Thứ năm 17/04/2025 - 18:28
Thời sự Nông nghiệp - Môi trường
Cháy rừng tăng bất thường: Lửa bén từ ý thức hay khí hậu cực đoan?
Thứ Năm 17/04/2025 - 18:18
Số vụ cháy rừng ghi nhận từ đầu năm 2025 đến nay đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024, cả về số vụ và diện tích bị thiệt hại.
- 50 điểm cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm tại miền Bắc
- Huy động gần 400 người xuyên đêm chữa cháy rừng ở Hà Nam
- Một người tử vong khi nỗ lực chữa cháy rừng ở Bắc Kạn
- Cảnh bảo nguy cơ cháy rừng cao tại 11 huyện, thành phố ở Hà Giang
Cẩn trọng cả khu vực không có rừng
Trong vòng mấy tháng đầu năm 2025, hàng loạt vụ cháy rừng xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Tuyên Quang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Lạng Sơn... đã thiêu rụi hàng trăm ha rừng tự nhiên và rừng trồng.
Theo Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), số vụ cháy rừng ghi nhận từ đầu năm 2025 đến nay đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024, cả về số vụ và diện tích bị thiệt hại. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là do điều kiện thời tiết cực đoan hậu El Nino kéo dài, kết hợp gió mạnh và độ ẩm không khí thấp khiến thảm thực vật khô nhanh và dễ bén lửa.

Ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm. Ảnh: Bảo Thắng.
Đáng lo ngại hơn, nhiều vụ cháy xuất phát từ những hành vi bất cẩn như đốt rác, đốt ong, xử lý thực bì khi trồng rừng, nấu ăn trong rừng hay vứt tàn thuốc lá. Vấn đề càng trở nên nguy hiểm, nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương đang bước vào cao điểm mùa trồng rừng vụ xuân - hè.
Ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm nhấn mạnh: “Năm 2025 cho thấy một xu hướng rõ ràng, đó là cháy rừng không chỉ xuất hiện tại những khu vực có nguy cơ cao truyền thống mà lan sang cả những vùng trước đây ít ghi nhận sự cố. Điều này cho thấy biến đổi khí hậu đang làm xáo trộn các quy luật khí hậu địa phương, đồng thời cảnh báo sự lơ là trong quản lý và giám sát lửa rừng”.
Ông Nam cũng chỉ ra vấn đề chủ quan hiện nay, đó là hệ thống cảnh báo nguy cơ cháy rừng vẫn chủ yếu dựa vào số liệu từ các trạm khí tượng cố định - vốn mang tính cục bộ, không phản ánh hết vi khí hậu trong khu vực rừng núi. Thực tế cho thấy, trong một địa bàn huyện, có nơi vừa mưa xong, độ ẩm cao, trong khi khu rừng bên kia núi đã khô hanh và gió lớn, rất dễ phát sinh cháy.
Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, chỉ cần một cơn gió lớn, tàn lửa từ đống rác tại khu vực dân cư cũng có thể cuốn vào khu vực có thảm thực vật khô, bùng phát thành cháy lớn. Do đó, song song với việc kiểm soát các diện tích có rừng, ông Nam khuyến cáo nên cảnh giác hơn nữa tại các vùng giáp ranh giữa đất sản xuất và đất rừng, nhất là trong mùa trồng rừng.
Những điểm dễ cháy lan phải được canh gác nghiêm ngặt, xử lý thực bì an toàn và có người giám sát việc sử dụng lửa.

