứa trẻ đều chạy về đó để chơi. Nhiều cô gái còn trẻ bế con chơi ở ngã ba này. Nghe nói xóm không hề có chợ mua bán. Mỗi ngày, có mấy người mang hàng từ dưới núi lên bán cho bà con. Họ bày hàng ở ngã ba này. Nào là thịt, rau, hoa quả, vải vóc… Toàn những thứ thiết yếu cho bà con.

Và cũng chính nơi đây là điểm hội tụ của bọn trẻ. Nhiều đứa bé theo mẹ, theo bà lên đây mua hàng. Chúng chả biết chơi gì. Lang thang hay nô đùa ở cái ngã ba này. Nhiều đứa bé rất ngộ. Tôi vội lấy máy ảnh chụp vài kiểu. Nhiều đứa trẻ tò mò đến xem. Riêng mấy cô bé có con sớm thì vội lảng đi. Thảo nào tôi nghe nói xóm còn có nhiều hiện tượng bắt vợ theo phong tục của người Mông khá sớm.

Có nhiều cậu bé ở tuổi 13 hay 15 đã lập gia đình và đã có con. Lúc này bọn trẻ chạy đùa cứ náo loạn trên đường. Có lẽ đây là tụ điểm duy nhất ở ngã ba đường, nơi có cớ để chúng theo mẹ đi chơi. May sao tôi chụp được mấy bức những người mẹ trẻ đông con dắt díu bồng bế nhau lên ngã ba này. Nhưng trong lòng tôi cũng bỗng nhiên trở nên ngơ ngác như họ, những người mẹ trẻ, với ánh mắt buồn phảng phất. Dường như họ phó mặc cho số phận đến đâu thì đến. Cái nghèo ập đến như ông trời bắt vậy chăng.

Chị Mai, người phụ trách về dân số ở cụm dân cư người Mông, cũng phải nói xóm này có nhiều gia đình đông con nhất cả nước ấy chứ. Chả ai lại đi xác định lập kỷ lục ấy làm gì, nghe buồn cười chết.

Rồi chị kể, ngoài ông Ngô Văn Sùng lấy hai vợ có 18 con, nếu tính thêm cả hai con riêng của bà hai, thì ông có tới 20 người con; còn có những nhà đẻ nhiều như gia đình anh Nó, anh Quân, hay anh Khìn đều sinh 9 con. Riêng nhà có 11 con thì phải kể đến gia đình anh Páo, anh Día, anh Tư.

Nhưng phải nói đến nhà anh Hồng Văn Dình, sinh năm 1974, đi cướp vợ từ khi mới 14 tuổi, hiện có tới 13 con. Tôi ngạc nhiên không tin, chị Mai còn nói đó là loại “tuổi trẻ tài đẻ cao” trong xóm. Hiện anh mới bước sang tuổi 40 nhưng đã lên chức ông ngoại. Hai con gái lớn của anh cũng bị người ta bắt vợ sớm nên cũng đã sinh con. Tôi hỏi đường đến nhà anh Dình xem gia cảnh như thế nào. Chị Mai dẫn tôi lên đường xóm rồi chỉ cho tôi lối đến cuối xóm. Đó là nhà anh Hồng Văn Dình.

Sương bay la đà trên lối xóm. Phía dưới thung đã có nhà đốt lửa. Khói bay đúng với hình ảnh lam chiều bảng lảng. Tiếng sáo trên sườn núi dìu dặt bay xuống làm tôi thấy dịu lòng và gió bớt lạnh hơn. Tôi gặp mấy người hỏi đường đến nhà anh Dình. Họ vội vã đi trong màn mưa. Tiếng sáo vẫn bay xa xa. Có lẽ một anh chàng nào đó còn ở trên nương ngô gọi tiếng tình yêu ẩn giấu trong lòng.

Tôi chợt nghĩ, chắc tối nay lại có một cô gái bị bắt về làm vợ. Tiếng hò tiếng hẹn của nỗi tình trên đỉnh núi. Điệu nhạc êm đềm du dương như đang đưa tôi vào cõi mơ thì có một người bất ngờ xuất hiện trước mặt. Tôi giật mình vuốt những giọt nước mưa đọng trên mi mắt để nhìn người đàn ông cho rõ.

