Thứ hai 19/05/2025 - 07:19
Văn hóa
Cần thay đổi nhận thức về đốt vàng mã
Thứ Tư 28/02/2018 - 13:35
Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Thái Bình nói việc đốt vàng mã tạo điều kiện cho hoạt động mê tín dị đoan phát triển tràn lan.
![]() |
Đốt vàng mã tạo thành cuộc đua trong xã hội. Ảnh minh họa: Lê Hiếu |
"Việc đốt nhiều vàng mã trong thời gian gần đây gây những tác hại nhất định, đặc biệt là việc đốt quá nhiều. Thứ nhất, việc này tạo ra một cuộc đua tranh trong xã hội theo nghĩa người nào càng đốt nhiều thì được xem là càng có nhiều lộc, có hiếu nhiều hơn. Thứ hai, nó tạo điều kiện cho hoạt động mê tín dị đoan phát triển tràn lan", ông Bình nói.
Quan chức Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho biết nhiều hình thức mê tín khác nhau lợi dụng vàng mã để làm lợi cho người bán vàng mã, người xem bói hay những người hành nghề mê tín dị đoan khác. Thứ ba, việc đốt vàng mã quá nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực về mặt môi trường ở các khu di tích, dễ gây cháy nổ ở các nơi đốt vàng mã. Thứ tư, việc dùng tiền để mua vàng mã quá nhiều đã gây ảnh hưởng đến kinh tế của mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Ông Bình cho biết Bộ đã có các công văn gửi các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự tín ngưỡng, trong đó có việc hạn chế đốt vàng mã, đồ mã. Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có văn bản đề nghị “loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã” thể hiện sự chia sẻ về mặt quan điểm của Bộ. Việc này được nhiều tăng ni, Phật tử ủng hộ.
Đốt vàng mã là một phong tục cổ truyền của người Việt và được coi như một phương tiện kết nối giữa người sống và người chết, cõi dương và cõi âm. Đây cũng là một cách thức để con người bày tỏ hiếu lễ đối với tổ tiên và thần linh. Ngoài ra, việc làm vàng mã cũng được xem như một nghề truyền thống, đem lại công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều người dân.
Để hạn chế tình trạng đốt vàng mã, tại Điểm c, khoản 1, Điều 18, Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/7/2010 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá đã quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi “đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng khác”; Thông tư 4/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch “Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” nêu rõ: “Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang” (điểm e, khoản 1, Điều 10) và khuyến khích “Không rắc vàng mã trên đường đưa tang”.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/can-thay-doi-nhan-thuc-ve-dot-vang-ma-d213627.html