| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 24/04/2025 - 11:12

Lâm nghiệp

Cần phê duyệt sớm phương án điều chỉnh quản lý rừng bền vững

Thứ Năm 24/04/2025 - 11:11

Thời gian để chi trả nguồn ERPA không còn nhiều, chủ rừng mong muốn cấp có thẩm quyền phê duyệt sớm phương án điều chỉnh quản lý rừng bền vững nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Thực hiện Nghị định thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), hơn 2 năm qua, từ Trung ương đến địa phương nỗ lực tháo gỡ nhiều vướng mắc để giải ngân nguồn đảm bảo tiến độ, đem lại hiệu quả.

Hầu hết chủ rừng tại Hà Tĩnh giải ngân nguồn Thỏa thuận ERPA bằng việc thực hiện biện pháp lâm sinh làm giàu rừng và nuôi dưỡng rừng. Ảnh: Thanh Nga.

Hầu hết chủ rừng tại Hà Tĩnh giải ngân nguồn Thỏa thuận ERPA bằng việc thực hiện biện pháp lâm sinh làm giàu rừng và nuôi dưỡng rừng. Ảnh: Thanh Nga.

Đối với tỉnh Hà Tĩnh, hoạt động chi trả cơ bản thực hiện biện pháp lâm sinh là nuôi dưỡng rừng và làm giàu rừng. Về nội dung làm giàu rừng, đến nay Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) đã giao đơn vị chuyên môn hướng dẫn cách làm, tổ chức thực hiện theo quy định tại Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NN-PTNT (nay là Bộ NN-MT), quy định về các biện pháp lâm sinh; Thông tư số 17/2022/TT-BNNPTNT ngày 27/10/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 29/2018/TT BNNPTNT; Hướng dẫn của Cục Lâm nghiệp tại các Văn bản số 2118/LN QBVPTR ngày 19/12/2024, số 61/LN-QBVPTR ngày 13/01/2025 và các quy định liên quan.

“Bây giờ một số chủ rừng đang vướng khó do biện pháp lâm sinh (nuôi dưỡng rừng và làm giàu rừng) chưa có trong phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt. Bởi, theo yêu cầu của Sở NN -MT nội dung này phải nằm trong phương án quản lý rừng bền vững được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì mới được tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, văn bản trả lời của Cục Lâm nghiệp liên quan đến ERPA nêu “Nghị định 107/2022/NĐ-CP không quy định thực hiện các biện pháp lâm sinh liên quan đến phương án quản lý rừng bền vững”.

Trong khi đó, phương án quản lý rừng bền vững của chúng tôi được tỉnh phê duyệt năm 2021 và không có hoạt động nuôi dưỡng, làm giàu rừng. Thời gian qua đơn vị đã tập trung điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2030, bổ sung các biện pháp lâm sinh vào phương án, trình Sở NN - MT, UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt nhằm đảm bảo chi nguồn ERPA đúng quy định, hiệu quả”, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ thông tin.

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đang quản lý hơn 44.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, rừng đặc dụng gần 21.800 ha, rừng phòng hộ hơn 16.300 ha, rừng sản xuất 3.400 ha và 2.800 ha diện tích mặt thoáng hồ Kẻ Gỗ, thuộc địa bàn 15 xã của 4 huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê và Kỳ Anh.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, nguồn Thỏa thuận ERPA phân bổ cho đơn vị năm 2023 hơn 5 tỷ đồng, năm 2024 hơn 7 tỷ đồng, chủ yếu chi cho việc thực hiện biện pháp nuôi dưỡng rừng (khoảng 900 ha) và làm giàu rừng (khoảng gần 300ha) rải rác tại các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Thạch Hà.

Sau khi tiếp nhận kinh phí, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ kịp thời xây dựng phương án giải ngân, tuy nhiên, do vướng quy định biện pháp nuôi dưỡng rừng và làm giàu rừng phải có trong phương án quản lý rừng bền vững được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên đến nay đơn vị mới chỉ giải ngân được 10% kinh phí dành cho chủ rừng, còn 90% đang nằm trong tài khoản.

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ kiến nghị tỉnh sớm phê duyệt phương án điều chỉnh quản lý rừng bền vững nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn Thỏa thuận ERPA. Thanh Nga.

Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ kiến nghị tỉnh sớm phê duyệt phương án điều chỉnh quản lý rừng bền vững nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn Thỏa thuận ERPA. Thanh Nga.

Tại Vườn quốc gia Vũ Quang, hoạt động chi trả nguồn ERPA cũng đang “chạy nước rút”. Theo lãnh đạo Vườn, Nghị định 107/2022/NĐ-CP không quy định bắt buộc thực hiện các biện pháp lâm sinh phải có trong phương án quản lý rừng bền vững nên các cơ quan chức năng cần có sự linh hoạt trong hướng dẫn để giải ngân nguồn kịp thời.

Vườn quốc gia Vũ Quang là một trong những đơn vị có diện tích làm giàu rừng lớn. Năm 2023, chủ rừng này được phân bổ 10,1 tỷ để làm giàu 138 ha; năm 2024 phân bổ hơn 23,7 tỷ làm giàu 180 ha rừng, thuộc tiểu khu 181 xã Hòa Hải, huyện Hương Khê.

Đến nay nguồn năm 2023 mới giải ngân đạt hơn 900 triệu đồng; năm 2024 giải ngân gần 500 triệu đồng. Đơn vị đang tập trung xây dựng hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sớm đấu thầu thực hiện làm giàu rừng bằng cây bản địa như: lim xanh, dổi xanh, sao đen, vàng tâm, sến, táu…

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/can-phe-duyet-som-phuong-an-dieu-chinh-quan-ly-rung-ben-vung-d749662.html