Thứ năm 15/05/2025 - 18:36
Tâm sự Dạ Hương
Cháu thấy mình như ô-sin lạc lõng trong ngôi nhà rần rật khách khứa xa lạ
Thứ Sáu 17/02/2017 - 06:50
Em chồng duy nhất của cháu là gái, cũng đang chờ để đi theo bên chồng cô ấy. Không biết bao giờ cô ấy đi, cô ta đi thì cháu mới dễ thở cô ạ.
Cô Dạ Hương kính!
Duyên phận khiến cháu yêu và gặp anh khi cháu đi thực tập trong miền Nam này. Anh hơn cháu hai tuổi, khi ấy anh đã có việc làm rất ổn định ở một công ty nước ngoài. Bố mẹ cháu khá phiền lòng khi cháu chọn anh và xứ nóng quanh năm làm cái bến cho mình.
Cháu tự tin, có học thức nên cháu không thấy lép vế gì cả khi về làm dâu nhà anh. Ba mẹ anh đều là công chức, không địa vị gì mấy. Nhưng ông bà nội anh là người Sài Gòn gốc, phải nói là hầu hết người trong họ nhà anh đều định cư bên Mỹ. Những người còn lại thường là chờ để bảo lãnh, ăn ở không, cà phê, mua sắm và dao kéo làm đẹp. May là mẹ của anh chỉ phun lông mày, sơn sửa móng chứ không chẻ cằm chẻ môi nhưng những người bà con khác.
Em chồng duy nhất của cháu là gái, cũng đang chờ để đi theo bên chồng cô ấy. Không biết bao giờ cô ấy đi, cô ta đi thì cháu mới dễ thở cô ạ. Không phải cô ấy hiếp đáp gì cháu nhưng suốt ngày cô ấy đầu độc mẹ chồng cháu bằng mỹ phẩm, quần áo, túi xách, giày dép và cắt ghép, sửa sang.
Cháu lấy làm lạ cho một thứ văn hóa phụ thuộc và đồng tiền ở đẩu đâu và chờ như chờ sung rụng vậy cô. Tương lai là cô ấy sẽ bảo lãnh cho ba mẹ chồng cháu đi, nhưng việc ấy còn xa lắm. May là chồng cháu không thích đi, nhiều khi anh đùa rằng anh “bị rau muống quấn”, cũng có lúc anh chép miệng “làm rể Bắc kỳ thì đi đâu!”. Nhưng thật lòng anh không thích đi, anh bảo ở đây công việc ngon, làm việc với nước ngoài, nói tiếng Anh suốt, muốn đi thì đi chơi, làm người cộng tác với họ mới oai chứ sang bên ấy làm công dân hạng hai thì oai gì!
Cháu cũng đinh ninh chồng cháu không đi và chúng cháu sẽ ổn định. Nhưng sống với ba mẹ anh và em gái anh cháu thấy mệt quá, ăn quá nhiều đường, toàn nói chuyện ăn và mặc, có làn sóng ăn chơi gì họ hội nhập nhanh như chim cắt ấy cô. Hồi chưa phun thì xăm, giờ thì nhuộm tóc thời trang, sơn móng thời trang, ngắm vuốt, hết cả tâm trí và thời giờ. Họ làm mà không để cháu yên, chê thấp, chê bụng không có eo, chê mũi to, chê mày không vét không sửa, như vệt lọ…
Cháu thấy mình như ô-sin lạc lõng trong ngôi nhà rần rật khách khứa xa lạ. Cháu thật sự không thích nén mình để rồi ôm cái nhà ba tầng này đâu cô. Nhưng chồng cháu thì thật sự tốt tính, văn minh và rất khác, rất đáng nể và đáng yêu cô ạ. Cháu chia sẻ để cô giúp cháu cách thích ứng và vui sống.
--------------------
Cháu thân mến!
Có một nền văn hóa khác với văn hóa mà cháu lớn lên và ngấm nó. Đó là văn hóa của tầng lớp bình dân được nền kinh tế thực sự thị trường nhào nặn. Hồi xưa họ làm và ăn, dành dụm để mua sắm và du lịch. Bây giờ kinh tế trong nước chưa thông thoáng, họ ngồi chờ tiền từ người thân ở Mỹ ở châu Âu gửi về nhưng cách ứng xử với đồng tiền thì đã có “truyền thống”. Tức cũng là ăn uống, mua sắm, vui chơi và khi phong trào dao kéo thẩm mỹ lên ngôi thì họ hưởng thụ nó.
Mới đây, trong một tiệm tóc, cô tình cờ quen một phụ nữ từ Mỹ về ăn tết. Cô ấy bảo cô ấy là thợ nail có tiếng, thu nhập cao và đã về Việt Nam nhiều lần để giải phẫu thẩm mỹ (bên Mỹ làm việc đó chết tiền). Cô ta có thân hình như Linda Kiều trong ấn phẩm Tuổi Trẻ Cười, từng gọt cằm, độn mông, lóc mỡ bụng, nói chung là nghiện giải phẩu (không biết có kéo cho dài chân không nữa). Thật là đáng sợ, cái tật nghiện dao kéo ấy. Số tiền bỏ ra cho mấy chục lần giải phẫu là 700 triệu rồi. Biết làm sao, đó là kinh tế thị trường, ai muốn sống theo ý mình, kệ, miễn họ không làm hại gì ai.
Cô biết cháu rất khó hòa nhập ngay với nhà chồng. Nêm và nếm món ăn không đã khó rồi. Vả lại sở thích ăn uống còn là do thổ nhưỡng, ký ức, nếp sống và nguyên liệu của vùng đất nữa. Không sao, cô thấy cháu đánh giá cao chồng và yêu chồng, hạnh phúc bên chồng, là đủ.
Mẹ chồng chắc đã sắp già mà bị cuốn theo con gái vậy là bà đã thiên về cô ấy, muốn sẽ đi theo cô ấy. Cũng đâu có sao, mẹ và con gái mà, đó là quan hệ đặc biệt của máu thịt, giới tính và cả di truyền. Cháu đừng bận tâm. Nhà có ô-sin không, cháu có con chưa, cháu đi làm thì việc bếp núc chắc cũng vừa phải và nếu đã có con thì đó là sợi dây vững chắc giữa cháu và mẹ chồng cùng cô của nó đấy.
Đừng để bụng khi họ muốn mình đi sửa sang như họ. Mình không đi thì rồi họ sẽ quên luôn là không rủ rê nữa. Việc họ họ làm, quan niệm mình thế nào hãy giữ nguyên thế ấy, đừng chung chiêng và cũng đừng ác cảm. Thời gian sẽ cho cháu thở, cô em chồng đi, ba mẹ chồng đi nữa, không ai làm lu bu cái tai của cháu, yên tĩnh, vắng vẻ. Biết đâu nữa cháu sẽ nhớ họ, những người hồn nhiên này, biết đâu đấy.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/chau-thay-minh-nhu-o-sin-lac-long-trong-ngoi-nha-ran-rat-khach-khua-xa-la-d187113.html