| Hotline: 0983.970.780

Chủ nhật 18/05/2025 - 14:20

Trồng trọt

Cày tạo luống chống hạn cho cây trồng

Thứ Ba 16/06/2009 - 13:23

Cày tạo luống không chỉ giúp tiết kiệm nước, mà còn làm giảm chi phí tưới tiêu đáng kể cho nhà nông.

Cày tạo luống không chỉ giúp tiết kiệm nước, mà còn làm giảm chi phí tưới tiêu đáng kể cho nhà nông. Đó là một phát hiện nghe có vẻ đơn giản nhưng rất hữu ích của các nhà khoa học ngành nông nghiệp Hoa Kỳ mới đây khi nghiên cứu về các hệ thống canh tác đối với cây trồng.

Theo đó, khi làm đất, nhờ cày tạo luống mà đất được vun thành các luống chạy dài đều khắp mặt ruộng. Nhờ có các luống, nước tưới và nước mưa sẽ không bị trôi đi mà được lưu giữ lại trong các rãnh nhỏ để thấm dần vào các mặt luống cung cấp dần cho cây trồng như một cách dự trữ nguồn nước rất hiệu quả. TS. Russell Nuti (Trung tâm Nghiên cứu lạc quốc gia Dawson) và TS. Clint Truman (Trung tâm Nghiên cứu thủy lợi Tifton) đều có cùng nhận định: luống cày có khả năng chống lại hạn hán, làm giảm 28% lượng nước thất thoát và hạn chế tình trạng xói mòn đất, đồng thời làm tăng năng suất cây trồng so với những diện tích không được cày tạo luống.

Nghe chuyện của các nhà khoa học bên tây Cận tôi mới thấy thấm thía hết cái hay, cái giỏi của nông dân nước ta từ bao đời nay về kiểu cày lên luống. Phần lớn diện tích canh tác ở nước ta không có hệ thống tưới tiêu chủ động mà chỉ trông chờ vào nước trời (trừ cây lúa nước) nên tùy theo mùa vụ, địa hình đất đai mà nhà nông có cách canh tác hợp lý. Đất thấp, lên luống để tránh bị úng ngập (mùa mưa); đất bằng, lên luống vừa hạn chế được tác động của hạn hán và cho năng suất cao hơn.

Thực tế canh tác đậu tương gieo vãi vụ đông trong những năm gần đây ở các tỉnh phía Bắc cho thấy: việc xẻ rãnh để thoát nước chống ngập đầu vụ nhưng lại có tác dụng giữ nước chống hạn cho cây ở giai đoạn giữa và cuối vụ rất hiệu quả ở các cánh đồng không có điều kiện tưới tiêu. So sánh năng suất và khả năng chịu hạn của 2 lối canh tác: gieo rạch hàng và cày lên luống của nhiều loại cây trồng khác nhau như: ngô, khoai lang, khoai tây, sắn, rau màu, đậu đỗ v.v… đều thấy tính ưu việt của kiểu canh tác độc đáo này.

Trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu với SXNN của nước ta như hiện nay, Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo các địa phương rà soát lại diện tích đất nông nghiệp chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm mặn để cơ cấu lại cây trồng cho phù hợp. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, công việc này sẽ được thực hiện nghiêm túc với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và các địa phương để xây dựng cho được một cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu và hiệu quả kinh tế của từng vùng. Thiết nghĩ, bà con cũng nên coi kinh nghiệm cày tạo luống trên đây như một giải pháp chống hạn để bố trí lại cơ cấu cây trồng sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao nhất trên từng mảnh đất của mình trong điều kiện thời tiết, khí hậu bất thuận.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/cay-tao-luong-chong-han-cho-cay-trong-d34748.html