Thì ra đó chính là anh Hồng Văn Dình. Anh nghe nói tôi đang đi bộ tìm đến nhà anh, thế là anh đi xe máy đón gặp, ở giữa đường. Nhưng không phải đưa tôi về, mà anh có việc phải đi, với cậu con trai thứ mười. Cậu bé ngồi đằng sau độ sáu tuổi, tháo láo mắt nhìn tôi với sự ngờ vực, tất nhiên. Tôi vội cho cháu chút quà rồi vội chụp mấy kiểu ảnh hai bố con anh Hồng Văn Dình. Tôi hỏi số điện thoại để liên lạc, anh nói làm gì có điện thoại để dùng, rồi dặn tôi cứ vào nhà anh trước rồi xong việc sẽ về. Vợ anh là Vương Thị De và các con sẽ tiếp tôi.

Tôi lần mò vào con đường nhỏ ở gần ngã ba tìm tới nhà của anh Dình, chị De. Đó là một gia đình trong số gần trăm hộ nghèo của xóm. Chị De nói, hai vợ chồng chỉ làm nương, kiếm bữa ăn hàng ngày cho hơn chục con nhỏ. Ấy vậy mà hai người cũng vẫn cố cho một cậu con trai thứ bảy theo học tiếp phổ thông dưới huyện nên càng túng bấn.

Chị De người nhỏ bé, vì sinh đẻ sớm ở tuổi vị thành niên nên sức khỏe ngày một yếu, không làm được việc nặng trong nhà. Trăm sự dồn lên đôi vai người chồng và những đứa con trai mới lớn lên chút đã phải giúp đỡ bố mẹ làm công việc lao động như người lớn, ngoài ruộng nương.

Ngôi nhà tuềnh toàng không có gì gọi là của nả. Tôi hỏi mới biết mấy cậu con trai đang theo chúng bạn lên rừng đi săn. Hy vọng tối nay, nhà sẽ có mùi thơm ngậy bùi của thịt thú rừng, mà có thể không vì mưa thế này, chị nói những con thú chỉ ở trong hang không chịu ra ngoài. Khi hỏi về những đứa trẻ hay thanh niên trong xóm hay đi xẻ gỗ, chở gỗ thuê kiếm tiền lo cho cái tết thì chị lắc đầu quầy quậy, rằng không. Không bao giờ con cái chị được phép làm chuyện đó. Chỉ có bám vào nương rẫy để sống.

Chị chỉ những vạt ngô giống khô trước mắt và nói, đói thì ăn mèn mén, và hoa quả rừng. Chị nói tất cả những đứa trẻ xóm này lớn lên từ hạt ngô đó. Chị nhìn bầy con nhỏ ngồi bên bếp lửa với ánh mắt thân thương, cho dù thân hình gầy gò đã như muốn xụp xuống trước miếng cơm manh áo của hơn mười đứa con còn chưa lớn khôn. Những bắp ngô nướng trên bếp than đỏ cháy vàng, tỏa mùi thơm làm ấm gian nhà trống trải, buồn tênh.

Rời căn nhà anh Dình, chị De với bắp ngô thơm phức trên bếp lửa, tôi mới hay màn đêm đã buông xuống. Mưa như ngưng và những cọng sương cứ quấn lấy chân. Chợt tiếng kèn môi vẳng lên lảnh lót. Đó là những âm thanh phát ra từ chiếc lá được kẹp giữa làn môi của những chàng trai.

Tiếng nó da diết nồng nhiệt và cháy hơn tiếng sáo dìu dặt. Tiếng sáo thì tỏ tình. Tiếng kèn môi thì gọi tình. Rằng em phải đến tối nay. Rằng em phải gặp mặt và anh sẽ đến nhà em và hát: “Trên đèo có một cái cây, hoa nở đẹp như mây trời. Nghe đồn gia đình có cô gái quý, chúng tôi tìm đến mang theo cái bụng không để ăn cơm của gia đình...”.

Chị Mai sau đó đã kể cho tôi chuyện ăn hỏi của những chàng trai Mông như vậy. Họ là những chàng trai đã trưởng thành hay cậu bé mới tuổi 13 như Hồng Văn Dình, mỗi mùa xuân về là đi bắt vợ. Tiếng lá cây rung lên trên làn môi như một thách thức của mùa xuân. Tôi nhìn quanh, cái tết sắp về, ngay ở trong nhà chị Mai, cũng tĩnh lặng như không có gì sẽ đến.

Bên bếp lửa, những thanh củi cháy, và những ngọn lửa đỏ mắt vì chờ đợi. Những hình ảnh của bầy trẻ nhỏ nơi ngã ba kia cứ ríu rít, ríu rít hồn nhiên. Còn ánh mắt của những người mẹ trẻ thì buồn. Tiếng kèn môi ngoài kia vẫn da diết. Hình như có tiếng người thở dài. Tôi ngồi im bên bếp lửa, ôm gối chờ cho đến sáng!

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/cheo-leo-ban-nho-phan-ngheo-d170093.html