Diễn tập phòng, chống cháy rừng tại tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Trường Giang.
Lấy ví dụ về những đám cháy vừa xảy ra tại tỉnh Hà Nam, ông Nam cho biết, một số vụ cháy gần đây xảy ra ở vùng núi đá, không thuộc quy hoạch đất rừng khiến dữ liệu theo dõi thiếu cập nhật, việc bố trí lực lượng và cảnh báo gặp nhiều khó khăn. Địa hình hiểm trở, thiếu đường tiếp cận càng khiến công tác chữa cháy trở nên thụ động.
“Công tác dự báo vẫn mang tính hình thức, thiếu độ phủ thực địa. Những khu vực xen kẽ giữa đất rừng, đất sản xuất, đất chưa phân định quy hoạch là điểm nóng dễ bị bỏ qua. Đây chính là nơi phát sinh cháy không báo trước”, ông Nam lưu ý.
Một yếu tố nữa được ông Đoàn Hoài Nam nêu bật là phương tiện chữa cháy hiện nay còn rất thô sơ, chủ yếu dựa vào sức người và dụng cụ thủ công như dao phát, cành cây, bình xịt tay. Khi đám cháy lan rộng, những công cụ này gần như không thể kiểm soát được ngọn lửa. Thiếu thiết bị cơ giới, thiết bị bay, vòi phun cao áp và hệ thống cảnh báo từ xa đang là rào cản lớn trong ứng phó với cháy rừng.
Cảnh giác cháy lan trong mùa trồng rừng
Hiện đang cao điểm mùa trồng rừng, nhiều nơi thực hiện xử lý thực bì, phát dọn và đốt rác hữu cơ ven rừng, trong khi điều kiện gió mạnh và thảm thực vật khô có thể khiến cháy lan vào rừng chỉ trong vài phút.
Do đó ông Nam cảnh báo: “Phải đặc biệt lưu ý các vùng giáp ranh giữa đất sản xuất – đất rừng, các nương rẫy mới dọn hoặc khu vực người dân hay đốt rác. Mỗi điểm lửa nhỏ đều cần giám sát kỹ. Một tàn tro bay theo gió có thể là nguyên nhân thiêu rụi cả cánh rừng”.
Nếu để cháy rừng xảy ra, cái mà chúng ta mất không chỉ là cây gỗ, tre nứa hay dược liệu mà còn hủy hoại lớp phủ bảo vệ đất, làm suy giảm chất lượng nước và tăng nguy cơ sạt lở, xói mòn, sâu xa hơn là ảnh hưởng tới cả hệ sinh thái. Cháy rừng không chỉ gây thiệt hại về tài nguyên mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới độ đa dạng sinh học và an ninh sinh thái. Nhiều khu vực miền núi sinh kế phụ thuộc vào rừng - từ lâm sản, cây dược liệu đến du lịch sinh thái... có thể chịu thiệt hại lâu dài.
Mỗi ha rừng bị cháy là một phần lớp giáp sinh thái bị bóc mất. Ngoài ra, khói từ cháy rừng làm suy giảm chất lượng không khí, là nguồn gây ô nhiễm không khí cục bộ, đe dọa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là người già và trẻ em tại các bản làng gần rừng. “Một vụ cháy rừng là một bước thụt lùi trong cả hành trình bảo vệ môi trường, chống sạt lở và giữ gìn sinh kế cho người dân vùng cao", ông Nam nói tiếp.

Các công nghệ dự báo và chữa cháy rừng của Việt Nam còn thiếu và yếu. Ảnh: TTXVN.
Chuyển đổi từ phản ứng sang phòng ngừa chủ động
Theo Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, thời gian tới, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp, đầu tư bài bản vào hệ thống cảnh báo sớm ứng dụng dữ liệu vệ tinh, cảm biến nhiệt độ thực địa, dự báo khí tượng vi mô cùng một số công nghệ tiên tiến khác để phân tích sớm nguy cơ cháy rừng.
Đồng thời, xây dựng lực lượng chữa cháy bán chuyên nghiệp tại các xã có rừng, được huấn luyện bài bản và trang bị tốt hơn công cụ phù hợp với địa hình miền núi, tăng cường thiết bị bay giám sát và dập cháy từ xa.
Mở rộng hơn nữa các mô hình quản lý rừng cộng đồng kết hợp bảo vệ, phòng cháy, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của chính quyền cấp xã, thôn - nơi tiếp xúc trực tiếp với người dân sử dụng lửa trong sản xuất và sinh hoạt.
"Chống cháy rừng không thể chỉ là nhiệm vụ mùa khô. Đây phải là chiến lược lâu dài, có đầu tư bài bản về thiết bị, con người, hệ thống theo dõi và đặc biệt là sự đồng hành của cộng đồng địa phương. Giữ rừng trước cháy là giữ sinh mệnh, giữ sinh kế. Muốn làm được, phải có tầm nhìn dài hạn, thay đổi từ tư duy chữa cháy sang phòng cháy chủ động”, Phó Cục trưởng Đoàn Hoài Nam nhấn mạnh.
Cháy rừng đang trở thành thách thức môi trường cấp bách tại các tỉnh phía Bắc. Để bảo vệ được rừng, ông Nam cho rằng cần nhất là sự thay đổi nhận thức từ cấp cơ sở đến từng người dân. Rừng không thể tự bảo vệ mình mà phải có bàn tay chủ động, trách nhiệm và tỉnh táo của con người.
Theo tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã xảy ra 129 vụ cháy rừng, làm thiệt hại trên 150ha rừng (tăng trên 2 lần về số vụ, diện tích rừng bị thiệt hại gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024). Đặc biệt, vụ cháy rừng cuối tháng 3/2025 tại xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã làm 1 người tử vong, thiêu rụi trên 20ha rừng.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tham mưu và kiến nghị Thủ tướng ban hành công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn tới.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/chay-rung-tang-bat-thuong-lua-ben-tu-y-thuc-hay-khi-hau-cuc-doan-d748836.html